THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 07:10

Tạo động lực học tập cho trẻ

30/04/2022 | 16:13
Áp lực học hành khiến trẻ rơi vào căng thẳng, stress, giảm sút niềm vui, sự hào hứng trong học tập và có nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý, thể chất. Chuyên gia tư vấn, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ về cách làm thế nào để trẻ thích học và có trách nhiệm với việc học?
Nhà báo Hoàng Anh Tú vẫn luôn là anh Chánh Văn đáng tin cậy của các em nhỏ.

Nhà báo Hoàng Anh Tú vẫn luôn là anh Chánh Văn đáng tin cậy của các em nhỏ.

Tạo động lực thay vì gây áp lực

Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, đâu là sai lầm của phụ huynh khi từ mong muốn con học giỏi, sung sướng hơn mình lại trở thành áp đặt con học nhiều, dẫn tới con phản kháng, chống đối, không muốn học?

Tôi đã chứng kiến nhiều cha mẹ, và chính tôi cũng đôi lần sai như thế, gây áp lực cho con thay vì tạo động lực. Là bởi chúng ta nghĩ xa quá, lo lắng, tưởng tượng ra những điều chưa chắc xảy ra. Là bởi chúng ta có quá nhiều “kinh nghiệm đau thương” nên chỉ nhìn thấy những thứ tiêu cực có thể xảy ra với con mình. Là bởi chúng ta quá sợ hãi với những nguy cơ có thể xảy ra với con mình nên chúng ta phòng tránh từ xa, xây đủ những bức tường bao quanh con. Sự sợ hãi của chúng ta đang nhốt con trong đủ mọi rào cản, yêu cầu, đòi hỏi và bắt ép. Như càng nghèo thì càng bắt con phải học để sau này thoát nghèo. Như những đòn roi của tuổi thơ khiến khi làm cha mẹ rồi lại coi đòn roi ấy đã giúp mình trưởng thành, coi việc đòn roi là cách cha mẹ dạy con.

Với nhiều cha mẹ, sĩ diện của bản thân cao hơn lòng bao dung và yêu thương dành cho con mình. Con học dốt cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp cơ quan. Con nghịch ngợm khiến người xung quanh khó chịu thì mắng con xa xả thay vì xin lỗi người đang khó chịu kia và cùng con đưa ra giải pháp tích cực để con thay đổi. Sự sĩ diện của cha mẹ sẽ giết chết mọi nỗ lực của đứa trẻ, khiến chúng trở thành đối phó và phản ứng tiêu cực. Sự kỳ vọng thái quá vào con cái cũng khiến cha mẹ gây ra những áp lực cho con.

Vậy cha mẹ làm cách nào để tạo động lực cho trẻ thích học, biến việc học của con trở thành niềm yêu thích tự nguyện?

Cha mẹ hãy tìm cách để đổi chỗ từ gây áp lực thành tạo động lực:

1. Chúng ta là 1 team

Ðừng để những lo lắng trong bạn khiến con bạn căng thẳng theo. Hãy đứng về phía con. Hãy cho rằng việc tạo động lực cho con cũng chính là tạo động lực cho mình. Hãy nghĩ tích cực, nói những điều tích cực thay vì chỉ thấy những nguy cơ, nguy hiểm. Thử nghĩ đến những điều tốt đẹp chúng ta sẽ có được khi làm tốt việc này xem. Ðừng đẩy con sang phía đối diện. Ðừng đặt ra bất cứ một “trả giá” nào. Khi bố mẹ và con cái cùng một team, chúng ta sẽ có sức mạnh đồng thuận, đồng lòng, sẵn sàng của con.

2. Kiểm soát hay truyền cảm hứng?

Bạn sẽ là người truyền cảm hứng cho con. Truyền cảm hứng rất khác với việc kiểm soát. “Nào chúng ta cùng học” sẽ khác với “Con học bài chưa? Sao giờ này còn chưa làm bài?” Kiểm soát sẽ khiến cha mẹ gây áp lực cho con, truyền cảm hứng sẽ tạo động lực cho con. Kiểm soát sẽ thành lực kéo - Truyền cảm hứng sẽ là lực đẩy.

3. Trách nhiệm thuộc về con

Việc nhiều cha mẹ lo lắng cho con mà chạy chọt thầy cô vẫn thường xảy ra. Hay dùng tiền thưởng nếu con làm xong bài. Hoặc quát mắng con vì chúng điểm kém đều là những việc không tạo động lực cho trẻ. Hãy dạy con về trách nhiệm với những gì con đã làm - không làm thay cả những gì con chưa muốn làm. Hãy gắn nó với hình phạt một cách nghiêm khắc. Hãy phạt con vì sự thiếu trách nhiệm chứ không phải vì không nghe lời cha mẹ. Bởi cuộc đời của trẻ ở phía trước sẽ thất bại hoàn toàn nếu trẻ vô trách nhiệm ngay từ bé.

4. Ðối thoại và để tâm

Hãy trò chuyện với trẻ, lắng nghe lời con cái. Ðể “đọc vị” những điều chúng mong muốn, những tâm sự và cả những vấn đề mà có khi chính trẻ cũng chưa biết, chưa hiểu về bản thân chúng. Cha mẹ mới là người đủ tầm và đủ tâm để nhìn thấy những năng lực tiềm ẩn trong con mình. Việc của bạn không phải là “A! Bố thấy con nên làm thế này” hay “Ồ, con phải làm thế kia”. Mà chỉ là lắng nghe bằng sự tôn trọng con ở mức cao nhất. Luôn giữ câu hỏi trong đầu “Con mình cần tạo động lực cho những gì?”, “Con đang mong muốn điều gì?”, rồi tìm câu trả lời trong chính những chia sẻ của con. Sau đó, đừng đẩy con vào hướng bạn cho là đúng đắn. Hãy khơi gợi và giúp con tự phát hiện ra con đường đó, khích lệ con lựa chọn con đường đó.

Tôi vẫn luôn cho rằng, để tạo động lực cho con thay vì gây áp lực, cha mẹ cần phải học cách đối xử bình đẳng với con nhưng vẫn phải giữ cái uy của người làm cha, làm mẹ. Uy quan trọng hơn Quyền. Quyền làm cha mẹ (có thể) trừng phạt con bằng đòn roi, bằng cắt viện trợ, bằng sự áp đặt, trấn áp. Uy của cha mẹ thì có thể không cần bất cứ đòn trừng phạt nào mà con vẫn biết chúng nên làm gì và không nên làm gì. Quyền thì xây dựng bằng quát mắng, nhưng Uy phải được xây dựng từ lắng nghe và sự gương mẫu. Ðừng làm con sợ bạn vì Quyền. Hãy khiến con nể bạn vì Uy.

Từ 3 tuổi các con của nhà báo Hoàng Anh Tú bắt đầu được giao quyền được đưa ra ý kiến.

Từ 3 tuổi các con của nhà báo Hoàng Anh Tú bắt đầu được giao quyền được đưa ra ý kiến.

Xây dựng mục tiêu, động lực cho con

Vậy có phương pháp nào để cha mẹ và con luôn suy nghĩ tích cực, hướng đến một lối sống tự tin, thưa anh?

Tôi vẫn khuyên các cha mẹ hãy cấp quyền làm con cho các con. Ðặt quyền của con ngang bằng với quyền của cha mẹ. Tôn trọng con và coi con như một thành viên có quyền biểu quyết trong nhà. Ðiều đó không chỉ giúp con dám nói lên ý kiến của mình mà còn giúp con học cách chịu trách nhiệm với mỗi quyết định của con. Còn làm sao để con cái suy nghĩ tích cực, điều đó phải là chính cha mẹ thay đổi trước nhất. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài!

Trong nhà anh, con cái được trao quyền từ khi nào, và chịu trách nhiệm ra sao?

Ở nhà tôi, khi lũ trẻ mới 3 tuổi, tôi đã giao quyền cho con. Bắt đầu là quyền được đưa ra ý kiến mà không bị cha mẹ phán xét, chê cười hay vùi dập. Sau mỗi tuổi là quyền của các con nhiều hơn, như tự quyết về ăn mặc, tự lên lịch trình. Mỗi khi có thêm những quyền mới thì các con phải đảm bảo những trách nhiệm, nghĩa vụ cho quyền trước đó. Là đi cùng quyền luôn gắn cùng trách nhiệm, nghĩa vụ. Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Trách nhiệm của con là học thì trách nhiệm của bố mẹ là giúp các con an tâm học hành, đáp ứng đầy đủ những quyền lợi của 1 người học tốt. Bố mẹ đưa ra những lựa chọn tham khảo. Các con là người quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Nếu các con chưa tự chịu trách nhiệm được quyền tự quyết trước thì các con sẽ mất những quyền tự quyết sau. Nếu con không chịu trách nhiệm được thì con phải để người khác quyết định thay con.

Anh có cho con lựa chọn nghề mà con yêu thích, hay con phải là ông này bà nọ để bố mẹ ngẩng cao đầu?

Bản thân tôi chưa bao giờ đặt ra việc các con sẽ làm nghề gì, sẽ kiếm được bao nhiêu trong tương lai. Tất cả là do các con muốn trở thành ai chứ không phải trở thành người như bố mẹ muốn. Tôi chỉ có trách nhiệm đưa ra những lựa chọn tham khảo cho các con dựa trên những hiểu biết của tôi về năng lực các con có. Thế nên ở nhà tôi không có rẽ trái hay rẽ phải, mà là các con tự lái chiếc xe đời mình. May mắn thay, 3 đứa trẻ nhà tôi đều rất tín nhiệm bố mẹ. Ðó là cả 1 quá trình gia đình chúng tôi xây dựng tín nhiệm với nhau.

Xin cảm ơn nhà báo Hoàng Anh Tú.

Hồng Nga
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục, ma túy và bạo lực học đường

Tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục, ma túy và bạo lực học đường

2 năm trước

Thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm, ngày 28/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hòa Bình đã phối hợp với các đơn vị chức...
Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi

2 năm trước

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 27/4 đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi ở trẻ em trong bối cảnh nhiều hoạt động trên thế giới bị gián...
Dạy trẻ cư xử như một 'quý ông'

Dạy trẻ cư xử như một "quý ông"

2 năm trước

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con luôn luôn tôn trọng người khác và phải cư xử đúng mực như một quý ông. Tuy nhiên, cần dạy trẻ cách cư xử như nào để trở nên lịch sự hơn trong cuộc...