THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 12:55

Cần nhân rộng mô hình đối thoại học đường

01/12/2021 | 09:39
Tại buổi đối thoại học đường, các em học sinh có cơ hội để nói lên suy nghĩ, được thực hiện “quyền được tham gia”, “quyền được bày tỏ ý kiến” với thầy cô giáo, cha mẹ. Các em được chia sẻ, quan tâm, thấu cảm và được tôn trọng...
Đối thoại học đường là một trong những hoạt động thiết thực để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Ảnh SC

Đối thoại học đường là một trong những hoạt động thiết thực để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Ảnh SC

Lắng nghe ý kiến từ học sinh

Chuyên gia về trẻ em Nguyễn Lữ Gia - Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) cho biết, hoạt động đối thoại học đường ba bên (nhà trường – phụ huynh – học sinh) góp phần vào việc tổ chức thực hiện tốt các quyền của trẻ em, giúp trẻ em có môi trường sống tốt hơn thông qua việc củng cố môi trường hỗ trợ giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử. Đồng thời, gia tăng cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như giáo dục, y tế và bảo vệ trong một môi trường an toàn và thân thiện tại gia đình và trường học.

Đối thoại học đường cũng tạo điều kiện để học sinh bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình đến ban giám hiệu, thầy cô và phụ huynh trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tại gia đình và nhà trường; Tăng cường sự tham gia của học sinh và phụ huynh trong việc góp phần xây dựng một môi trường học tập thân thiện và chất lượng. Đồng thời, là dịp để phụ huynh và học sinh đề xuất các ý kiến nhằm giúp Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên xây dựng một môi trường học tập tốt hơn.

Đối thoại học đường đồng thời còn phát huy vai trò làm chủ cũng như thực hiện chức năng giám sát của phụ huynh, học sinh trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thúc đẩy việc đổi mới phương pháp giáo bằng các biện pháp giáo dục tích của nhà trường và gia đình thông qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu phản ánh, kiến nghị của học sinh, phụ huynh, giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường.

Thực tế triển khai mô hình đối thoại học đường cho thấy, điều các em mong muốn từ giáo viên và cha mẹ rất “giản dị”: “mong giáo viên cười nhiều hơn khi vào lớp học, mong muốn bố, mẹ luôn giữ gìn sức khỏe tốt để có thể chở con đi học”; “bố mẹ đừng tạo áp lực điểm số với con, đừng bắt con phải đi học thêm quá nhiều”, “bố, mẹ hãy dành thời gian trò chuyện với con”…; Hay “các em mong muốn thầy, cô giảm bớt kiến thức lý thuyết, giảm bớt bài tập về nhà, tăng cường nội dung thực hành”; “mong thầy, cô khỏe mạnh để giảng dạy chúng em”…

Tại đó, phụ huynh cũng được nói lên mong muốn của mình như: “mong con chăm ngoan, biết nghe lời thầy cô, học giỏi để không phụ lòng cha mẹ”; “con cần giúp đỡ gia đình, dọn dẹp nhà cửa, ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô, đối xử thân thiện với bạn bè”…; “mong thầy cô dạy dỗ quan tâm đến học sinh nhiều hơn, hạn chế khiển trách học sinh trước tập thể nhà trường”; “thầy, cô quan tâm hướng dẫn kỹ năng sống cho các em”…

Nhà trường cũng “có dịp” bày tỏ: “Mong phụ huynh nhiệt tình hợp tác với nhà trường, quan tâm, động viên nhắc nhở các em học bài tốt ở nhà”; “Nói chuyện với con cái nhiều hơn để hiểu con và giúp đỡ con kịp thời”… “Mong các em luôn chủ động chia sẻ, tâm sự với thầy cô mỗi khi gặp khó khăn”; “Mong các em có trách nhiệm hơn trong việc học, phải biết tự soạn bài và chuẩn bị tốt dụng cụ học tập, luôn ngoan ngoãn và chấp hành tốt nội quy trường lớp”…

Học sinh chia sẻ mong đợi của mình tại Đối thoại học đường.

Học sinh chia sẻ mong đợi của mình tại "Đối thoại học đường".

Góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực

Trường THPT Hai Bà Trưng là một trong những trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sớm áp dụng mô hình này và đã tổ chức thành công “Đối thoại học đường vì một môi trường học đường hạnh phúc”. Sau buổi đối thoại, nhiều học sinh chia sẻ: “Qua buổi đối thoại chúng em đã có dịp nói lên những tâm tư, nguyện vọng, ý nghĩ của bản thân cũng như tập thể đến với thầy cô giáo. Em chân thành cảm ơn ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức buổi đối thoại, nó rất có ý nghĩa đối với chúng em”; “Chúng em rất vui khi được tham gia đối thoại. Qua buổi đối thoại chúng em được trực tiếp trình bày ý kiến, nguyện vọng của bản thân. Sau đối thoại em nhận thấy nhà trường đã đáp ứng nhiều nguyện vọng của chúng em. Chúng em rất cảm ơn!”.

Thực tế cho thấy, học sinh ở các cấp học đều có tâm tư, nỗi niềm riêng, nhất là áp lực từ việc học tập, thi cử, phương pháp giảng dạy, giáo dục cũng như sự công tâm của thầy cô… Nếu không được đối thoại, được lắng nghe, sẻ chia kịp thời thì học sinh sẽ bị ức chế, phản đối ngầm, nhiều khi dẫn đến phát sinh suy nghĩ tiêu cực.

Qua các hoạt động đối thoại, trao đổi, chuyện trò với học sinh, tổ chức các diễn đàn để các em được trực tiếp nói lên suy nghĩ thật của mình. Qua đó, nhà trường, cha mẹ và học sinh sẽ lắng nghe được các ý kiến đóng góp một cách thẳng thắn, các giải pháp đề xuất một cách hợp lý, thấu cảm trên tinh thần xây dựng, không chỉ trích, tránh các đòi hỏi vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường, phụ huynh và học sinh. Những chia sẻ giữa nhà trường phụ huynh và học sinh giúp các bên hiểu nhau hơn từ đó sẽ có sự cảm thông, chia sẻ và cùng hỗ trợ và hợp tác.

Để biến “giấc mơ” trường học thành trường học hạnh phúc đòi hỏi các lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo, học sinh... phải nỗ lực toàn diện, sáng tạo, tìm tòi những hướng đi phù hợp, hiệu quả. Mô hình “Đối thoại học đường” là một việc làm thiết thực hưởng ứng phong trào chung đó. Đây là một trong những hoạt động thiết thực để lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh có cơ hội gần gũi, gắn bó với nhau. Đây cũng là một trong những yêu cầu mới, góp phần hình thành trường học thân thiện, học sinh tích cực, trường học hạnh phúc. Mong rằng, mô hình mang tính dân chủ và tính giáo dục sâu rộng này sẽ được nhân rộng ở nhiều trường học trong cả nước.

Châu Anh Hưng
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

2 năm trước

Thực hiện Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai...
Cả nước có 9 địa phương đang tổ chức dạy học trực tiếp

Cả nước có 9 địa phương đang tổ chức dạy học trực tiếp

2 năm trước

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 29/11, cả nước có 9 địa phương đang tổ chức dạy học trực tiếp, 34 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến...
Hơn 1,4 tỉ đồng hỗ trợ trẻ em khó khăn ở Nghệ An bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Hơn 1,4 tỉ đồng hỗ trợ trẻ em khó khăn ở Nghệ An bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

2 năm trước

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, tính từ đợt dịch thứ 4 này, toàn tỉnh có hàng trăm trẻ em bị nhiễm Covid-19, 6.556 trẻ em phải cách ly y tế vì lí do F1; 15 trẻ...