CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 02:53

Con đường phía trước

18/08/2017 | 14:21
 
 
1. Anh bạn Lê Quân của tôi là một họa sĩ thành đạt. Tôi nhớ, trong một triển lãm cá nhân rầm rộ của mình, anh đã tự bạch: Tôi lớn lên trong một gia đình có điều kiện, cha tôi là tướng trong quân đội, mẹ tôi là phó giáo sư tại một trường đại học. Tôi được bao bọc, rèn rũa để trở thành một người êm ái trong sự thành đạt. Mẹ tôi mong tôi sẽ là một ông “tướng mới”, tức là kế nghiệp cha tôi, trong khi cha tôi lại mong tôi là một nhà giáo giỏi như mẹ. Tôi thi đỗ Trường Mĩ thuật là nỗi thất vọng ê chề của cha mẹ, bởi đấy là sự liều lĩnh bướng bỉnh, đến lúc cuối đời, cha mẹ tôi vẫn chưa nguôi nỗi buồn. Tôi lấy vợ là bác sĩ, con cái lớn, chúng tôi cũng không quên “định hướng”, vợ tôi hướng con là kiến trúc sư, tôi mong đứa con duy nhất của mình là nhà khoa học, cuối cùng cháu chọn nghề kinh doanh hàng điện tử. Rõ ràng, là cha mẹ ai cũng có mong muốn được dự phần vào tương lai của con cái, nhưng không dễ gì “bẻ lái” mong ước của con, cố mà bẻ có khi nhận phải kết cục buồn.
Nhiều cha mẹ thời nay than phiền việc đề cao sự tôn trọng cá nhân của trẻ em khiến họ mất phương hướng, bối rối khi định hướng cho tương lai của con. Trong ý nghĩ nhiều người, con trẻ ngày nay bướng bỉnh và khó bảo. Các kì vọng “con hơn cha là nhà có phúc”, mong muốn con cái an nhàn, sung sướng là lẽ thường tình. Nhưng nhiều khi, tình thương của người lớn vô tình tạo nên chiếc vòng kim cô trói chặt ước mơ, năng lực thật sự và khát vọng được cống hiến của trẻ.
 
Tôi quen vợ chồng anh Dũng ở Phủ Lý (Hà Nam), gia đình anh khá giả trong công việc kinh doanh. Anh có hai con, cháu đầu đang du học tại Anh, cháu út học đại học ở Hà Nội. Con gái đỗ đại học, anh thuê dài hạn một phòng sang trọng ở gần trường, vật chất được anh bao bọc tươm tất, khó ai có thể so bì. Đến năm thứ hai, anh bị sốc khi nghe tin con gái đi làm thêm cùng bạn bè ở một nhà hàng bánh ngọt. Vợ chồng anh lái xe về Hà Nội truy vấn con tại sao lại phải đi làm thuê, anh chị coi như bị sỉ nhục. Cơn sốc của cha mẹ khiến cháu cũng sốc nặng, và cháu đã phản kháng bằng những bộc bạch như âm ỉ trong lòng nhiều năm ròng.
 
Sau này, gặp nhau, nghe anh kể câu chuyện này, tôi thấy anh hối hận thực sự, anh bảo, lúc đấy vợ chồng tôi mới nghe được lời nói thật từ con, còn bấy lâu nay hóa ra con chỉ âm thầm vâng dạ.
 
 
2. Có bao nhiêu đứa trẻ dám trải lòng với cha mẹ khi phải nhắm mắt chọn lối sống, nghề nghiệp theo sự sắp đặt của cha mẹ. Có bao nhiêu cha mẹ phải ăn năn khi những đứa con của mình không tìm thấy niềm vui sống, sự đam mê trong những công việc ngoài ước mơ và khả năng của chúng?
 
Trở lại câu chuyện từ gia đình anh Dũng ở Phú Lý (Hà Nam). Sau cú sốc, được nghe lời nói thật, thẳng thắn của đứa con gái út, anh chị mới “vỡ” ra nhiều điều, đã đánh mất thời gian và cơ hội sống chân thật, ý nghĩa của các con - những gì thật quý giá. 
 
Anh bày tỏ, cha mẹ buôn bán kinh doanh thuận lợi, hai cháu được bao bọc về vật chất, kiểm soát chặt chẽ các mối quan hệ. Hai cháu có rất ít bạn bè đến chơi nhà, có lẽ  các cháu cũng giấu diếm chuyện đến chơi nhà bạn, hàng xóm. Các cháu nghe lời như nghe lệnh, vợ chồng tôi thấy thỏa mãn và thuận mắt khi các con cúi đầu ngoan ngoãn. Cháu đầu đi du học là ý muốn và nỗ lực của vợ chồng cho bằng chị bằng em ngoài xã hội. Cháu đi 5 năm rồi, nhưng rất ít thư từ, chuyện trò cùng cha mẹ, những tâm sự dài cháu thường dành cho em gái. Bao công sức, tiền bạc cho con đi du học, bây giờ như cảm thấy chuẩn bị mất con đến nơi. Cháu gái út cũng vậy, nó nhút nhát và lạnh lùng; quả thật, nghe tin cháu đi làm thuê ở xưởng bánh ngọt, tôi sốc, tôi nghĩ sao nó phải đi kiếm tiền, trong khi bố mẹ không thiếu...
 
Anh nói trong nỗi ăn năn dài, lần đầu tôi được nghe anh nói thật, tôi tin anh chị sẽ khác, thời gian vẫn còn.
                                                                              
 Nhiều cha mẹ thời nay than phiền việc đề cao sự tôn trọng cá nhân của trẻ em khiến họ mất phương hướng, bối rối khi định hướng cho tương lai của con. Cái kì vọng “con hơn cha là nhà có phúc”, mong muốn con cái an nhàn, sung sướng là lẽ thường tình. Nhưng nhiều khi, tình thương, sự can dự của người lớn vô tình tạo nên chiếc vòng kim cô trói chặt ước mơ, năng lực thật sự và khát vọng được cống hiến của trẻ.

Sơn Thành/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...