THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 11:08

Chuẩn bị hành trang cho con học nội trú

30/07/2022 | 11:36
Hiện nay, mô hình trường nội trú rất phát triển ở các thành phố lớn. Nhiều gia đình đã lựa chọn cho con tuổi THCS, THPT học tại các trường nội trú, bởi mô hình này mang lại cho trẻ môi trường học tập tốt và năng động. Tuy nhiên, việc học xa nhà ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” cũng khiến không ít phụ huynh lo lắng. Để trẻ tự tin hòa nhập và học tập tốt, cha mẹ và con nên có sự chuẩn bị chu đáo.
Trẻ cần được trang bị những kỹ năng cơ bản trước khi nhập học trường nội trú. Ảnh minh họa

Trẻ cần được trang bị những kỹ năng cơ bản trước khi nhập học trường nội trú. Ảnh minh họa

Mô hình trường nội trú được nhiều phụ huynh tin tưởng

Theo nhiều phụ huynh, việc chọn môi trường nội trú cho con xuất phát từ mong muốn con tự lập, trưởng thành hơn, dần hình thành các kỹ năng mềm, tạo bước đệm để sau này con có thể đi du học hay học đại học xa nhà mà không bỡ ngỡ.

Chị Lại Thị Yến (Sơn La) - phụ huynh có con học tại một trường nội trú ở Hà Nội - chia sẻ: “Lúc đầu, khi quyết định cho con về Hà Nội học tại một trường nội trú, vợ chồng tôi bị người thân, bạn bè gán mác “ác với con, bỏ mặc con trong giai đoạn con cần cha mẹ nhất”. Tuy nhiên, do đã tìm hiểu kỹ về mô hình trường học này nên chúng tôi vẫn cho con nhập học. Được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng nên con thích nghi và hòa nhập với môi trường nội trú khá nhanh, luôn vui vẻ, học tập tốt. Mặc dù học xa nhà nhưng con trưởng thành lên trông thấy. Hết lớp 12, con đã đỗ vào khoa Công nghệ thông tin một trường đại học với điểm số cao. Và khi con thứ 2 vào THPT, vợ chồng tôi lại cho con vào trường nội trú. Cũng như anh mình, con thích nghi nhanh, biết chủ động trong mọi việc và kết quả học tập khá tốt”.

Trước đây, anh Nguyễn Minh Phú (Hà Nội) luôn nghĩ, trường nội trú là môi trường chỉ dành cho những học sinh cá biệt, ngỗ ngược, khó bảo, và chỉ những cha mẹ ít có thời gian quan tâm đến con mới cho vào học. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cậu bé gần nhà chững chạc, tự lập, tự tin hơn rất nhiều khi học nội trú thì suy nghĩ của anh Phú đã thay đổi. Anh thấy được những mặt tích cực khi trẻ sinh hoạt, học tập trong môi trườngtập thể, có rất nhiều bạn đến từ cáckhu vực, địa phương với nhiều tínhcách và cá tính khác nhau. “Điềuquan trọng nhất khi cho con họctrường nội trú là cần trang bị cho trẻcác kỹ năng, và dù con học xa nhànhưng cha mẹ không được bỏ bê,mà phải luôn quan tâm đến trẻ” -anh Phú chia sẻ.

Cuộc sống xa nhà đòi hỏi học sinh nội trú phải vượt qua thử thách của bản thân, nhưng đây cũng là cơ hội để trẻ rèn luyện sự độc lập và tổ chức cuộc sống khoa học.

Giúp con tự tin, tự lập trong môi trường nội trú

Học nội trú có những ưu điểm và khó khăn đặc thù. Khi quyết định cho con học trường nội trú, dù trẻ ở độ tuổi nào thì cha mẹ cũng nên chủ động chuẩn bị hành trang cho trẻ một cách kỹ lưỡng và đầy đủ.

Tìm kiếm môi trường học tập phù hợp: Cho con vào học nội trú, cha mẹ cần hình dung rằng, nhà trường sẽ thay thế vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục khi con ở trường. Do đó, cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn được ngôi trường phù hợp, đảm bảo yếu tố học tập, an toàn và sức khỏe của trẻ. Nên tìm loại hình nội trú liên quan đến tính cách, điểm mạnh và nhu cầu của con. Ngoài ra, cũng cần tham khảo các gia đình đã có con học ở trường bạn mong muốn con vào học. Cho trẻ gặp gỡ những người đã học nội trú, trò chuyện, lắng nghe về cuộc sống nội trú, giúp cho trẻ giảm bớt cảm giác xa lạ khi vào học tập ở ngôi trường mới.

Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng: Ở nhà với cha mẹ, trẻ thường được bao bọc, chiều chuộng, nhưng khi học nội trú, sống trong một môi trường tập thể các con cần có tính kỷ luật cao, tự lập và hòa đồng. Lịch sinh hoạt, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ, học tập của con đều diễn ra theo thời gian biểu và trong khuôn viên trường, có sự quản lý của thầy/cô chủ nhiệm, quản nhiệm.

Để chuẩn bị tâm lý cho trẻ, cha mẹ cần giúp con đón nhận lối sống theo khuôn khổ, kỷ luật. Trẻ cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích nghi với những mối quan hệ, công việc, học tập… Ngoài ra, cha mẹ nên trò chuyện với con về cơ hội tích cực của việc xa nhà và làm rõ mục tiêu cha mẹ muốn con học nội trú, để trẻ hiểu và chấp nhận. Chia sẻ với trẻ, học nội trú nghĩa là con sẽ xa gia đình, thời gian cha mẹ gặp trực tiếp con sẽ không nhiều để xem cảm xúc của trẻ thế nào. Trước khi con chính thức vào trường, cha mẹ nên sắp xếp cho con một chuyến thăm trường mới. Điều này sẽ cho con cơ hội được làm quen với môi trường mới bên cạnh cha mẹ của mình.

Dù con học nội trú, gia đình vẫn cần có sự liên kết với nhà trường để cùng chăm sóc, giáo dục trẻ một cách thống nhất, đồng bộ. Ảnh minh họa

Dù con học nội trú, gia đình vẫn cần có sự liên kết với nhà trường để cùng chăm sóc, giáo dục trẻ một cách thống nhất, đồng bộ. Ảnh minh họa

Trang bị các kỹ năng: Không ít phụ huynh băn khoăn về độ tuổi phù hợp để trẻ có thể học nội trú. Trẻ sẽ phù hợp để học nội trú khi biết sống tự lập, có kỹ năng tự chăm sóc bản thân, thói quen sống gọn gàng, có tính kỷ luật, biết yêu thương quan tâm người khác… Ngoài ra, trẻ cũng cần biết chia sẻ đồ dùng và không gian với bạn bè, biết chia sẻ cảm xúc và ý tưởng, biết yêu cầu sự giúp đỡ khi cần được hỗ trợ… Có thể nói, tất cả những kỹ năng này muốn có được phải bắt nguồn từ những thói quen trước đó và sự giáo dục từ trong gia đình.

Luôn quan tâm con, không phó mặc hoàn toàn cho nhà trường: Việc giáo dục trẻ cần sự đồng bộ từ nhà trường, gia đình và xã hội, vì vậy, kể cả khi con đã học trong trường nội trú, cha mẹ không nên giao phó tất cả việc giáo dục con cho nhà trường. Gia đình cần dành thời gian quan tâm, theo sát và luôn đồng hành với con trong hành trình lớn lên. Mỗi cuối tuần hay các kỳ nghỉ khi trẻ về nhà, cả gia đình cùng nhau chia sẻ về sở thích, định hướng tương lai. Cha mẹ khuyến khích trẻ chia sẻ về những chuyện thú vị và cả những khó khăn con gặp phải khi ở trường để kịp thời có giải pháp giúp đỡ trẻ.

Theo giảng viên giáo dục học Nguyễn Trường Giang (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), nguyên lý giáo dục là phối hợp ba môi trường gia đình, nhà trường, xã hội, nên phụ huynh đừng giao “khoán” theo kiểu trăm sự nhờ thầy. Cha mẹ có 1 - 2 đứa con nhưng thầy cô có đến mấy chục đứa thì làm sao quan tâm, xử lý hết được. Giáo dục không thể hoàn toàn nhờ thầy cô theo mô hình nội trú mà vẫn phải có trực tiếp dạy dỗ của cha mẹ. Vì thế, dù con học nội trú, gia đình vẫn cần có sự liên kết với nhà trường để cùng chăm sóc, giáo dục trẻ một cách thống nhất, đồng bộ.

Anh Khánh
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài

Quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài

1 năm trước

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ ngày...
Trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ II – năm 2022

Trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ II – năm 2022

1 năm trước

Ngày 28/7, tại Thư viện Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ...
WHO khuyến nghị 6 bước để phòng tránh đuối nước

WHO khuyến nghị 6 bước để phòng tránh đuối nước

1 năm trước

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã kêu gọi mọi người trên toàn thế giới đẩy mạnh phòng chống đuối nước, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh...