THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 02:08

Chế độ nghỉ thai sản của các ông bố trên thế giới

30/05/2018 | 10:57
 
Thời gian nghỉ thai sản ở Thụy Điển có thể kéo dài đến 480 ngày và được khuyến khích chia đều cho cả bố và mẹ. Ảnh: Sweden.se
 
Thuỵ Điển: Cha mẹ được nghỉ 1,5 năm hưởng 80% lương
 
Tại đất nước Bắc Âu này, thời gian nghỉ thai sản có thể kéo dài đến 480 ngày và được khuyến khích chia đều cho cả bố và mẹ. Sản phụ có thể nghỉ ở nhà 7 tuần trước sinh. Từ khi đứa trẻ sinh ra đến khi được 1,5 tuổi, cha mẹ đều được nghỉ ở nhà chăm con. Trước khi trẻ lên 8 tuổi hoặc học xong tiểu học, cha mẹ có thể được giảm 1/4 thời gian làm việc. Chẳng hạn như mỗi ngày làm việc 8 tiếng, ông bố bà mẹ nào có con nhỏ chỉ phải làm 6 tiếng.
 
Thời gian nghỉ thai sản, cha mẹ được hưởng 80% thu nhập thực tế trước khi nghỉ, số tiền này do Chính phủ chi trả. Nhưng một số nhà tuyển dụng, vì muốn giữ chân nhân tài, vẫn sẵn sàng trả một phần lương cho nhân viên nghỉ thai sản.

Na Uy: Cha mẹ có thể nghỉ 46 - 56 tuần với 100% - 80% lương
 
Khi sinh con, một cặp vợ chồng tại đây có tổng cộng 46 tuần nghỉ với 100% thu nhập hoặc 56 tuần với 80% thu nhập.
 
Đan Mạch: Cha mẹ nghỉ tổng cộng 1 năm hưởng 50 - 90% lương
 
Mỗi cặp vợ chồng ở đây khi sinh con sẽ được nghỉ tổng cộng 1 năm. Trong đó, thời gian nghỉ của các bà mẹ là 18 tuần, các ông bố là 2 tuần, và 32 tuần còn lại sẽ được chia cho cả bố và mẹ.
 
Thời gian nghỉ, những người lao động chân tay được nhận khoảng 90% lương, trong khi những người khác có thể nhận được khoảng 50% thu nhập trước khi sinh.
 
Đức: Người cha có thể nghỉ 1 năm hưởng 65% - 67% thu nhập bình quân
 
Nghỉ thai sản của nước Đức được chia thành nghỉ sinh con của người mẹ và nghỉ nuôi con của cả cha lẫn mẹ, thời gian nghỉ dài nhất đến khi bé tròn 3 tuổi. Trong đó, có 1 năm là nghỉ phép có lương.
 
Người mẹ nghỉ thai sản tổng cộng khoảng 14 tuần: Trước khi sinh 6 tuần và sau khi sinh 8 tuần. 6 tuần trước khi sinh, trừ khi thai phụ đồng ý, nhà tuyển dụng không thể yêu cầu họ làm việc. 8 tuần sau sinh, cho dù sản phụ có muốn làm việc đi chăng nữa cũng vẫn phải nghỉ ở nhà. Trong trường hợp sinh sớm hoặc đa thai, thời gian nghỉ đẻ có thể kéo dài đến 12 tuần.
 
Từ khi đứa trẻ sinh ra đến khi 3 tuổi, cha mẹ bé đều có thể xin nghỉ ở nhà chăm con và hưởng 65% - 67% thu nhập bình quân trước khi nghỉ, trợ cấp trung bình mỗi tháng từ 300 Euro - 1800 Euro (khoảng 6,8 triệu VND - 41 triệu VND). Theo thống kê, năm 2014, Chính phủ Đức đã thanh toán 53,7 tỉ Euro trợ cấp nuôi con, chiếm 73% tổng ngân sách dành cho gia đình.
 
Cuba: Người cha có thể nghỉ 40 tuần hưởng 60% lương
 
Các bà mẹ có thể nghỉ sinh 18 tuần hưởng 100% lương, và cả hai bố mẹ có thể có thêm 40 tuần nghỉ chăm con hưởng 60% lương. Quốc gia này bắt buộc cả đàn ông và phụ nữ phải có trách nhiệm cùng chia sẻ công việc nội trợ và chăm sóc con cái với nhau.
 
Iceland: Người cha được nghỉ 5 - 7 tháng hưởng 80% lương
 
Chế độ nghỉ thai sản đã có ở quốc gia này từ những năm 1970, và năm 2017, một chính sách mới mang tên “5 - 2 - 5” đã được ra đời.
 
Chính sách này cho phép cha mẹ - mỗi người được nghỉ 5 tháng khi có con. Thêm 2 tháng nghỉ nữa do cha mẹ tự thỏa thuận phân chia với nhau. Ngoài ra, các vị phụ huynh cũng có đến 2 năm để sử dụng thời gian nghỉ này và được hưởng 80% thu nhập trong thời gian đó.


Tại Na Uy, một cặp vợ chồng nghỉ tổng cộng 46 tuần nghỉ với 100% thu nhập hoặc 56 tuần với 80% thu nhập. Ảnh: Internet
 
Anh: Người cha được nghỉ 2 tuần 
 
Ở Anh, người mẹ có thể nghỉ thai sản 26 tuần. Người cha có thể nghỉ 2 tuần, tuần đầu hưởng lương cơ bản, tuần thứ hai hưởng trợ cấp của Chính phủ. Tuy nhiên, người cha bắt buộc phải nghỉ phép trong khoảng thời gian kể từ khi đứa trẻ sinh đến 56 ngày, quá hạn sẽ không còn hiệu lực. Nếu người mẹ không nghỉ hết thời gian thai sản đã đi làm lại thì người cha có thể tiếp tục nghỉ.
 
Pháp: Người cha được nghỉ 11 ngày
 
Khi sinh nở, phụ nữ ở đây sẽ được hưởng 16 tuần nghỉ thai sản với 100% lương, còn các ông bố cũng được nghỉ 11 ngày liên tiếp.
 
Ngoài ra, người mẹ còn được nghỉ phép và bảo lưu việc làm cùng thu nhập đến 3 năm để ở nhà chăm sóc con, được nhận trợ cấp chăm sóc trẻ và các trợ cấp khác khá hào phóng, và trong thời gian này, nhà tuyển dụng không được sa thải phụ nữ đang nghỉ thai sản.
 
Singapore: Người cha được nghỉ 1 - 2 tuần 
 
Từ năm 2013, ở Singapore, người chồng có thể nghỉ 1 tuần có lương để giúp đỡ người vợ mới sinh. Trường hợp người vợ sẵn sàng chia sẻ 1 tuần trong 4 tháng nghỉ thai sản của mình cho chồng thì người chồng có thể hưởng thêm 1 tuần nghỉ nữa. Lương trong 2 tuần nghỉ phép này của người chồng sẽ do chính phủ chi trả. Số tiền cao nhất mỗi tuần tương đương khoảng 38 triệu đồng Việt Nam.
 
Hà Lan: Người chồng có thể nghỉ 26 tuần không lương
 
Thời gian nghỉ thai sản tại Hà Lan là 16 tuần với 100% lương. Ngoài ra, các cặp vợ chồng cũng có thể lựa chọn nghỉ thêm 26 tuần không lương để chăm sóc con cho tới khi bé 8 tuổi.
 
Còn Việt Nam thì sao?
 
Theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội, khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Cụ thể như sau:
 
Lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, đẻ dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu sinh đôi và thêm 3 ngày/01con nếu sinh 3 trở lên; 14 ngày nếu sinh 2 trở lên mà phải phẫu thuật.
 
Trong thời gian lao động nam nghỉ hưởng chế độ thai sản sẽ không hưởng lương tại đơn vị mà sẽ hưởng chế độ thai sản do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Phương Anh (tổng hợp)/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...