THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 08:54

Chó cắn trẻ em - Sử dụng luật để xử lý

22/04/2019 | 08:30
 
Số lượng người bị chó cắn nhiều đến mức... khó tin!
 
Cách đây gần chục năm, cơ quan chức năng cho biết, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng trên nửa triệu người bị chó cắn, trong đó có nhiều người bị tử vong. Nhiều người không dám tin vào con số người bị chó cắn lớn như vậy. Nhưng trên thực tế, số người bị chó cắn còn lớn hơn, vì hầu như ở khắp nơi đều nuôi chó. Người ta có vẻ như chấp nhận việc này vì nuôi chó để giữ nhà, để “làm bạn”, làm vật trang trí đã trở thành một thói quen với người Việt Nam.
 
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc chó cắn chết người liên tiếp xảy ra, nạn nhân chủ yếu là trẻ em nên dư luận rất lo ngại chuyện này. Dư luận rất phẫn nộ khi một đàn chó dữ gần chục con cắn chết một bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên. Người ta đòi phải xử lý đúng pháp luật người chủ của đàn chó. Sự việc còn đang được cơ quan chức năng điều tra, nghiên cứu, giải quyết thì ngày 10/4/2019 rộ lên việc 6 học sinh tiểu học ở xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi bị chó vào tận trường cắn. 
 
Bà Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Tịnh Hòa đã xác nhận vụ việc này và cho biết cụ thể: Vào khoảng 6h45 ngày 10/4/2019, một con chó nặng khoảng 10kg xông thẳng vào sân trường cắn 6 em học sinh (4 học sinh lớp 1, 1 học sinh lớp 3 và 1 học sinh lớp 5). Con chó cắn 6 em học sinh này là chó nuôi của hộ bà Hồ Thị Xuân, nhà ở gần trường. Chó của bà Xuân thả rông nhưng không đeo rọ mõm. Bà Xuân cam kết chịu tiền để lo tiêm ngừa vaccine cho 6 nạn nhân. Tuy nhiên, do hoàn cảnh bà Xuân khó khăn nên trường đã tạm ứng một phần kinh phí để hỗ trợ.

Tại BV Nhi đồng 1, năm 2016 có 103 ca ngoại và nội trú. Năm 2017 lên đến 146 ca và 2018 có 147 ca. Tại BV Nhi đồng 2,  số trẻ bị chó cắn đến BV cao hơn. Năm 2016 là 203 ca, năm 2017 là 257 ca và năm 2018 là 340 ca. 
                                                      
 Hai trong số 10 con chó tấn công bé trai ở Hưng Yên. Ảnh: Internet
 
Quy định khá rõ ràng nhưng việc thực hiện không nghiêm
 
Những văn bản pháp quy (Thông tư, Nghị định, Quyết định, Bộ luật Hình sự) hiện nay hoàn toàn đáp ứng được việc xử lý liên quan đến những rắc rối do chó gây ra, kể cả việc nghiêm trọng là chết người. Thế mà, những năm gần đây ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng nửa triệu người bị chó cắn, trong đó, số tử vong lên con số trăm, nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tù theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2017.
 
Nhân vụ chó của bà Lê Thị An cắn cháu Đào Nguyên Đức 7 tuổi tử vong, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Một vị đại tá công an nói: “Vì chưa có tiền lệ nào bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tù chủ chó cắn chết người, nên chúng tôi vẫn đang tiếp tục thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ để báo cáo cấp trên rồi mới có kết luận cụ thể để xử lý chủ hộ nuôi chó là bà Lê Thị An”.
 
Một vị có trách nhiệm khác cũng cho rằng, khung pháp lý quản lý đàn chó nuôi hiện đã đầy đủ, nhưng chính quyền địa phương không quyết liệt thực hiện, nên thực tế chưa có trường hợp nào bị xử lý khi để chó thả rông, không đeo rọ mõm hay không đăng ký khi nuôi chó.
 
Như vậy, vấn đề của chúng ta là không sử dụng hết hiệu lực của các chế tài đã có để giải quyết vấn đề, chứ không phải chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh. Ví dụ, việc chó cắn chết người hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm hình sự chủ nuôi với tội danh “Vô ý làm chết người” tại điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt: Phạt tiền 20 -100 triệu đồng; cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.


Nhiều người nuôi chó có thói quen thả rông và không đeo rọ mõm cho chó. Ảnh Internet
 
Chỉ cần thực hiện nghiêm các quy định
 
Cũng như tất cả các vụ án hình sự, việc chó cắn người cũng có những tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng. Vụ việc chó cắn chết người ở Hưng Yên có những tình tiết tăng nặng. Đó là đàn chó này đã từng đuổi cắn nhiều người, đã từng được cảnh báo, nhắc nhở nhưng chủ nhân của nó vẫn phớt lờ; đã không nhốt chó, lại còn không thực hiện biện pháp phải đeo rọ mõm cho chó. Như vậy, ở đây có thể kết luận là chủ nhân thấy trước hậu quả có thể xảy ra, nhưng vẫn không có ý thức đề phòng, để mặc cho hậu quả xảy ra.
 
Có những chuyên gia pháp luật còn chặt chẽ hơn trong lập luận, nên cho rằng, chủ đàn chó (ở đây cụ thể là bà Lê Thị An) chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người theo điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.
 
Theo chúng tôi, dù nhìn nhận dưới góc độ nào thì chủ của những con cho gây thiệt hại cho người khác đều phải bị xử lý. Tuy nhiên, trước hết có thể để cho những người liên quan gặp gỡ, đàm phán, thỏa thuận. Nếu không tự thỏa thuận được, vụ việc sẽ được xử lý theo pháp luật. Tất cả những hình phạt này đều đã được ghi rõ trong các văn bản pháp quy, chỉ cần thực hiện nghiêm là vấn đề được giải quyết.
 

 

Trần Nghiêm/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...