THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:24

Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục

16/05/2022 | 16:21
Những hành vi xâm hại trẻ em trong môi trường học đường thời gian qua đang trở thành nỗi bất an của phụ huynh, đồng thời tạo ra tâm lý nghi ngờ, mất niềm tin vào đạo đức nhà giáo.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần quyết liệt, chung tay hành động để chặn đứng các vụ bạo lực học đường 
nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần quyết liệt, chung tay hành động để chặn đứng các vụ bạo lực học đường nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh.

Chưa kịp vui mừng vì trẻ em cả nước được đến trường học trực tiếp, không ít bậc phụ huynh lại canh cánh nỗi lo về những bất cập tồn tại trong các cơ sở giáo dục như sự kỳ thị, bạo lực học đường, bị xâm hại hoặc sa ngã vào các hoạt động băng nhóm phạm pháp... Ðặc biệt, tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục trong môi trường học đường khiến cho những ai có con trong độ tuổi đến trường đều lo lắng, trăn trở.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong hơn 8.000 trẻ em bị xâm hại tình dục từ năm 2015 - 2019 thì có 6,2% vụ xảy ra trong không gian trường học. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra gần 10 vụ việc với hàng chục đối tượng liên quan đến các hành vi này.

Nỗi lòng của phụ huynh

Theo dõi các vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội, chị Nguyễn Thúy Nga (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi lần xem tin tức thấy có vụ việc học sinh bị xâm hại trong các cơ sở giáo dục là chị lại thấp thỏm lo âu. Nhà có 2 con gái đang học tiểu học và THPT nên chị dành khá nhiều thời gian để chia sẻ với con về các hành vi tính dục cũng như kỹ năng để con tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm hại.

Theo chị, giáo dục giới tính cho trẻ là kiến thức cần được phổ biến trong xã hội hiện đại. Muốn ngăn chặn các hành vi xâm hại thì trẻ phải hiểu như thế nào là xâm hại, bởi không ai có thể bảo vệ các con 24/24 giờ. “Trường học là nơi an toàn nhất cho trẻ mà còn xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em thế này thì những chỗ khác không biết còn tệ hại đến đâu?”, chị Nga bức xúc.

Cùng quan điểm với chị Nga, anh Võ Việt Hà (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, thực trạng giáo viên có các hành vi xâm hại tình dục trẻ em cho thấy, trường học từ nơi an toàn đối với trẻ có thể trở thành nơi tạo điều kiện cho hành vi xâm hại. Giáo viên vừa có thể là người bảo vệ trẻ, nhưng cũng là đối tượng có thể thực hiện các hành vi xâm hại dễ dàng và khó phát hiện, vì họ là người có quyền lực và có thẩm quyền quản lý, đánh giá học sinh. Ðiều đó làm suy giảm khả năng kháng cự ở trẻ em khi bị xâm hại.

Ðó cũng là lý do hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong trường suốt một thời gian dài mà không hề bị phát hiện. Chỉ đến khi tâm lý của trẻ có nhiều bất thường và gia đình gặng hỏi, thì sự việc mới được phơi bày. “Do đó, ngoài kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại, chúng ta cần tạo cho trẻ một niềm tin vững chắc để trẻ có thể tin tưởng và chia sẻ về những nỗi sợ khác, bởi trẻ bị xâm hại cũng đồng nghĩa với việc chúng bị đe dọa”, anh Hà nhận định.

Thường xuyên theo dõi các vấn đề giáo dục, ông Vũ Minh Tiến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đánh giá, tình trạng xâm hại trẻ em đã len lỏi vào môi trường giáo dục từ nhiều năm nay, chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Báo, đài, các phương tiện truyền thông cũng đã vào cuộc, nhưng xem ra hiệu quả ngăn chặn chưa cao.

Ðiều này cho thấy, công tác giáo dục, phổ biến kiến thức phòng chống xâm hại trẻ em tại những ngôi trường đó nói riêng và cả hệ thống giáo dục nói chung chưa thực sự hiệu quả. Vậy nên, cha mẹ cũng cần quan tâm đến con nhiều hơn để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không thể phó mặc hoàn toàn cho giáo viên trong việc bảo vệ con em mình.

Những hành vi xâm hại trẻ em trong môi trường học đường nếu không được xử lý nghiêm minh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em đến trường, đồng thời tạo ra tâm lý nghi ngờ, mất niềm tin vào đạo đức nhà giáo. Ngoài ra, nếu các hành vi xâm hại tình dục trẻ em không bị trừng trị nghiêm minh thì những em chứng kiến, theo dõi sự việc cũng có thể hùa theo, bắt chước và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi tương tự trong tương lai.

Nỗi ám ảnh bạo lực học đường. Ảnh minh họa

Nỗi ám ảnh bạo lực học đường. Ảnh minh họa

Gia tăng tội phạm hiếp dâm là trẻ vị thành niên

Cùng với việc trẻ hoá các loại tội phạm khác, nhiều đối tượng thực hiện các vụ hiếp dâm gây rúng động xã hội bị bắt giữ trong vài năm trở lại đây vẫn đang ở độ tuổi vị thành niên. Ðiển hình trong số này là vụ 5 học sinh lớp 9 tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã thay nhau khống chế để hiếp dâm một cô giáo cắm bản vào tháng 1/ 2016. Hay vụ 10 nam sinh lớp 10 chuốc rượu bạn gái cùng lớp nhân dịp sinh nhật rồi hiếp dâm tập thể tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào tháng 3/2019. Gần đây nhất, ngày 24/2 tại Sơn La và ngày 28/4 tại Thanh Hoá, đã  xảy ra 2 vụ hiếp dâm tập thể với hơn 10 đối tượng trong độ tuổi đi học bị bắt giữ, khởi tố. Cả 2 nữ sinh gặp nạn đều đang học lớp 9…

Ðánh giá về tình trạng các đối tượng học sinh gây ra các vụ xâm hại tình dục, nhiều người cho rằng, đó là điều tất yếu khi các vụ việc liên quan đến vấn nạn kỳ thị, bạo lực học đường, đua xe trái phép và các hình thức phạm tội khác không được ngăn chặn và xử lý dứt điểm. Cái xấu khi không được ngăn chặn, nó sẽ sinh ra cái xấu khác.

Hiện nay, vẫn chưa có đánh giá, thống kê đầy đủ về các sự việc, hành vi xâm hại tình dục xảy ra trong các cơ sở giáo dục, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý của các nạn nhân. Và trong khi chờ đợi các giải pháp quyết liệt từ phía Bộ Giáo dục & Ðào tạo cũng như các cơ quan chức năng về vấn đề này thì mỗi gia đình hãy tự nâng cao các biện pháp phòng tránh xâm hại tình dục cho con em mình.

Xuân Quang
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Hà Nội thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10

Hà Nội thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10

1 năm trước

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập 11 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tiểu học, 12 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp trung học cơ sở và 15 hội đồng lựa chọn...
Học sinh phải thi đủ 3 bài thi để được xét tuyển vào lớp 10 trường ngoài công lập

Học sinh phải thi đủ 3 bài thi để được xét tuyển vào lớp 10 trường ngoài công lập

1 năm trước

Để bảo đảm quyền lợi học tập, dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023 theo đúng nguyện vọng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý học sinh ghi nhớ kỹ các quy định...
Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2022 cho học sinh lớp 12

Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2022 cho học sinh lớp 12

1 năm trước

Học sinh lớp 12 được tư vấn lựa chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với năng lực sở thích của mình, đặc biệt lựa chọn ngành nghề tốt sau khi tốt nghiệp.