THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 08:48

Chuyện một ngôi chùa được hồi sinh

31/10/2018 | 14:09

Mặt trước Chùa An Thái.
 
Lần đầu tiên biết tên ngôi chùa gần nhà mình
 
Cách đây khoảng chục năm, khi đi công tác trên quốc lộ 1A qua thị trấn Cầu Giát, tôi thấy một cái bảng đề: “Chùa An Thái, 10km” và mũi tên chỉ về phía biển. Từ ngã tư thị trấn Cầu Giát đi về phía biển khoảng 10km là nhà tôi; tôi tự hỏi: “Chẳng nhẽ có ngôi chùa được đưa vào danh sách, có biển chỉ dẫn đàng hoàng ở ngay cạnh nhà mình, mà mình lại không biết?”. 
 
Sau chuyến công tác đó, tôi vội vã trở về nhà và ngộ ra rằng: Chùa An Thái chính là ngôi chùa bị đập phá tan hoang nằm cách nhà tôi khoảng 200m. Thời xa xưa cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi cùng lũ trẻ chăn bò chơi đánh trận giả ở đây thường xuyên. Với chúng tôi, ngôi chùa bị bỏ hoang và sân vườn ở đây là nơi lý tưởng để “đánh nhau”. Tôi cũng nhiều lần đi sâu vào cái nhà cấp 4 phía sau mua cam cho bà, vì người ta biến những gian nhà phía sau chùa thành cửa hàng. Nay, đứng ở tầng 2 nhà mình, tôi có cảm giác có thể giơ tay ra đụng được bức tượng và gác chuông mới được xây dựng trên núi Mỏ Phượng - phần mới của Chùa An Thái.


Khu phụ trợ mới xây.
 
Tôi vội vàng trở lại nơi mình đã từng “đánh trận”, thấy sân vườn đã được dọn dẹp sạch sẽ, có trồng hoa, cây cảnh. Ngôi chùa cổ ngày xưa hoang tàn đã được hồi sinh. Bức tường rêu phong đã được quét vôi trắng. Tôi ngước nhìn lên tường và thấy ba chữ Hán: 寺泰安 – nếu đọc từ trái sang phải là  “Tự Thái An”, còn đọc từ phải sang trái “An Thái Tự”, nghĩa là Chùa An Thái. Quả là tôi có một chút tự hào là ngay gần nhà mình có một ngôi chùa đã được hồi sinh, đang trở lại hoạt động với những lễ nghi nghiêm cẩn của đạo Phật. 
 
Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho biết: “Từ năm 2000 trở về trước, Chùa An Thái gần như hoang tàn, chùa không có người trông coi, các Phật tử và bà con nhân dân tự phát tâm, sớm hôm về chùa thắp hương lễ Phật. Khi chùa dột nát, cũng do Phật tử vận động kinh phí, kẻ công nguời của xây dựng lại ngôi tam bảo để nhân dân có nơi lễ Phật, cúng kiếng. Chùa có đất rộng song theo thời gian, một số hộ gần chùa đã lấn đất để xây dựng nhà cửa nên hiện nay diện tích khuôn viên của chùa đã bị thu hẹp, chính quyền địa phương và nhà chùa đang có kế hoạch để thu hồi và mua lại số diện tích đất của nhà chùa do nguời dân lấn chiếm. Địa chỉ chính xác của Chùa An Thái hiện nay là xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.


Tháp chuông. 
 
Chùa An Thái thuộc loại chùa rất cổ ở Việt Nam 
 
Sau khi biết ngôi chùa ở cạnh nhà mình là Chùa An Thái, tôi đã tra cứu nhiều tài liệu để tìm hiểu kỹ hơn. Nhưng quả thật, những gì tôi biết được cũng không phong phú là mấy. Có tài liệu nói rằng, Chùa An Thái là 1 trong 10 ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Người ta không biết ngôi chùa được xây lần đầu tiên vào năm nào, nhưng căn cứ vào các tư liệu lịch sử thì có thể biết rằng, ngôi chùa An Thái có từ lâu đời, đến thời Trần Minh Tông (1324 -1329) được tu sửa với quy mô lớn. 


Tượng QAABT và Tháp chuông nhìn từ nhà tác giả. 
 
Về kiến trúc và phong thủy, Chùa An Thái tọa lạc ở giữa thế “tứ linh hội chầu”, có bốn vị Thần linh chầu, đó là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. Như vậy, nơi đây hội đủ Long, Ly, Quy, Phượng. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được ba pho tượng cổ mang phong cách thời Hậu Lê, đó là pho tượng Phật Thích Ca và 2 pho tượng Văn Thù, Phổ Hiền. Ngoài ra, bia đá trên lưng cụ rùa tuy đã từng bị vỡ nhưng đã được gắn lại nguyên vẹn. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ được giếng cổ linh thiêng, dưới đáy giếng cổ có gỗ ván chữ thập, khắc chữ: “Thiên Thành Giáp Tý niên khai thiên tạo tỉnh”, cho chúng ta thấy giếng được đào vào năm 1024 triều đại vua Lý Thái Tổ, niên hiệu Thiên Thành. Như vậy là giếng cổ này có cách đây 988 năm. Điều kỳ lạ là long mạch của giếng có nước quanh năm không bao giờ cạn, có màu xanh ngọc bích.
 
Có thể nói, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trong đó có giai đoạn con người chủ ý tàn phá, Chùa An Thái vẫn giữ được sự linh thiêng và những hiện vật có giá trị tâm linh và lịch sử. Tôi không biết những ai và làm thế nào mà vẫn giữ được ba pho tượng cổ để bây giờ xuất hiện lại trong ngôi chùa đã hồi sinh? Cách đây nửa thế kỷ, trong lòng ngôi chùa trống trơn không có gì liên quan đến đạo Phật cả, khi nó được biến thành cửa hàng, khi là nhà kho, khi là lớp học…


Tượng thờ mới.
 
Hồi sinh kỳ diệu của Chùa An Thái
 
Những năm gần đây, vùng Nghệ Tĩnh nói chung và Quỳnh Lưu nói riêng, nhân dân có nhu cầu lên chùa lễ Phật. Đáp ứng nhu cầu của nhân dân, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định  số 5021/QĐ-UBND/NC ngày 22/10/2010 về việc chấp thuận phục hồi chùa An Thái, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu. Sau quyết định này, việc bổ nhiệm sư trụ trì, dựng tượng Quan Âm Bồ Tát, xây tháp chuông tại chùa An Thái đã được thực hiện. 
 
Việc đúc đại hồng chung 1,5 tấn diễn ra công khai trước sự chứng kiến của nhiều người dân. Đáng nhớ nhất là khi người có trách nhiệm cho biết, nếu có thêm một ít vàng cho vào khi đồng đã nóng chảy thì chuông sẽ ngân vang hơn. Thế là rất nhiều người tháo nhẫn, hoa tai, lắc, vòng vàng cho vào… Kết quả là đại hồng chung được đúc rất vừa ý nhiều người.
 
Còn tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá trắng, cao 12m được chế tác ở nơi khác và đưa về đặt trên đỉnh núi Mỏ Phượng. Hôm đặt tượng, không khí rất trang trọng, có các vị sư từ nhiều nơi về dự; đại diện của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An cũng có mặt; nghĩa là có đầy đủ các thành phần trong buổi đặt tượng.


Tượng Quan Âm Bồ Tát. 
 
Hiện nay, tượng Quan Âm Bồ Tát và Tháp chuông đứng trên núi Mỏ Phượng là một quần thể nổi bật của Chùa An Thái. Đây là phần mới được bổ sung, khiến Chùa An Thái trở nên hiện đại, đầy đủ và linh thiêng hơn.
 
Vị sư trụ trì Chùa An Thái hiện nay là Đại đức Thích Minh Hải. Thầy từng bước tu sửa lại những chỗ dột nát, chỉnh trang lại chánh điện, nhà tổ, nhà khách và cử hành các buổi lễ. Đặc biệt, vào những dịp trọng lễ như Phật đản, Vu Lan báo hiếu, ngày Phật thành đạo, Tết Nguyên đán, thầy có mời một số quý thầy ở các chùa trong vùng về thuyết giảng, làm Lễ quy y, tổ chức các khóa tu cho Phật tử trên địa bàn toàn huyện. Ngoài ra, nhà chùa cùng với chính quyền địa phuơng cũng thường tổ chức trao quà cho học sinh nghèo vượt khó học tập và gia đình chính sách trên địa bàn xã. Đến nay, Chùa An Thái đã xây dựng được đạo tràng với 250 Phật tử, hàng tháng tổ chức sinh hoạt vào các ngày mồng một và rằm. 
 
Chùa An Thái đã hồi sinh, tỏ ra xứng tầm là nơi hội tụ tâm linh cho nhân dân đến lễ bái và tu học giáo lý nhà Phật.   
   
 

Nguyên Hồ/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...