THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 07:35

Cô gái bị lạm dụng tình dục từ năm 8 tuổi ra mắt tự truyện

27/06/2016 | 15:46

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - nhân vật chính trong tự truyện Cát hay là ngọc vừa phát hành - có buổi giao lưu với độc giả TP HCM về cuốn sách kể lại quãng đời cay đắng.

Trong suốt buổi trò chuyện, Bích Ngọc gây ấn tượng với mọi người bằng sự tự tin, bình tĩnh với nụ cười luôn nở trên môi. Chỉ khi nghe những câu hỏi về ký ức được đề cập trong sách, ánh mắt cô mới thoáng nét đau đớn. Bích Ngọc tâm sự những chuyện cô kể là điều cô đã chôn giấu trong đáy lòng gần 20 năm qua. Vì khép kín nỗi lòng, giữ riêng những bí mật, suốt một thời gian dài, cô gái trẻ không có đêm nào ngủ được ngon giấc, thường xuyên gặp ác mộng. Có lúc cô bị trầm cảm, xa lánh mọi người, kể cả bạn bè, người thân thiết. Điều này khiến cho Bích Ngọc càng trở nên khó hiểu trong mắt người khác.
 



Từ trái qua: tác giả Hòa Bình, Nguyễn Thị Bích Ngọc và tác giả Cỏ ra mắt tự truyện "Cát hay là Ngọc" ở Đường Sách TP HCM, tổ chức ngày 25/6.


Đến một ngày, Bích Ngọc quyết định phải kể lại câu chuyện của mình qua trang sách. Cơ duyên đưa cô được gặp gỡ tác giả Cỏ và nhà báo Hòa Bình - hai người bạn đã giúp Ngọc chấp bút câu chuyện. "Tôi kể lại câu chuyện riêng tư không nhằm mục đích tìm kiếm sự nổi tiếng, nhuận bút hay bất cứ điều gì ngoài việc được trút nỗi lòng, được chia sẻ trải nghiệm sống, bài học, được tìm đến sự bình an trong tâm hồn, được thấy bất kỳ ai cũng cần được tôn trọng, yêu thương và chăm sóc", Bích Ngọc tâm sự.

Quyển Cát hay là ngọc (Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành) chỉ gần 150 trang, mỏng manh nhưng gói ghém trong đó những giọt nước mắt chua chát. Bích Ngọc được sinh ra từ cuộc tình dang dở của người mẹ nghèo và ông bố mất khi cô chưa chào đời. Bị gọi là con hoang, mẹ lại không có tiền để cưu mang đứa con đau yếu, Bích Ngọc trải qua tuổi thơ ở nhà ông bà ngoại rồi ông bà nội.

Trước khi trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục từ năm 8 tuổi, cô gái có vóc dáng nhỏ bé đã là nạn nhân của bạo hành gia đình. Những trận đòn roi từ chính người thân - vốn rẻ rúng xuất thân của cô, khiến cho cuộc sống của Bích Ngọc trở thành địa ngục. Những bữa cơm chan nước mắt, lời nhiếc móc đưa đẩy cô sớm bước chân vào cuộc sống mưu sinh, lấy thân thể của mình ra để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tám tuổi sống ở nhà nội và bị lạm dụng thân thể từ người ruột thịt nhưng không dám phản kháng. 19 tuổi, Bích Ngọc có cuộc sống của một cô gái giang hồ, gần gũi với những người đàn bà bán hoa và trải qua cuộc tình bị bạn trai bạo hành, lạm dụng thân xác.
 



Bìa tự truyện "Cát hay là ngọc".


Sự tủi nhục, cúc sốc tâm lý trở đi trở lại ám ảnh cô gái trẻ. Nhưng sâu thẳm bên trong cô, nghị lực sống, tinh thần học hỏi và cầu tiến lúc nào cũng mạnh mẽ. Điều này giúp Bích Ngọc vực dậy được bản thân. Trong sách, Bích Ngọc đặt cho mình hai nickname là Ruby và Sandy. Ruby là mảng đời đẫm nước mắt, hoang mang đi tìm con đường thoát khỏi bế tắc. Và Sandy là tên gọi của cô ở một chặng đường mới, khi cô dám dấn thân vào những thử thách để kiếm tiền bằng nỗ lực tự học tiếng Anh, vi tính, bỏ sang Thái Lan để bươn chải đủ mọi nghề, cũng như kết bạn với những người hoạt động xã hội, cộng đồng, vươn tay với những mảnh đời cần giúp đỡ.

"Sandy rất nỗ lực học tập, cả kiến thức khoa học, xã hội lẫn văn hóa ứng xử. Cô cũng học cách tha thứ cho những người đã gây ra lỗi lầm với cuộc đời cô ấy. Ánh sáng thiện tâm và khao khát học hỏi trong Sandy đã đưa cô ấy từ những bài học trên vỉa hè, đường phố, bước vào những ngôi nhà tri thức. Những người không may gặp phải cảnh ngộ như Sandy sẽ rất khó để dám nhìn thẳng và đi qua như thế", nhà báo Hòa Bình - một trong hai tác giả chấp bút, chia sẻ.

Cuốn sách của Nguyễn Thị Bích Ngọc gióng lên hồi chuông về vấn nạn trẻ em bị lạm dụng tình dục ở Việt Nam.

Buổi giao lưu sách Cát hay là ngọc có sự góp mặt của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý như: chuyên gia Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Huỳnh Thi Anh Thư cùng đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan như Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em, bà Marie Watson - đại diện tổ chức Hope Unending hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn mại dâm trẻ em, tổ chức Pacific Link (Vòng tay Thái Bình)... Họ có những  trải nghiệm và tâm sự nhói lòng về thực trạng trẻ em trong nước bị lạm dụng tình dục.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ - dẫn số liệu từ tọa đàm "Chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, từ 2011 dến 2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với năm năm trước đó.
 



Nguyễn Thị Bích Ngọc (hay còn gọi là Sandy, thứ tư từ phải qua) bên các người bạn trong nhóm hoạt động vì cộng đồng.


Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%), nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục ngay trong gia đình. Theo một số liệu khác của Bộ Công an, 90% người xâm hại tình dục trẻ em là hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng...

Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho biết nạn nhân bị lạm dụng tình dục từ nhỏ thường rất dễ trở nên tự ti và bị ám ảnh trong suốt giai đoạn trưởng thành. Về sau, họ thường có những hành vi, cử chỉ kỳ cục đối với người khác, nhất là với người khác giới vì không có lòng tin. "Tôi cho rằng Sandy chưa thể ngay lập tức phục hồi được sau những sang chấn tâm lý kinh khủng từ quá khứ. Tôi sẵn sàng hỗ trợ, bảo trợ và điều trị tâm lý cho Sandy nếu cần", bà Tâm nói.

Nhà báo Hòa Bình cho biết chị cùng nhóm của mình đã tiếp xúc với một số nạn nhân gặp phải chuyện tương tự như Bích Ngọc. Họ đều bị ám ảnh và không thể sống yên với cuộc sống hiện tại. Có người sau quá trình chữa trị có thể phục hồi và hòa nhập với cộng đồng. Nhưng cũng có nhiều hoàn cảnh không may mắn bị lạm dụng hoặc bị lừa bán qua biên giới, chịu nhiều kết cục đau lòng.

Bà Tô Kim Hoa (nguyên phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM), hiện là phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP HCM - góp mặt tại buổi ra mắt tự truyện của Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ngoài thán phục sự dũng cảm của cô gái dám đứng ra kể lại câu chuyện cuộc đời mình, bà Hoa còn công bố các đường dây nóng 18001567 (Quốc gia) và 18009069 (TP HCM) để mọi người có thể kết nối, cầu cứu và nhận được sự ủng hộ bất kỳ khi nào gặp phải hoặc biết được thông tin về việc trẻ nhỏ bị xâm hại tình dục.

"Không chỉ trẻ em gái mà bé trai cũng bị lạm dụng tình dục. Điều này để lại hậu quả cực kỳ nặng nề cho các em. Hội bảo vệ Quyền trẻ em đã tổ chức nhiều hoạt động để cứu trợ, hỗ trợ cho các nạn nhân", bà Hoa cho biết.

Theo Thoại Hà (Vnexpress.net)

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...