CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 05:20

Cha mẹ không được phép tước đi quyền sống của con

16/11/2021 | 19:46
Luật Trẻ em 2016 quy định rất nhiều quyền của trẻ em, trong đó có quyền sống. Vì vậy, dù vì bất cứ lý do gì, việc cha mẹ kéo con trẻ chết theo mình không chỉ là việc làm nhẫn tâm, ích kỷ, vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em.
Cháu bé bị bố tẩm xăng tự tử ép chết cùng ở Tuyên Quang mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Ảnh: BVĐK TQ

Cháu bé bị bố tẩm xăng tự tử ép chết cùng ở Tuyên Quang mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Ảnh: BVĐK TQ

Hàng loạt vụ bố mẹ tự tử ép con chết cùng

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ việc cha mẹ tìm đến cái chết để giải thoát nhưng lại bắt các con phải chết cùng khiến dư luận bàng hoàng, xót thương những đứa trẻ vô tội.

Mới đây nhất, tại Ninh Thuận đã xảy ra vụ việc thương tâm, một phụ nữ đã để lại thư tuyệt mệnh rồi treo cổ 2 con (một cháu 6 tuổi, một cháu 4 tuổi) cùng chết. Theo đó, khoảng 6 giờ 30 phút ngày 29/9/2021, ông T. ngụ tại đường Trần Đại Nghĩa, phường Mỹ Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) từ đìa tôm đi về nhà. Khi mở cửa ra phía sau thì ông T. phát hiện thi thể của vợ và 2 người con đang treo tại nhà kho. Ông T. cắt dây đưa 3 mẹ con xuống đất nhưng cả 3 đã tử vong.

Trước đó, vụ việc đau lòng khác xảy ra tại Tuyên Quang cũng làm rúng động dư luận. Đó là vụ một ông bố ở huyện Hàm Yên do giận vợ đã tưới xăng tự tử và ép các con chết cùng. Theo đó, rạng sáng 27/9/2021, tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, người chồng đánh vợ thập tử nhất sinh và trong lúc người nhà đang chăm sóc cho người vợ ở bệnh viện thì anh ta đã mua xăng về rồi tự tẩm vào người mình và 3 cô con gái (một cháu 9 tuổi, một cháu 7 tuổi, một cháu 5 tuổi), sau đó châm lửa đốt. Hậu quả cả 4 bố con tử vong.

Đây chỉ là những vụ việc mới nhất trong số rất nhiều vụ cha/mẹ tử tự đã bắt con chết cùng xảy ra thời gian qua. Có trẻ bị ép uống thuốc độc, thuốc diệt cỏ; có trẻ uống sữa bố/mẹ đã pha thuốc ngủ; có trẻ bị tưới xăng đốt; có trẻ bị ép treo cổ cùng; có trẻ bị bắt ép nhảy cầu, nhảy sông… Vụ việc nào cũng để lại những hậu quả rất thương tâm.

Đừng vì bế tắc mà tước đi quyền được sống của con!

Những vụ bố mẹ bắt con cái chết cùng đều khiến dư luận thương xót cho những đứa trẻ vô tội và trách cứ hành động dại dột, vi phạm pháp luật của người lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng như trên, nhưng bất luận thế nào, việc cha mẹ muốn chết lại kéo theo con trẻ chết cùng là việc làm vô cùng nhẫn tâm, không thể chấp nhận.

Trong những lá thư tuyệt mệnh, các ông bố, bà mẹ đều đưa ra hàng trăm, hàng nghìn lý do để biện minh cho hành động của mình. Nào là lo không có ai chăm sóc con, không nỡ để con bơ vơ, không muốn con khổ, không muốn con mặc cảm… Thậm chí, có người còn suy nghĩ lệch lạc, ích kỷ rằng, mình chết kéo theo con chết là cách để trả thù, khiến người ở lại sống trong ân hận, dằn vặt suốt cuộc đời. Những đứa trẻ không có khả năng tự vệ, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ nhưng lại bị chính cha mẹ mình tước đoạt sự sống một cách đầy oan ức, đau đớn. Cũng có trường hợp, bố mẹ bắt con tự tử cùng, đứa trẻ dù được cứu thoát nhưng nỗi đau, ám ảnh khi chứng kiến bố, mẹ tự sát khiến chúng khó có thể sống cuộc sống như những đứa trẻ bình thường.

Ở góc độ pháp luật, hành động của những ông bố, bà mẹ đó là vi phạm pháp luật vì tước đi mạng sống của người khác, đau lòng hơn lại là đứa con họ dứt ruột đẻ ra. Theo quy định hiện hành, hành vi ép con tự tử cùng là tước đoạt mạng sống của người khác, đáng bị lên án và xử lý nghiêm. Cha/mẹ tự tử kéo theo con nhưng nếu bản thân may mắn sống sót, còn con tử vong thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát; Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Tội bức tử; Tội giết người… với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, đáng sợ hơn có lẽ là bản án lương tâm, là sự ăn năn hối lỗi đeo đẳng họ suốt cả đời.

Vậy làm thế nào để hạn chế tối đa các vụ cha mẹ tự tử ép con chết cùng? Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, để ngăn chặn tình trạng cha, mẹ tự tử lôi theo cả các con thì vai trò của gia đình, họ hàng, người thân, thậm chí là hàng xóm, hết sức quan trọng. Trở lại câu chuyện người mẹ cùng treo cổ 2 con nhỏ tự tử ở tỉnh Ninh Thuận, người mẹ này có dấu hiệu của trầm cảm. Gia đình cần lường trước được sự việc đó. Không nên để con trẻ ở riêng cùng người mẹ mà thiếu sự để mắt, quan tâm của người thân. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần thường xuyên trò chuyện, động viên, để người mẹ hiểu hơn về giá trị cuộc sống.

"Nếu trẻ khoảng 5-6 tuổi trở lên thì người thân trong gia đình có thể gặp riêng các con, trao đổi các kỹ năng. Khi thấy người bố, người mẹ có những biểu hiện bất bình thường thì phải biết cách kêu cứu, chạy trốn, tìm người giúp đỡ. Đối với trẻ nhỏ tuổi hơn, gia đình phải thường xuyên để ý, không nên để các con gần bố, mẹ nhiều khi có những biểu hiện không bình thường", bà Hồng cho hay.

Hầu hết các bậc cha mẹ ép con chết cùng đều gặp phải vấn đề tâm lý như thấy cô đơn, cô độc, không có đường thoát khỏi những khó khăn bế tắc của cuộc sống; hoặc đã mắc phải căn bệnh trầm cảm, hoang tưởng, loạn thần… Vì vậy, theo các chuyên gia tâm lý, cần đào tạo và mở rộng các cơ sở phục hồi tâm lý cho những người bị trầm cảm, khủng hoảng, giảm thiểu tối đa vấn nạn tự tử.

Điều 6 Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em quy định: Mọi trẻ em đều có quyền cố hữu được sống và nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em, trong nghiêm cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em.

Điều 12 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về Quyền sống: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

 

Nam Khánh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Trẻ tự kỷ vẫn có thể trở thành nhân tài

Trẻ tự kỷ vẫn có thể trở thành nhân tài

2 năm trước

Từ cậu bé tự kỷ dạng tăng động, chỉ ú ớ nói được mấy câu khi 4 tuổi và rất khó khăn mới vào được tiểu học, nhưng với đam mê toán học, Đinh Vũ Tùng Lâm đã đoạt Huy chương Bạc...
Tuyên Quang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi

Tuyên Quang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi

2 năm trước

UBND tỉnh Tuyên Quang có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 từ tháng 11 đến hết tháng 12/2021 cho khoảng 72.000 trẻ từ 12-17 tuổi.
Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Đắk Lắk

Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Đắk Lắk

2 năm trước

300 suất học bổng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã được trao đến trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại Đắk Lắk.