THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 10:11

Cần xây dựng giải pháp đa ngành, toàn diện để phòng chống tảo hôn

01/11/2016 | 17:16
 
Cô gái này ở xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) kết hôn từ 15 tuổi và sinh con ở tuổi 16. Ảnh Thảo Vân.
 
Khảo sát của Ủy ban Dân tộc vào năm 2015 cho thấy, có tới 40 trong tổng số 53 DTTS có tỉ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, đặc biệt có 6 DTTS có tỉ lệ tảo hôn từ 50 – 60%. Các dân tộc có tỉ lệ tảo hôn cao nhất thường rơi vào các dân tộc sinh sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. 

Một số tồn tại vùng DTTS liên quan đến tỷ lệ tảo hôn cao và có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây có thể kể đến là: Tỉ lệ nữ vị thành niên và thanh niên dân tộc thiểu số biết chữ là 83,2%, thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ này của nữ Kinh – Hoa là 99,1%; Tỉ lệ trẻ em gái DTTS đi học đúng tuổi bậc tiểu học năm 2014 là 92,1% so với tỉ lệ này của nhóm dân tộc Kinh – Hoa là 98,9%; các số liệu tương ứng ở bậc THCS là 76,64% so với 92,6%; Tỉ lệ bỏ học giữa chừng của học sinh DTTS vẫn còn cao: tỉ lệ học sinh DTTS học lên cấp THPT mới chỉ đạt 41,8%, nghĩa là 58,2% học sinh DTTS dừng lại việc học ở cấp THCS. Đây cũng là độ tuổi phổ biến nhất của tảo hôn vùng DTTS; Kiến thức toàn diện về lây nhiễm HIV của trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi 15-49 trong đồng bào DTTS có xu hướng thấp nhất: 29% so với 47% ở nhóm dân tộc Kinh; Tỉ lệ sinh con tại nhà trung bình của phụ nữ DTTS là 36,3% trong đó có những dân tộc tỉ lệ này lên đến 70-90% như Mông, Hà Nhì, La Hủ, La Ha, Lự, Mảng, Cống, Si La… đây đồng thời cũng là các dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất và cũng là những DTTS có tỉ lệ tảo hôn cao nhất.   
 

Một Hội thảo quốc gia về tình trạng tảo hôn đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn tại Việt Nam. Ảnh Thảo Vân.

Các nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn tại Việt Nam thời gian qua

Nhận diện tảo hôn là một trong những trở ngại cho sự phát triển KT-XH và chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án: “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015-2025 (Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Sau hai năm tích cực triển khai đề án cũng đã thu được những kết quả nhất định thông qua công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, xây dựng Mô hình thí điểm ở các tỉnh có tỉ lệ tảo hôn cao, tổ chức tập huấn theo khu vực cho cán bộ địa phương. 

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt Luật trẻ em 2016 mới đây có quy định “ép buộc trẻ em tảo hôn” là một trong những hành vi bị cấm. Ngoài ra, một số bộ, ngành đã có sự quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền nội dung về tảo hôn. 

Tổng cục Dân số - KHHGĐT (bộ Y tế) đã xây dựng các mô hình can thiệp dựa vào cộng đồng nhằm giảm thiểu tảo hôn. Từ 2011 đến nay, Tổng cục Dân số đã thực hiện các mô hình can thiệp tại một số xã của 22 tỉnh trọng điểm trong cả nước và đạt được những kết quả nhất định. 

Ngoài ra, các địa phương có tỉ lệ tảo hôn và nguy cơ tảo hôn cao đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong những năm gần đây, vấn đề tảo hôn cũng thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam. Đặc biệt, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đều coi tảo hôn là một vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp và cần được quan tâm giải quyết cùng những vấn đề còn tồn đọng khác, nhất là ở vùng DTTS. 

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nỗ lực cho giảm thiểu tình trạng tảo hôn, nhưng do thiếu cơ chế phối hợp và nguồn lực nên hiệu quả chưa cao. Giải quyết tình trạng tảo hôn phải đi liền với giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội khác, không thể nóng vội mà cần có cách tác động phù hợp, hiệu quả đối với các dân tộc và vùng miền khác nhau, trong đó có cả người Kinh. 
 
 
 
Tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái khiến các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định. Ảnh Thảo Vân.

Những khó khăn, thách thức trong can thiệp giảm thiểu tảo hôn

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp: Tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em. Tảo hôn làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định. Tảo hôn cũng khiến các trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em. Tảo hôn làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình và các dạng bạo lực trên cơ sở giới. Nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số. 

Trên thế giới, mỗi năm có 15 triệu trẻ em gái phải kết hôn trước khi đến ngày sinh nhật lần thứ 18 của mình. Ở Việt Nam, mặc dù Luật pháp về các vấn đề Hôn nhân và Gia đình ở Việt Nam đã quy định tuổi kết hôn ở phụ nữ là đủ tròn 18 và nam giới là đủ tròn 20, song 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18. Hơn nữa, vẫn còn tồn tại bất bình đẳng ở nhiều khu vực và các nhóm dân tộc, một số cộng đồng hiện đang tụt hậu so với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ về bình đẳng giới, họ đang phải đối mặt với tình trạng tảo hôn khá phổ biến. 

Nguyên nhân dẫn tới tệ nạn tảo hôn đang lây lan rộng rãi hiện nay có nhiều. Trước hết là do nhận thức và sự buông lỏng quản lý ở tất cả các cấp. Tiếp theo là cách tổ chức đời sống, nhất là đời sống tinh thần còn nhiều bất cập. bên cạnh dó, chúng ta chưa đánh giá hết hậu quả nặng nề của nạn tảo hôn nên lơ là trong việc ngăn chặn.

Ths Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ  Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, đặc biệt trong đồng bào DTTS là một cuộc chiến lâu dài và nhiều thách thức, vì: Vùng DTTS vẫn là vùng có tỉ lệ nghèo cao nhất cả nước (tỉ lệ nghèo chung của 53 DTTS là 23,1%, cao gấp 5 lần so với tỉ lệ nghèo chung cả nước), trình độ dân trí thấp lại chịu ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ bởi các phong tục và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân; 

Thứ hai, cơ hội tham gia việc làm được trả lương rất thấp, do gia tăng các áp lực về sinh kế và lương thực cho gia đình. Nhiều DTTS cho con gái đi lấy chồng là một biện pháp giảm áp lực kinh tế đối với gia đình. 

Thứ ba, nhận thức và ý thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. 

Thứ tư, công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cơ bản và kiến thức pháp luật còn nhiều bất cập nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Rào cản về ngôn ngữ là một yếu tố khiến cho việc tiếp cận truyền thông gặp nhiều khó khăn và không đem lại hiệu quả như mong muốn. 

Thứ năm, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các bộ, ngành, và chính quyền các cấp. Nhận thức của một số cán bộ chính quyền cơ sở còn xem nhẹ, thiếu hiểu biết hoặc vô tình tiếp tay co tảo hôn hoặc tổ chức cho con em mình tảo hôn. 

Thứ sáu, kinh phí được bố trí để triển khai thực hiện Đề án 498 rất hạn hẹp, nên khó đạt được mục tiêu giảm bình quân từ 2-3%/năm số cặp tảo hôn. 

Ngoài ra, còn thiếu sự gắn kết giữa các bộ/ngành và tổ chức xã hội để giải quyết vấn đề tảo hôn; thiếu cơ chế rõ ràng với nguồn lực phù hợp cho sự phối hợp liên ngành giữa các bộ/ngành; giảm thiểu tảo hôn chưa được lồng ghép vào các chương trình chiến lược quan trọng của các bộ/ngành. 

Chìa khoá để phá vỡ chu trình tảo hôn 

Đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng, chìa khoá để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền năng và đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác. Tăng cường truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới và nâng cao vị thế của trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng, cũng như trong việc ra quyết định kết hôn; Trẻ em gái cần được trang bị kiến thức và kỹ năng tốt hơn, được cung cấp thông tin đầy đủ để các em có thể quyết định đúng và phù hợp trong hôn nhân của mình. 

Vấn đề này đã được bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương rất quan tâm, bàchỉ rõ: “Xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam, Chính phủ cần tham vấn với các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự. Trong đó chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, có các can thiệp cho trẻ em gái nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng của các em, khuyến khích tạo điều kiện để các em được đi học trung học chuyên nghiệp, học nghề, bố trí việc làm. Song song với các biện pháp mang tính chất phòng ngừa như: truyền thông, tư vấn, vận động thay đổi nhận thức, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân". 

Để làm được điều đó, đòi hỏi mọi cơ quan chính phủ cần đảm bảo rằng quá trình lập kế hoạch, ngân sách, hoạch định chính sách, và giám sát việc thực hiện phản ánh được nhu cầu của trẻ em gái và trai, và việc đầu tư vào tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh và mọi lĩnh vực. Đồng thời, tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em để phòng ngừa và đáp ứng các hình thức bạo lực, xâm hại và bóc lột đối với trẻ em gái và trai. Khuyến khích việc tạo ra các không gian và các hoạt động giải trí, tập huấn kỹ năng và giá trị sống cho thanh thiếu niên. Những khóa tập huấn này sẽ giúp các em nâng cao năng lực và khả năng đưa ra các quyết định tốt, phù hợp hơn trong việc lựa chọn kết hôn; 

Theo quan điểm của Ths Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ  Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc, cần có nghiên cứu chuyên sâu về tảo hôn làm cơ sở dữ liệu bằng chứng phục vụ xây dựng cách tiếp cận tổng thể và toàn diện để giải quyết vấn đề tảo hôn. Ở cấp độ chính sách, đề án/chính sách về giảm thiểu kết hôn trẻ em cần được xây dựng đi kèm với các chính sách và biện pháp tổng thể (chiến lược truyền thông theo hướng tích cực, kích thích động lực cho thanh niên, thêm điểm trường gần bản làng để khuyến khích học sinh đi học, mở rộng các cơ hội việc làm, phát triển sinh kế, tạo các không gian giải trí lành mạnh). Nên truyền thông nhấn mạnh vào các khía cạnh tích cực của việc kết hôn đủ tuổi và cơ hội tốt hơn cho trẻ em. Bà Nguyễn Thị Tư đề xuất: về lâu dài cần có cơ quan chịu trách nhiệm chung về vấn đề tảo hôn trong cả nước.
 
Trưởng Đại Diện của tổ chức Tầm nhìn thế giới – bà Trần Thu Huyền thì nhấn mạnh vai trò của trẻ em trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Bà Huyền nói: “Điều quan trọng là cần lắng nghe quan điểm của trẻ em về những nguyên nhân sâu xa của tình trạng kết hôn trẻ em và cần thu hút cũng như tăng quyền năng cho trẻ em để các em có thể cùng tham gia tìm giải pháp nhằm phòng ngừa và chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số”. 

Tóm lại, để giải quyết tình trạng tảo hôn, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn ở tất cả các cấp. Điều này đòi hỏi tất cả các Bộ, ban ngành ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc cùng hành động để chấm dứt tình trạng tảo hôn. Tất cả mọi người cần phải chung tay để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, giúp mang lại ước mơ, hoài bão cho trẻ em./.
 
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng tảo hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015-2025. 

Bài và ảnh: Thảo Vân/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...