THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 10:21

Cầu nối tâm tư giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường

13/12/2021 | 05:48
Tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông là hoạt động nhằm hỗ trợ và kịp thời can thiệp khi học sinh gặp những khó khăn về tâm lý, hướng dẫn các em tìm ra cách giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, qua đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp cho học sinh có đủ khả năng để tự giải quyết các vấn đề của bản thân.

Học sinh rất cần được tư vấn tâm lý kịp thời

Các vấn đề trong tâm lý học đường ngày nay đang gia tăng mạnh mẽ. Không chỉ phải đối mặt với những áp lực trong học tập và thi cử, học sinh còn chịu nhiều cám dỗ từ mạng xã hội, các mối quan hệ, bạn bè. Cá biệt, có những em vấp phải vấn đề nghiêm trọng hơn như: lệch lạc về giới tính, bạo hành gia đình, tệ nạn xã hội,… Đối diện với những vấn đề phức tạp đó, rất nhiều em sẽ không biết nhìn nhận, giải quyết vấn đề như thế nào cho hợp lý. Nguy hiểm hơn, thời gian qua trên truyền thông đã rộ lên các vấn đề như tự sát, bạo lực học đường, lấy trộm đồ, trấn lột,... Trong đó các đối tượng gây án đa phần đều ở độ tuổi học sinh chưa thể chịu trách nhiệm truy cứu hình sự.

Tư vấn tâm lý học đường giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc khó nói. Ảnh: K Tiến.

Tư vấn tâm lý học đường giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc khó nói. Ảnh: K Tiến.

Các chuyên gia cho biết, những đối tượng từ khoảng 12 đến 18 tuổi là lứa tuổi nhạy cảm và có nhiều nguy cơ phạm phải sai lầm nhất. Cũng bởi lúc này các em vẫn còn suy nghĩ chưa chín chắn, nhận thức vẫn chưa thực sự đúng chuẩn mực. Trong khi cái tôi của mỗi cá nhân lại quá lớn, dễ dàng hình thành các hành vi sai lầm nếu không được định hình từ sớm.

Tuy nhiên, các em thường gặp phải khó khăn trong việc chia sẻ và giải quyết các vấn đề xảy ra với bản thân, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ra các hệ lụy nguy hiểm. Nếu không được tư vấn tâm lý học đường đúng cách và kịp thời, học sinh có thể dần trở nên khép kín, tách biệt với xã hội nếu gặp phải các vấn đề sang chấn. Bên cạnh đó, tự sát được đánh giá là hệ lụy nghiêm trọng nhất, bởi khi không được chia sẻ, thấu hiểu sẽ khiến các em dần trở nên bế tắc và tuyệt vọng, lâu dần nảy sinh ý định tự sát để tự giải thoát cho chính mình.

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết: 90% trẻ vị thành niên tự tử vì cảm thấy không được gia đình thấu hiểu.

Theo chuyên gia tư vấn thuộc Trung tâm Tư vấn học đường tại TP.HCM - Chuyên viên Nguyễn Hồng Sơn: "Đối với trẻ vị thành niên, có thể bị mất thăng bằng bởi chính những điều tưởng như vặt vãnh ấy nếu không được những người xung quanh quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ kịp thời".

Hoạt động tư vấn tâm lý được một số trường học chú trọng tổ chức.Ảnh: K Tiến

Hoạt động tư vấn tâm lý được một số trường học chú trọng tổ chức.Ảnh: K Tiến

Sự trợ giúp kịp thời và đúng đắn từ phía người lớn là một nhu cầu bức thiết đối với trẻ, đặc biệt là khi các em đã rơi vào sự khủng hoảng tâm lý. Học sinh cần được giãi bày, cần được tâm sự, cần được những lời khuyên đúng đắn từ người lớn, mà gần gũi với các em nhất chính là cha mẹ, thầy cô. Và khi không thể có được điều đó từ gia đình, nhiều em đã xem thầy cô như một chỗ dựa tinh thần. Cho các em những lời khuyên, định hướng đúng đắn cho các em con đường phải đi, giúp các em tìm lại niềm tin, niềm vui trong cuộc sống,… Đó là những điều mà người thầy cần phải thực hiện được để đáp ứng nhu cầu được tư vấn tâm lý, một nhu cầu có thực và vô cùng bức thiết của học sinh trong nhà trường phổ thông

Việc được trợ giúp tư vấn tâm lý còn mang ý nghĩa hỗ trợ các em rèn luyện kỹ năng sống, thái độ ứng xử phù hợp, khả năng nhận định, giải quyết các vấn đề, rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần định hình, hoàn thiện nhân cách.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh

Cô giáo Đào Thị Hoa, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa), chia sẻ: do trong nhà trường không có giáo viên tâm lý học đường, nên tôi thường tranh thủ lồng ghép nội dung giáo dục giới tính, bạo lực học đường... vào các tiết dạy của mình. Đồng thời, tìm hiểu tình hình học sinh thông qua phiếu thông tin cá nhân để nắm được hoàn cảnh, các mối quan hệ gia đình, xã hội, những ước muốn, sở trường, khó khăn (nếu có) của học sinh... Do học sinh đông nên tôi thường xuyên phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp để nắm được trọng tâm, trọng điểm các vấn đề, từ đó kịp thời tư vấn, can thiệp tâm lý riêng cho học sinh khi cần, hoặc xây dựng nội dung các em quan tâm thành buổi sinh hoạt tập thể, hoặc tổ chức các chương trình sân khấu hóa”.

Bên cạnh các trường học có phòng Tư vấn tâm lý, có Hội đồng tư vấn tâm lý hoạt động tương đối hiệu quả, thì cũng còn không ít những trường học không có hoặc có phòng Tư vấn tâm lý nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do người tư vấn kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản... Cũng do kiêm nhiệm nên ở nhiều trường, giáo viên chỉ làm một số buổi tư vấn chung chung, không hiệu quả. Vì vậy, khi học sinh có nhu cầu, hoặc gặp phải sự cố cần tư vấn thì không thể kịp thời giải quyết.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Hồng, Trường THCS thị trấn Bến Sung (H. Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá), cho biết: Nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho học sinh chủ yếu là do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm. Trong quá trình thực hiện tư vấn tâm lý, các giáo viên cũng gặp không ít khó khăn như: chưa đủ kinh nghiệm, vốn sống do còn quá trẻ, hoặc thầy cô lớn tuổi lại khó nắm bắt được tâm lý, không có tiếng nói chung với học trò... Do đó, để có thể “làm bạn” với học trò, tạo cho các em cảm giác an toàn, an tâm chia sẻ thì thầy cô cần chủ động gần gũi chuyện trò, giúp đỡ thật khéo léo, tế nhị. Đồng thời, để có đủ kiến thức, kỹ năng để tư vấn cho học trò, giáo viên cũng cần không ngừng học hỏi, tham vấn đồng nghiệp về những kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn tâm lý. Khi có thể thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, người giáo viên đã đóng góp một phần công sức không nhỏ vào sự nghiệp “trồng người”.

Tư vấn tâm lý học sinh không thể là nhiệm vụ riêng lẻ của một cá nhân, bộ phận nào mà là sự vào cuộc, chung tay góp sức của cả tập thể nhà trường. Đồng thời, phụ huynh cũng cần dành thời gian quan tâm đến tâm lý của các con, không nên phó mặc cho giáo viên, cho nhà trường, mà cần tăng cường phối hợp, thông tin hai chiều để công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh đạt hiệu quả cao.

Ngọc Bảo
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý trong mùa dịch

Bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý trong mùa dịch

2 năm trước

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trẻ không thể đến trường, cuộc sống và sinh...
Hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19

Hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19

2 năm trước

Ngày 21/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức khai mạc chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối...