THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 04:32

Chết tại nhạc hội – Nhiều chuyện lắm!

26/09/2018 | 14:54

Đại nhạc hội Công viên nước Hồ Tây – nơi xảy ra thảm họa do sốc ma túy. Ảnh Internet
 
An toàn là do may mắn? Thảm họa chỉ là điều đáng tiếc?
 
Dạ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” là một sự kiện âm nhạc lớn, thu hút giới trẻ. Danh chính ngôn thuận: Sự kiện này đã được cấp phép, có 5.000 người tham dự vơi vé dao động từ 500.000 – 600.000 đồng/người. Đây là âm nhạc điện tử; việc có 4 người nước ngoài tham gia biểu diễn khiến sức nóng của đại nhạc hội này lan tỏa ghê gớm.
 
Trước một sự kiện lớn như vậy, đương nhiên chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm an ninh. Những ai chịu trách nhiệm về chuyện này? Về nguyên tắc, đó là chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là quận Tây Hồ của thành phố Hà Nội; cụ thể hơn nữa là công an quận Tây Hồ. 
 
Sau thảm học xảy ra, ai cũng cho rằng mình đã làm đúng quy trình, đã hoàn thành nhiệm vụ.Trả lời về trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh trật tự và phòng ngừa sử dụng ma túy tại đêm hội âm nhạc, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói địa phương đã tổ chức thanh tra theo quy định. Trước khi đêm nhạc diễn ra một ngày, hôm 15/9, quận đã kiểm tra hợp đồng thuê địa điểm biểu diễn, các giấy tờ liên quan. Khi đó, công viên Hồ Tây cam kết đảm bảo an ninh trật tự theo quy định. Sau đó, UBND quận đã giao Phòng văn hóa và công an quận kiểm tra, nắm tình hình. Để kiểm soát, ngăn chặn việc mang theo vũ khí, ma túy, công an Thành phố Hà Nội có các tổ 141, cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ trên đường. 
 
Nghe ông Chủ tịch quận Đỗ Anh Tuấn nói thế, đáng ra thì tình hình phải êm thấm, không có điều gì đặc biệt xảy ra. Ấy vậy mà trên thực tế, một thảm họa chấn động đã xảy ra: Nhiều thanh niên chết ngay tại nhạc hội! Quang cảnh “hài chen lẫn với bi”, mà bi là chủ đạo: Người hát, người nhảy, người ngất xỉu trong tiếng nhạc ầm ĩ; kết quả rất tang thương với nhiều người chết và bị thương. Ai cũng cho rằng, mình đã làm đúng chức trách, mình đã hoàn thành nhiệm vụ; có người còn dẫn ra là Công an Hà Nội đã bảo đảm trật tự, an ninh cho nhiều sự kiện quan trọng, tất cả đều tốt đẹp. Sau thảm họa này, tôi đặt câu hỏi nghi vấn: Có lẽ các sự kiện khác kết thúc tốt đẹp là do may mắn?
 
Ở đây cần sự chính xác và trung thực trong việc đánh giá các vấn đề.

Ma túy lôi kéo nhiều thanh niên đi vào con đường tệ nạn và phạm tội. Ảnh minh họa

Thảm họa đã làm lộ ra nhiều chuyện đáng suy ngẫm
 
Tôi chưa muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở “Ai chịu trách nhiệm?”, bởi vì sẽ có rất nhiều lời giải thích vòng vo. Tôi muốn có những câu trả lời cho từng việc cụ thể hơn.
 
Gần như mọi người thống nhất với nhau: Những người gặp nạn sử dụng ma túy quá liều lượng và đi đến tử vong. Vậy ma túy đến nhạc hội bằng cách nào? Các tổ 141, cảnh sát cơ động ở đâu? Trước khi thảm họa xảy ra, trong lực lượng chức năng có ai dự đoán là trong số những người tham gia nhạc hội, chắc chắn có một số người sử dụng ma túy?
 
Với kinh nghiệm của lực lượng phòng chống ma túy, chắc chắn có người đưa ra dự đoán này. Nếu đã dự đoán được sự việc, mà không ngăn chặn được thì rõ ràng đây hoặc là biểu hiện của sự yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, hoặc là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Rõ ràng, chúng ta đã không làm tốt được việc ngăn ngừa nạn buôn bán và sử dụng ma túy.
 
Tôi nghi ngờ hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng chống ma túy. Nếu chúng ta tuyên truyền tốt, đi đúng trọng tâm vấn đề thì vấn đề không đến nỗi bi đát thế này. Với những người bình thường, khi đọc báo, nghe đài, xem tivi – họ sẽ tránh xa ma túy. Bởi theo tuyên truyền, “dây” vào ma túy, coi như tàn đời. Hậu quả của việc nghiện ma túy rất ghê gớm: túng bấn về kinh tế; bị người thân, bạn bè tẩy chay; sống vật vờ vô nghĩa trước khi bị đẩy tới chỗ chết… Hậu quả khủng khiếp như thế, tại sao vẫn còn một bộ phận thanh niên vẫn lao vào ma túy? Có gì còn bí ẩn trong bản thân ma túy và cách phòng chống của chúng ta không? Có cần thay đổi về cách tuyên truyền phòng chống ma túy của chúng ta không?
 
Nhân sự kiện tang thương này, cũng nên đặt vấn đề về hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy. Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện tính ưu việt của chế độ bằng cách cố gắng ngăn ngừa công dân sử dụng ma túy bất hợp pháp; khi họ không may nghiện ma túy thì được Nhà nước quan tâm tới việc cai nghiện. Đây là việc làm đầy tình thương và trách nhiệm nhưng hiệu quả còn rất khiêm tốn. Liên tiếp có những sự kiện học viên cai nghiện ma túy trốn trại là bằng chứng của việc này.

Nên thay đổi nhận thức và cách phòng chống ma túy

Nhiều hoạt động mua bán ma túy vẫn diễn ra bất chấp pháp luật. Ảnh minh họa
 
Sự kiện 7 thanh niên chết và nhiều người bị tổn thương trầm trọng tại nhạc hội Công viên nước Hồ Tây đã được khởi tố. Sau khi vụ việc được làm sáng tỏ, sẽ có những biện pháp trừng phạt những tổ chức, cá nhân vi phạm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 20/9. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã giao Thanh tra Bộ khẩn trương chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và các đơn vị liên quan rà soát lại cơ sở pháp lý, quy trình cấp giấy phép tổ chức chương trình, báo cáo Bộ trưởng.
 
Tôi không nghi ngờ sự việc sẽ được điều tra thấu đáo. Nhưng tôi nghi ngờ việc quy kết trách nhiệm sẽ chính xác và góp phần ngăn ngừa những thảm họa tiếp theo. Tôi khẳng định: Việc phòng chống ma túy ở nước ta chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Vì sao vậy? Vì nhiều người cho rằng, đây là công việc khó khăn, phức tạp, đầy nguy hiểm. Ngoài ra, đã có biểu hiện của lợi ích nhóm ở đây: Có những người biết việc buôn bán trái phép ma túy diễn ra nhưng họ không muốn triệt phá triệt để. Những vụ bị bắt, bị đưa ra ánh sáng rất nhỏ nhoi so với những gì đang diễn ra trong cuộc sống.
 
Có ý kiến cho rằng, việc đấu tranh phòng chống ma túy chỉ làm cầm chừng, không kiên quyết, không triệt để. Điều này biểu hiện ngay tại địa điểm diễn ra nhạc hội: Trong khuôn viên diễn ra sự kiện có người bày bán công khai bóng cười (một thứ có thể gây ảo giác dẫn tới nghiện). Có biểu hiện một số nhóm sử dụng ma túy khi tham gia nhạc hội nhưng không có ai can thiệp.
 
Như vậy, cần phải khẳng định lại: Ma túy hủy hoại từ sự nghiệp tới sức khỏe của con người; phòng chống ma túy cần làm quyết liệt và triệt để hơn.
                                                                                      
                                             Có sai sót ở đâu đó?…

Trước năm 1975, ở miền Bắc hầu như không có nạn thanh niên nghiện ma túy. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của cơ quan chức năng sau ngày giải phóng miền Nam là quét sạch hai loại tệ nạn là mại dâm và ma túy.

Nhưng rõ ràng kết quả ngược lại với mong muốn của chúng ta. Trên thực tế, chúng ta không quét sạch được hai tệ nạn mại dâm, ma túy ở miền Nam, mà còn để lan ra cả miền Bắc. Kết quả là hai loại tệ nạn này phổ biến ở khắp mọi nơi.

Tôi cho rằng, đã có sai sót ở một khâu nào đó trong cách triển khai công tác phòng chống mại dâm, ma túy. Còn sai cụ thể ở đâu, tôi rất muốn được nghe những người trong cuộc nói rõ. Rất nhiều bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc phòng đã có những cơ quan chuyên trách về vấn đề này. Ví dụ, Bộ Công an có Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trực thuộc Bộ Công an; Cục Phòng, chống tội phạm ma túy trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Bộ Quốc phòng; Bộ LĐTBXH có Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. 

Như vậy, chúng ta rất quan tâm tới việc phòng, chống ma túy nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Vấn đề đặt ra là sự phối hợp giữa các bộ, ngành đã tốt chưa? Tôi cho rằng, cần phải làm tốt hơn việc phối hợp giữa bộ đội, công an, nhà báo và các chuyên gia trong việc phòng chống mà túy. Cũng cần xem lại tại sao ở miền Bắc trước năm 1975 hầu như không có tệ nạn xã hội, nay thì tràn lan? Kinh nghiệm từ xa xưa có thể giúp chúng ta đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn hiện tại.

                                                                         Đàm Trọng

 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...