CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 11:43

Chống Covid-19: Cần 3 kịch bản

13/04/2020 | 10:22
 
Kịch bản ngắn hạn đang được thực hiện rất hiệu quả
 
Chính phủ Việt Nam đã chủ động phòng chống dịch Covid-19 rất sớm. Các biện pháp được thực hiện ngay khi có ca nhiễm đầu tiên là cách ly. Việt Nam đã đưa ra hệ thống cách ly 4 vòng: Vòng 1: Cách ly và điều trị tại cơ sở y tế những trường hợp nhiễm bệnh và người thân của bệnh nhân đã tiếp xúc gần với họ; Vòng 2: Cách ly tập trung những người đã tiếp xúc với trường hợp nhiễm bệnh và người thân của họ; Vòng 3: Cách ly tại nhà với những người đã có tiếp xúc với những người đã được cách ly ở vòng 2; Vòng 4: Các ly một cộng đồng có nhiều ca bệnh.
 
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thực hiện cả 4 vòng cách ly này. Hơn thế nữa, từ ngày 1/4/2020 đã thực hiện dãn cách xã hội trên cả nước. Điều này có tiếp tục hay không sẽ căn cứ vào tình hình thực tế sau ngày 15/4/2020. Cùng với việc cách ly, các cơ sở y tế tích cực xét nghiệm, khám chữa bệnh. Kết quả là cho đến ngày 10/4/2020, ở Việt Nam chỉ có 255 ca nhiễm bệnh, trong đó khoảng trên một nửa đã bình phục. Đây là một thành tích gây ấn tượng mạnh với nhiều người trong và ngoài nước.
 
Cùng với các biện pháp y tế là những biện pháp bảo đảm an sinh xã hội. Đây là hoạt động Nhà nước và nhân dân cùng tham gia. Nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tiền, gạo, thực phẩm để giúp những người không có việc làm, không có thu nhập. Một số doanh nghiệp lớn cam kết không sa thải nhân viên, quyết thực hiện phương châm “no đói có nhau”.
 
Nhà nước đã quyết định chi một khoản tiền lớn là 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng lớn vì dịch. Đây là một nỗ lực rất lớn trong hoàn cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống, trong quý I – 2020, kinh tế chỉ tăng trưởng 3,8%. Điều này đồng nghĩa với việc thu ngân sách sẽ giảm. Cần phải nghĩ ngay tới chuyện lấy tiền ở đâu để bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cho những người dân nghèo không lâm vào tình cảnh túng thiếu.

Việt Nam gây ấn tượng mạnh trong phòng chống Covid với kết quả nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện, chưa có bệnh nhân tử vong. Ảnh: KT
 
Kịch bản trung hạn cần được thực hiện khi kịch bản ngắn hạn chưa kết thúc
 
Kịch bản ngắn hạn chỉ nên thực hiện trong vòng 3 tháng, tối đa là 6 tháng. Bởi vì, như chúng ta thấy, trong giai đoạn thực hiện kịch bản ngắn hạn, nhiều hoạt động quan trọng đã phải tạm dừng, thậm chí, việc đi lại của con người cũng phải hạn chế. Điều này dẫn đến tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những ngành kinh tế quan trọng như du lịch, giao thông vận tải (vận chuyển hành khách), dịch vụ không thể dừng lâu được. Rồi việc học của trên 22 triệu học sinh, sinh viên cũng cần được tiến hành. Đây là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.
 
Do vậy, ngay từ sau 15/4, cần phải khởi động một số hoạt động thuộc kịch bản trung hạn. Đó là cho phép những địa phương không có người nhiễm bệnh được tiến hành một số hoạt động trong du lịch, trong việc đi lại, cung cấp dịch vụ ăn uống, vận chuyển hành khách... Đương nhiên là những hoạt động này cần được giám sát kỹ càng như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, tăng cường công tác vệ sinh công cộng.
 
Kịch bản ngắn hạn kết thúc hoàn toàn khi nó được thực thi trong 6 tháng, cụ thể vào tháng 7/2020. Điều này đồng nghĩa với việc phải khôi phục lại tất cả các hoạt động xã hội, mặc dù dịch Covid-19 có thể chưa kết thúc. Chúng ta phải làm như vậy vì cuộc sống vẫn diễn ra, hàng chục triệu con người cần phải làm việc, học tập, tập thể dục, chơi thể thao, hẹn hò, mơ ước... Hơn thế nữa, nền kinh tế của một đất nước gần 100 triệu dân phải được vận hành với công suất lớn để bù đắp cho những hao hụt trong giai đoạn đầu của việc phòng chống dịch.
 

 Thực hiện cách ly vòng 4, phun khử khuẩn ở thôn Hạ Lôi – Mê Linh – Hà Nội để khoanh vùng dịch. Ảnh: KT
                                                                      
Chuẩn bị tâm lý để thực hiện kịch bản dài hạn
 
Tất cả mọi người đều mong dịch Covid-19 kết thúc nhanh chóng. Nhưng thực tế cho thấy là diễn biến của dịch Covid-19 rất phức tạp, những ổ dịch lớn ở Mỹ, châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; virus Corona có nhiều biến thể mới, một số người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng; một số người bình phục rồi lại mắc bệnh trở lại... Một số chuyên gia y tế cho rằng, dịch Covid-19 có thể trở thành mạn tính, nghĩa là nó sẽ diễn ra thường xuyên.
 
Trước tình hình như vậy, rõ ràng chúng ta phải có kịch bản dài hạn. Thực hiện kịch bản này có nghĩa là để mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường trong cuộc sống, chỉ nêu cao cảnh giác và khẩn trương trong cấp cứu, chữa bệnh. Như vậy là chúng ta buộc phải “sống chung” với dịch Covid-19. Điều này có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự tồn tại của nó và tìm cách hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu của nó.
 
Việt Nam ít nhiều có kinh nghiệm sống chung với hiểm họa. Việc mọi hoạt động bình thường vẫn được duy trì trong những năm tháng chiến tranh ác liệt cho phép chúng ta tự tin đối mặt với Covid-19: Hoặc là chúng ta tìm được vắc-xin phòng chống hiệu quả, hoặc là chúng ta sẽ miễn dịch cộng đồng. Khi đã thực hiện kịch bản dài hạn, chúng ta không có tâm lý kinh sợ Covid-19 nữa, chúng ta xem nó như một loại cảm cúm bình thường, mỗi gia đình đều có thể đối phó được.
 
Như vậy là 3 kịch bản chống Covid-19 đã được phác thảo những nét cơ bản. Chúng ta cần những kịch bản này để không bị động, không lúng túng khi vẫn còn những người tiếp tục nhiễm bệnh. Vấn đề đặt ra là không hạn chế hoạt động kinh tế - xã hội, mà là hoạt động an toàn, hiệu quả trong hoàn cảnh vẫn có dịch Covid-19.
 
Nếu chúng ta buộc phải thực hiện kịch bản dài hạn thì báo chí, truyền thông cũng phải thay đổi cách phản ánh về dịch Covid-19. Đây là điều quan trọng để chúng ta thoát ra khỏi tâm trạng quan tâm thái quá đến đại dịch này. Chúng ta cần phải trở lại trạng thái cân bằng để tiến hành các hoạt động bình thường.
 

 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...