CHỦ NHẬT, NGÀY 28 THÁNG 04 NĂM 2024 02:02

Cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy con hạnh phúc

20/12/2021 | 12:08
Vụ việc nam học sinh lớp 6, đã nhảy lầu tự tử tối 16/12/2021 có thể do áp lực về việc học tập, làm bài thi không tốt, đang khiến dư luận bàng hoàng. Vụ việc đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo các bậc làm cha mẹ cần phải có cách giáo dục con phù hợp để phòng tránh các thảm kịch tương tự. Phóng viên Vì trẻ em đã phỏng vấn chuyên gia tư vấn Tú Anh Nguyễn về vấn đề này và cách cha mẹ vui vẻ, tích cực trong chặng đường nuôi dạy con hạnh phúc.

Sức khỏe tinh thần và tâm lý của trẻ còn đang bị xem nhẹ

Là một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em, chị nghĩ thế nào về vụ việc một học sinh nhảy lầu tự tử vừa xảy ra tại Hà Nội? Có phải trong cách giáo dục con của cha mẹ Việt Nam còn quá nhiều sai lầm, áp đặt con phải theo ý muốn của cha mẹ mà không xuất phát từ mong muốn của con?

Chuyên gia tư vấn Tú Anh Nguyễn. Ảnh: NVCC

Chuyên gia tư vấn Tú Anh Nguyễn. Ảnh: NVCC

Chuyên gia Tú Anh Nguyễn: Sau vụ việc đau lòng này, từ góc nhìn của một người làm chuyên môn, tôi nhận thấy tình trạng sức khỏe tinh thần và tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động tiêu cực dường như còn đang bị xem nhẹ trong một số gia đình. Cha mẹ nào có lẽ cũng đều mong muốn điều tốt cho tương lai của con – theo suy nghĩ của riêng họ. Vấn đề nằm ở chỗ, không phải lúc nào suy nghĩ của cha mẹ cũng là đúng đắn và phù hợp nhất.

Một số nhận định sai lệch và không phù hợp trong hiện tại mà một vài cha mẹ vẫn nhầm tưởng là điều nên làm và áp đặt lên con là:

- Chỉ có một con đường duy nhất để thành công, và con bằng mọi giá phải đi con đường đó. Nếu “trật đường ray” là sẽ thất bại.

- Nếu muốn sau này thành công và có công việc tốt thì bắt buộc phải học giỏi. Không học giỏi thì không làm được gì ra trò.

- Phải có áp lực và đốc thúc thì con mới biết cố gắng. Thoải mái quá thì con sẽ “làng nhàng” hoặc không cố gắng nghiêm túc.

Khi những áp lực điểm số, học hành, thi cử trở nên quá sức chịu đựng của con, và hoàn toàn không xuất phát từ mong muốn của con, nó sẽ trở thành một loại căng thẳng (stress) mãn tính, gây tác động xấu, ảnh hưởng đến não bộ, dẫn đến các bệnh lý và các vấn đề rối loạn tâm lý – tâm thần như lạm dụng chất kích thích, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ và cả tự tử.

Giúp con học cách để tự vận hành được cuộc sống của chính con

Nếu là chị, khi con làm bài thi không tốt, chị sẽ làm gì để con tự tin phấn đấu hướng tới kết quả học tập tốt hơn?

Chuyên gia Tú Anh Nguyễn: Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân và cũng mong các bậc cha mẹ khác có thể hiểu rằng, trách nhiệm của chúng ta không phải là đi giải quyết tất cả mọi vấn đề thay con, mà hãy giúp con học được cách để con tự vận hành được cuộc sống của chính con.

Điều này không dễ dàng một chút nào. Bản năng của cha mẹ chúng ta thường hay “xót” con và một cách bản năng thì chúng ta cũng muốn được “ấp ủ bảo bọc” con lâu được chút nào thì hay chút đó – đây là điều rất tự nhiên.

Nếu ở trong hoàn cảnh này, để giúp con tự tin phấn đấu tiếp, tôi nghĩ cần giúp con xây dựng lại niềm tin ở chính bản thân con, giúp con lấy lại động lực bằng cách ghi nhận mọi nỗ lực của con dù là nhỏ nhất; đồng hành hỗ trợ con phát triển năng lực quản lý cảm xúc (EQ) và sự bền bỉ kiên cường từ ý chí để có thể đối diện với áp lực (những áp lực hợp lý từ trường lớp chứ không phải áp lực tiêu cực và độc hại). Khi con đã có được những động lực của bản thân, đó là lúc cha mẹ có thể trao cho con niềm tin, trao cho con quyền tự chủ trong khả năng của con với những việc phù hợp.

Chị có thể “bật mí” cách cha mẹ tích cực, vui vẻ để có thể hạn chế tối đa cơn nóng giận đang muốn bốc lên ngùn ngụt mỗi khi con làm sai, trái ý bố mẹ? Có câu chuyện thực tế nào cho thấy việc dạy con và giúp con phát triển tối ưu sẽ là một hành trình đầy niềm vui?

Chuyên gia Tú Anh Nguyễn: Có nhiều mâu thuẫn nảy sinh từ lí do hiểu lầm, giao tiếp không rõ ràng và hiệu quả, hoặc là suy nghĩ quy chụp về đối phương. Có nhiều tình huống cha mẹ nóng giận mất kiểm soát khi con có hành vi chưa đúng, hoặc làm trái ý bố mẹ, bắt nguồn từ những nguyên nhân tương tự như vậy.

Trải qua một khoảng thời gian dài căng thẳng vì những hành vi sai của con mà không có giải pháp để chiều chỉnh, cha mẹ thường dễ mắc vào những cái “bẫy” như áp dụng kỷ luật sai cách và không hiệu quả, quy chụp và nói lời tổn thương con, nghĩ rằng con luôn cố tình “kiếm chuyện” chọc tức mình, hoặc thậm chí cho rằng con có vấn đề tâm lý nên mới có những cư xử sai trái như vậy – đây là một trường hợp thực tế tôi đã hỗ trợ.

Sau khi tôi giúp phụ huynh nhận ra những lỗi sai trong việc dạy con theo cách cũ, cũng như hiểu rõ về giai đoạn phát triển của con, những lí do ẩn sau hành vi của con, phụ huynh được học về những kỹ thuật tương tác và giao tiếp theo cách tích cực với con, cũng như cách quản lý hành vi của con theo hướng kỷ luật tích cực, đặt ra giới hạn và hậu quả rõ ràng, nhất quán, thì sau nhiều tháng đồng hành cùng nhau, vị phụ huynh đó vẫn luôn thường xuyên gửi cho tôi những video và hình ảnh của bé con để “khoe” thành quả.

Chuyên gia Tú Anh Nguyễn trong hội thảo Nuôi dạy con. Ảnh: NVCC

Chuyên gia Tú Anh Nguyễn trong hội thảo Nuôi dạy con. Ảnh: NVCC

Chị đã sáng lập dự án HappyParenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực và vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Dự án này thế nào và đã áp dụng qua thực tiễn ra sao?

Chuyên gia Tú Anh Nguyễn: HappyParenting là dự án đào tạo dành cho cha mẹ do tôi sáng lập và vận hành xuyên suốt từ năm 2020 đến nay, với mục tiêu trở thành một nơi chia sẻ thông tin và kiến thức theo khoa học miễn phí đến với các phụ huynh Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn tư vấn giúp các phụ huynh khi có thời gian rảnh.

Tôi mong bản thân và HappyParenting có thể trở thành người đồng hành đáng tin cậy của các bậc cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con. Khi cha mẹ được hỗ trợ có thêm kiến thức, được nâng cao năng lực làm cha mẹ và tự tin hơn trong vai trò vô cùng quan trọng này, thì tác động tích cực trong mối quan hệ cha mẹ - con sẽ được lan toả và nhân rộng ra toàn thể gia đình và cộng đồng.

Xin cảm ơn chuyên gia Tú Anh Nguyễn.

Hồng Nga (thực hiện)
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Áp dụng kỷ luật tích cực - Thầy cô và cha mẹ cần làm gì?

Áp dụng kỷ luật tích cực - Thầy cô và cha mẹ cần làm gì?

2 năm trước

Kỷ luật tích cực có nhiều biện pháp khác nhau và sẽ áp dụng được với những độ tuổi khác nhau. Cha mẹ, thầy cô giáo hãy vận dụng linh hoạt sao cho phù hợp với đối tượng và môi...