THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 06:59

Cần điều chỉnh nội dung cấp tiểu học năm học 2021-2022

14/12/2021 | 15:19
Tôi có con học tiểu học (lớp 2) nên rất quan tâm tới vấn đề điều chỉnh chương trình, nội dung ở cấp tiểu học để phù hợp với việc học trực tuyến. Sự điều chỉnh mới đây của Bộ GD&ĐT là cần thiết vì học trực tuyến khác học trực tiếp trên lớp.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn nhưng trường và giáo viên cần chủ động

Tôi không ngạc nhiên và cảm thấy hài lòng khi thấy Bộ GD&ĐT đã chủ động hướng dẫn các trường tiểu học tinh giản, tích hợp nội dung ở từng khối lớp, môn học trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể còn lâu dài. Các chuyên gia của Bộ đều là những người có kinh nghiệm, có tâm huyết với nghề nên họ dễ dàng nhận ra những vấn đề khi chuyển từ dạy và học trực tuyến tại lớp sang dạy trực tuyến – học sinh ngồi ở nhà học qua máy tính, điện thoại, tivi... Việc không được đến trường để chạy nhảy cùng bạn bè đã là một thiệt thòi với học sinh. Thêm việc bị anh chị, bố mẹ, ông bà luôn để mắt tới các cháu bị mất thoải mái, tâm lý hơi căng cứng. Cộng với việc học trực tuyến với đường truyền nhiều khi không ổn định, nghe câu được, câu mất thì chất lượng học sụt giảm so với học trực tiếp là điều không cần bàn cãi.

Điểm trường Dộc Máy (Nhất Hòa, Bắc Sơn, Lạng Sơn) nơi có thể học trực tiếp. Ảnh: HBK

Điểm trường Dộc Máy (Nhất Hòa, Bắc Sơn, Lạng Sơn) nơi có thể học trực tiếp. Ảnh: HBK

Trước tình hình như thế, chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm 2021-2022 cần được tinh giản cho nhẹ nhàng, phù hợp. Tuy nhiên, chương trình vẫn phải bảo đảm liền mạch kiến thức; chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa cần được giáo viên xây dựng lại theo chủ đề dạy học trên cơ sở lược giản, tích hợp một số nội dung cơ bản. Để làm tốt điều này, Bộ, Sở, Phòng và nhà trường cần tạo điều kiện để giáo viên chủ động, sáng tạo trong cách dạy của mình. Tôi cho rằng, đội ngũ giáo viên tiểu học hiện nay được đào tạo kỹ lưỡng, đầu vào lại yêu cầu cao nên họ có đủ trình độ để hoàn thành nhiệm vụ trước yêu cầu mới.

Sự lựa chọn và ưu tiên của các trường

Chương trình phổ thông của chúng ta hiện đang thống nhất trên toàn quốc (riêng TP Hồ Chí Minh có chương trình riêng nhưng nhìn chung vẫn tương thích với chương trình chung), song điều kiện, hoàn cảnh của các địa phương khác nhau nên sẽ có sự lựa chọn khác nhau khi tinh giản nội dung. Theo tôi, các trường ưu tiên dạy nội dung để hình thành kiến thức mới cho học sinh. Với học sinh tiểu học, kiến thức mới không có gì cao xa cả, mà là những vấn đề trước khi đi học, các em chưa biết, bây giờ đi học thì các em biết.

Nhiều em học trực tuyến vẫn hăng say phát biểu. Ảnh: K.T

Nhiều em học trực tuyến vẫn hăng say phát biểu. Ảnh: K.T

Cụ thể, với học sinh lớp 1, khi kết thúc năm học, các em biết đọc, biết viết là đạt yêu cầu rồi. Với học sinh lớp 2, các em đọc thông, viết thạo (biết nhắn tin) và biết phân biệt chữ hoa, chữ thường. Còn riêng môn toán thì nên dạy hết chương trình trong sách giáo khoa, yêu cầu các em nắm được các phép tính. Đối với các môn học khác, cần tổ chức linh hoạt, sắp xếp chủ đề học tập phù hợp với hoàn cảnh, có thể hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh. Đừng bao giờ quên học trực tuyến chỉ có hiệu quả khi học sinh học tập với tinh thần tự giác, dành nhiều thời gian cho việc tự học.

Ở phần phụ lục trong hướng dẫn của Bộ có những nội dung cụ thể. Ví dụ, ở môn Tiếng Việt 1, giáo viên được phép căn cứ vào trình độ học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học sao cho đảm bảo các em đạt được yêu cầu cần đạt của môn học một cách chắn chắn. Tôi cho rằng, yêu cầu này là hơi cao so với học sinh vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu cơ bản đối với học sinh lớp 1 là để các em làm quen với môi trường học tập có tổ chức. Ở một số nước trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, học sinh lớp 1 sau một thời gian đến trường không sợ việc đi học là đạt yêu cầu rồi. Do vậy, Bộ cần tạo điều kiện để các trường lựa chọn nội dung thích hợp, ưu tiên những nội dung mà nhà trường cho rằng chúng phù hợp với địa phương mình.

Có thể lựa chọn nhiều hình thức học khác nhau

Hiện nay, hình thức học trực tuyến ở cấp tiểu học là phổ biến trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo tôi ở một số nơi có thể mở lại hình thức học trực tiếp ở trường, lớp. Đó là ở những địa phương dịch Covid-19 đã được kiểm soát, hoặc ở những nơi hầu như chưa có người bị nhiễm bệnh. Đó là những địa bàn ở các tỉnh miền núi, các huyện vùng sâu, vùng xa... Những nơi này đường truyền thường không ổn định, thiết bị học tập của học sinh chất lượng chưa cao nên việc học trực tuyến bị hạn chế. Điều cơ bản là ở những nơi đó đang khá an toàn, bình yên và thường là có những điểm trường cách biệt với xung quanh, lại rộng, thoáng. Ở những nơi này nên áp dụng hình thức học trực tiếp.

Một việc có ý nghĩa quan trọng nữa là, ngoài điều chỉnh chương trình, Bộ GD&ĐT nên cho phép các trường điều chỉnh thời gian sao cho phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh và gia đình các em. Không nên để xảy ra tình trạng gia đình có một học sinh đi học mà cả nhà luôn bị cuốn hút vào đấy, ai cũng bận rộn và cảm thấy bị áp lực. Dù trong điều kiện nào, học hình thức nào cũng cần tổ chức để chuyện học là chuyện thường ngày, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác; nghĩa là phải biến chuyện học thành hoạt động thường ngày trong cuộc sống, biến nó thành niềm vui, thậm chí biến thành trò chơi bổ ích. Đây là cách nhà trường và gia đình cần quan tâm, kể cả khi chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch Covid-19.

Cũng xin nhắc lại rằng, khi tình hình dịch được kiểm soát (hi vọng là bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021 - 2022) các trường nhanh chóng chuyển sang dạy và học trực tiếp tại trường để ôn tập, rà soát, bổ sung kiến thức cần thiết cho học sinh. Các trường chú ý những lỗ hổng kiến thức của học sinh để phụ đạo và học thêm (không thu phí) nếu thấy cần thiết. Điều quan trọng là các trường phải làm thế để có cơ sở để kiểm tra, đánh giá theo quy định trước khi dạy kiến thức mới.

Dạy và học hiện nay cần linh hoạt để vừa chống dịch hiệu quả, vừa tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Nguyên Hồ
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Bến Tre tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến

Bến Tre tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến

2 năm trước

Tính đến thời điểm hiện tại, 36/187 trường cấp tiểu học, 131/134 trường cấp THCS, 31/36 trường cấp THPT và 7/9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã tổ chức cho...