THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 03:34

Chữa bệnh theo mẹo dân gian nhiều trẻ nguy hiểm tính mạng

01/05/2022 | 09:57
Do gia đình tùy tiện áp dụng các mẹo dân gian truyền miệng để chữa bệnh, nhiều trẻ em đã phải chịu những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu thành công bé trai 2 tháng tuổi nguy kịch vì đắp tỏi chữa Covid-19. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu thành công bé trai 2 tháng tuổi nguy kịch vì đắp tỏi chữa Covid-19. Ảnh: BVCC

Nguy hiểm khi chữa bệnh bằng mẹo

Mặc dù đã có rất nhiều khuyến cáo, nhưng không ít gia đình vẫn áp dụng các mẹo dân gian truyền miệng để chữa bệnh cho trẻ em dẫn tới những hậu quả rất đáng tiếc.

Tháng 11/2021, Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 2 ngày tuổi (Nam Ðịnh) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, nhịp tim không ổn định, đồng tử co nhỏ, theo dõi ngộ độc sái thuốc phiện. Người nhà bệnh nhi cho biết, đã làm theo mẹo dân gian - dùng sái thuốc phiện với liều lượng một đầu tăm pha vào sữa cho trẻ uống để “chắc dạ”, không gặp vấn đề về đường ruột. Tuy nhiên, sau khi uống sái thuốc phiện, trẻ nấc cụt nhiều, thở yếu nên gia đình đã thông báo với các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Nam Ðịnh. Trẻ nhanh chóng được hô hấp hỗ trợ, tiêm thuốc giải ngộ độc và chuyển đến Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương. Nguyên nhân gây tình trạng suy hô hấp là độc chất Opioids được tìm thấy trong cơ thể trẻ.

Trước đó, tháng 10/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi (20 tháng tuổi, ở Thanh Hóa) bị hoại tử nặng vùng đùi, bụng và bộ phận sinh dục do gia đình đắp thuốc lá chữa bệnh. Trước khi nhập viện 3 ngày, bé trai mọc nhọt nhỏ ở dương vật kèm theo sưng đau bộ phận sinh dục. Gia đình nghe hàng xóm mách, tự đắp lá thuốc vào chỗ nhọt cho trẻ. Vài giờ sau khi đắp lá, đầu dương vật, bìu và phần vùng hạ sườn phải (gần bẹn) của trẻ sưng tím, trẻ sốt cao liên tục. Lúc này gia đình đưa trẻ vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi vẫn diễn biến nặng, sốc nhiễm khuẩn, vết loét hoại tử tiếp tục tiến triển nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Vào tháng 2/2022, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Ðồng Hới (Quảng Bình) đã điều trị cho một bệnh nhi 9 ngày tuổi bị ngộ độc do uống mật khỉ. Bệnh nhi trú tại xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Ða khoa Khu vực Bắc Quảng Bình trong tình trạng ngừng thở và ngừng tim, tím tái. Sau khi được cấp cứu, hồi sức tích cực, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Ðồng Hới. Ðược biết, sau khi sinh được 7 ngày, trẻ sơ sinh này về nhà trong tình trạng sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, gia đình đã cho cháu bé uống mật khỉ theo quan niệm chữa bệnh dân gian để phòng một số bệnh dẫn tới trẻ bị ngộ độc, rơi vào tình trạng nguy kịch.

Mới đây nhất, trong tháng 3/2022 đã có 2 trẻ em phải nhập viện cấp cứu do gia đình áp dụng các mẹo chữa bệnh truyền miệng. Trường hợp thứ nhất là một trẻ cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) ngày 15/3 trong tình trạng sốt cao 40 độ, li bì, co giật nhiều cơn kéo dài, tím tái, bỏng vùng bụng độ I do gia đình đắp tỏi để hạ sốt và chữa Covid-19. Trường hợp thứ 2 là trẻ sơ sinh ở Hà Tĩnh nguy kịch nhập viện Bệnh viện Sản nhi Nghệ An do gia đình mời thầy lang đến lể đẹn. Do trời lạnh nên gia đình đã cho cả mẹ và bé sưởi than theo cách thức chăm sóc dân gian. Sau 3 ngày, trẻ có dấu hiệu ho, khò khè, khó thở, bú ít và quấy khóc liên tục. Cho rằng trẻ bị mắc đẹn (nấm lưỡi, tưa lưỡi, tưa miệng) nên gia đình đã mời thầy lang đến lể đẹn cho bé.

Bệnh nhi ngộ độc sái thuốc phiện điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BV Nhi TƯ

Bệnh nhi ngộ độc sái thuốc phiện điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BV Nhi TƯ

Không tùy tiện chữa bệnh cho trẻ theo các mẹo truyền miệng!

Do thiếu kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm, không ít cha mẹ có những phương pháp chăm sóc chưa đúng cách, dẫn đến tác dụng ngược, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thống kê cho thấy, trong năm 2021, Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 9 - 10 trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng ngộ độc, chủ yếu là ngộ độc sái thuốc phiện, thuốc nam.

Không chỉ nghe người nhà, bạn bè mách các phương pháp chữa bệnh cho trẻ bằng mẹo, nhiều cha mẹ khi con ốm đã chữa bệnh cho con theo cách của các “bác sĩ trên mạng” mà không đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám và điều trị. Vào các diễn đàn dành cho cha mẹ, chúng ta không khó để tìm thấy những bài chia sẻ về mẹo dân gian chăm sóc và chữa bệnh cho trẻ như: Bôi mật ong chữa tưa lưỡi, nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ chữa viêm kết mạc, bôi chanh và lòng trắng trứng để chữa vặn mình ở trẻ sơ sinh, nhỏ nước tỏi vào mũi để trị ngạt mũi, cho trẻ sơ sinh sưởi than... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những phương pháp dân gian này chỉ mang tính chất tham khảo. Thực tế, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy, những mẹo dân gian mang lại hiệu quả trong việc điều trị bệnh cho trẻ. Khi trẻ gặp vấn đề về sức khoẻ, điều đầu tiên gia đình cần làm là đưa con tới bệnh viện, phòng khám nhi khoa.

Theo ThS.BS Chu Lan Hương – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh Cấp cứu, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc sử dụng các mẹo dân gian hoặc thuốc nam không rõ thành phần cho trẻ là vô cùng nguy hiểm. Ðây là những quan niệm chưa có căn cứ khoa học và có thể để lại những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Thậm chí, những mẹo dân gian này có thể khiến trẻ tử vong. Cha mẹ nên tìm hiểu kỹ thông tin và những chứng cứ khoa học chính thống về phương pháp điều trị dân gian trước khi áp dụng cho con. Ðể đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ.

Còn ThS.BS Ðào Trường Giang - Chuyên khoa Nhi, BVÐK Xanh Pôn Hà Nội khi chia sẻ về vấn đề này đã cho biết: “Không ít mẹo dân gian nghe đã biết rất vô lý, song vẫn có nhiều người tin và làm theo, để lại hậu quả đáng tiếc. Do vậy, là một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên rằng, khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe, gia đình không nên sử dụng các mẹo dân gian để chữa cho con. Thay vào đó, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp”.

Anh Khánh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Tạo động lực học tập cho trẻ

Tạo động lực học tập cho trẻ

2 năm trước

Áp lực học hành khiến trẻ rơi vào căng thẳng, stress, giảm sút niềm vui, sự hào hứng trong học tập và có nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý, thể chất. Chuyên gia tư vấn, nhà báo, nhà...
Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia cắt băng khánh thành trạm cấp nước tại trường tiểu học Tân Huệ

Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia cắt băng khánh thành trạm cấp nước tại trường tiểu học Tân Huệ

2 năm trước

Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie đã đến thăm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ ngày 28 - 29/4. Tại đây, Đại sứ đã đến thăm Trường Tiểu học Tân Huệ, nơi Australia đã...
Ngân hàng Sacombank trao 2 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em ung thư có hoàn cảnh khó khăn

Ngân hàng Sacombank trao 2 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em ung thư có hoàn cảnh khó khăn

2 năm trước

Vừa qua, Sacombank tiếp tục trao tặng thêm 2 tỉ đồng cho chương trình Mặt trời Hy vọng thuộc Quỹ Hy vọng nhằm tiếp tục góp phần mang đến cơ hội chữa bệnh cho trẻ ung thư có hoàn cảnh...