THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 12:24

Cần sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững

24/12/2019 | 11:01

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới chính sách đất đai hiện nay như: Chính sách liên quan đến tập trung và tích tụ đất nông nghiệp; những bất cập trong chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; những vấn đề cần sửa đổi để hài hòa giữa Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Lâm nghiệp…

Các đại biểu sôi nổi trình bày ý kiến

Theo ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong quá trình thực thi Luật Đất đai, ngoài những kết quả đạt được nhằm tăng cường quản lý đất đai nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế; Nâng cao điều kiện cuộc sống, đảm bảo an ninh Quốc phòng; thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, làm phát sinh nhiều vấn đề nóng. Tình trạng sử dụng lãng phí, tình trạng tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc thu hồi, cấp, giao, cho thuê đất còn khá phổ biến gây thất thoát lớn.



Đại biểu tham luận về việc sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững.

Ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, vấn đề bồi thường về đất khi thu hồi cần xem xét các điểm: Đền bù “theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định” quy định tại Điều 74 khoản 2 Luật Đất đai (thường là thấp hơn nhiều so với giá thị trường) cho các dự án phát tiển kinh tế- đặc biệt là dự án nhà ở, công trình sản xuất kinh doanh – để chủ đầu tư được giao đất là chưa phù hợp.

Khoản 3 Điều 74 quy định việc bồi thường phải đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai kịp thời và đúng quy định của phát luật đã không được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ở nhiều địa phương đã triển khai thực hiện mang tính áp đặt, không công khai minh bạc nhất là giá đền bù. Một điều đáng lưu ý là việc thu hồi đất đối với các chủ hộ, gia đình có “sổ đỏ”, “sổ hồng” có nhà ở gắn với đất ở. Thực tế các chủ hộ này có đủ các quyền sở hữu: Chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp. Vì thế, nên chăng thay vì áp dụng hình thức thu hồi mà cần phải chuyển sang hình thức trưng mua, góp vốn.

Một vấn đề khác liên quan đến nhà tái định cư khi thu hồi đất đang có sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng năm 2014. Trong khi Luật Xây dựng quy định không lập dự án và làm nhà tái định cư đối với các đô thị Loại II trở lên (mà thực hiện hình thức đền bù theo giá thị trường để dân tự chọn hình thức tái định cư: mua nhà, mua căn hộ, thuê…) thì Luật Đất đai vẫn quy định phải có nhà tái định cư khi thu hồi đất (điều này chỉ đúng với đô thị loại III, IV, miền núi theo phương thức giao đất, giao khu nhà tái định cư theo dự án).

Vì vậy, nhiều địa phương đô thị loại II, I, đặc biệt vẫn làm nhiều nhà tái định cư, không phù hợp, để lãng phí mà người dân thì không muốn vào ở (do không đồng bộ, chất lượng quản lý chưa tốt, cơ sở hạ tầng không đảm bảo…).

Bên cạnh đó, tại các dự án BT, giá công trình là giá giao cho chủ đầu tư lập nên rồi thẩm định, phê duyệt, xét duyệt, không đấu thầu. Trong khi giao đất lại không đấu giá mà lại giao giá chủ yếu dựa trên khung giá do UBND cấp tỉnh ban hành dẫn đến Nhà nước thiệt cả 2 đầu, nhà đầu tư lợi cả hai đầu. Đồng thời, cơ chế xin cho đã tạo điều kiện cho tham ô, tham nhũng có cơ hội nảy sinh.

Còn theo TS.Phạm Xuân Phương - Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và  góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

TS Pham Xuân Phương kiến nghị, cần tiến hành rà soát một cách chi tiết giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện 2 luật này; phát hiện những bất cập về các quy định giữa 2 luật này. Đồng thời, cần tổ chức nghiên cứu, tham vấn tại một số địa phương có rừng, đại diện cho các vùng sinh thái của Việt Nam trên cơ sở đã có kết quả rà soát văn bản; Xây dựng Báo cáo kết quả rà soát và khảo sát thực tế về những bất cập giữa 2 luật; Đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp.

Tạo sinh kế ổn định cho người dân nông thôn

TS.Phạm Xuân Phương cho biết,  điều quan trọng nhất trong việc thu hồi đất là phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng  của người dân khi Nhà nước thu hồi đất. Điều 84 Luật Đất Đai cho thấy, trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, UBND cấp tỉnh và huyện phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi (đoạn 2 khoản 3 Điều 84). Nhưng trên thực tế, một số địa phương chưa triển khai nghiêm túc việc lấy ý kiến, tiền tệ hóa hoạt động hỗ trợ, dẫn đến khả năng chuyển đổi nghề thấp, chưa bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế.

Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất không có yêu cầu tính toán hiệu quả kinh tế đối với đất bị thu hồi, không quan tâm tới hiện trạng sử dụng của người đang sử dụng đất; Việc thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải chi phí quá cao, không gắn với yêu cầu tạo bền vững xã hội trong giai đoạn hậu thu hồi đất…

Từ những bất cập trên,  các chuyên gia tham dự diễn đàn đã đề xuất các giải pháp về việc tăng cường mạng lưới an sinh xã hội cho nông dân, cư dân nông thôn, trong đó cần: đảm bảo minh bạch thông tin về quy hoạch, dự án và nhà đầu tư cho nông dân; Cung cấp tư vấn và trợ giúp pháp lý cho nông dân ; Hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm, tạo vốn cho hộ bán đất nông nghiệp; Đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện chuyển nhượng đất giữa các hộ hoặc doanh nghiệp và nông dân dễ dàng đồng thời  cho phép doanh nghiệp sử dụng một phần diện tích nhất định để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Tại Diễn đàn, các đại biểu thống nhất quan điểm chung là đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt, ngoài việc phục vụ mục tiêu kinh tế, còn là phương tiện đảm bảo an sinh xã hội, văn hóa… Mọi quy định, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của nhóm nông dân nhỏ. Các vướng mắc về đất đai là “nút thắt” cuối cùng cần phải giải quyết, sau khi đã có đầy đủ các điều kiện về an sinh xã hội, việc làm nông thôn và xúc tiến thương mại/chế biến nông sản.

Những ý kiến quý báu này sẽ được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổng hợp gửi tới Ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 chỉnh sửa sao cho thực sự phù hợp, tạo đà đất nước phát triển bền vững.

Bảo Ngọc / TC Gia đình & Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...