THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 07:13

Cần phải tránh căng thẳng!

24/09/2017 | 14:12
 
 Hình ảnh bác sĩ gác chân khi trao đổi chuyên môn với người nhà bệnh nhân bị chỉ trích. Ảnh: KT
                                       
Thấy gì qua hai chuyện không hay ở Hà Nội?
 
Hai chuyện không hay này xảy ra ở ngành Giáo dục và ngành Y. Một cô giáo suốt cả đời làm việc chưa mắc khuyết điểm gì, chỉ còn hai tháng nữa là về hưu, bỗng gây ra một vụ bạo hành rất tai tiếng. Cô đã dùng thước quật vào chân (đến mức thước bị gãy) 11 học trò lớp 2 đến thâm tím. Và chắc cô cũng ra oai thế nào đó để các em không dám nói chuyện bị đánh với bất kỳ ai. Chuyện chỉ bị vỡ lở khi bố mẹ các cháu tắm cho con mình.
 
Điều đáng nói là cô giáo công nhận hành vi của mình, xin lỗi mọi người và giải thích… không hiểu vì sao lại đánh học sinh (học sinh mắc lỗi không nặng, chỉ chậm vào chỗ ngồi sau giờ ra chơi).
 
Chuyện thứ hai là một nữ tiến sĩ - bác sĩ ở Bệnh viện Mắt trung ương bị tạm đình chỉ công tác chuyên môn, bị đề nghị thi hành kỷ luật vì tư thế gác chân lên ghế đối thoại với người nhà bệnh nhân. Hình ảnh này được báo chí, dân cư mạng chia sẻ rộng rãi; nữ bác sĩ - tiến sĩ này bị “ném đá” tơi bời. Chị cho biết, chị cảm thấy tổn thương vì 30 năm trong nghề, chưa sai sót gì về chuyên môn cũng như thái độ. Còn lần này, chị cũng không hiểu sao lại chọn tư thế gác chân đó. Chị công nhận sai nhưng cũng không hiểu sao mình lại làm như thế.
 
Chúng ta đang sống trong tình trạng căng thẳng
 
Ở trên chỉ là hai chuyện đã nổi tiếng trên mạng. Còn một đồng nghiệp của tôi kể rất nhiều chuyện về những thầy giáo, cô giáo, nhà báo, luật sư… có những hành vi rất khó giải thích. Anh kết luận là họ bị căng thẳng quá nên không làm chủ được bản thân, phải thông cảm với họ.
 
Thông cảm không phải là dễ nhưng mọi người có thể làm được. Nhưng nếu những hành vi không thể giải thích được tiếp tục xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng thì ai chịu trách nhiệm? Đã có những vụ người thân sát hại nhau và nghi vấn họ bị trầm cảm.
 
Tôi cho rằng, cuộc sống của chúng ta hiện nay rất căng thẳng. Đó là do tắc đường, do ô nhiễm (bụi, mùi, âm thanh, rác…), do các hành vi bạo lực, do nghi ngờ về âm mưu của đồng nghiệp, người thân… Do vậy, việc tìm cách để tránh căng thẳng là điều rất cần thiết.
 
Tránh bằng cách nào? Mỗi người một kiểu nhưng theo hướng tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn; cởi mở hơn với những người xung quanh; cố gắng mỉm cười trong những tình huống khó chịu; đọc nhiều (kể cả trên mạng xã hội) nhưng đừng vội “ném đá”; tìm cách hàn huyên với những người tâm giao, tri kỷ; ăn uống những gì mình thích; chơi thể thao hoặc tập thể dục mỗi ngày, ít nhất là đi bộ…
 
Tất cả những biện pháp này ai cũng có thể làm được, nếu cho rằng chúng cần thiết.                                                   

Nghè Nghệ/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...