THỨ NĂM, NGÀY 16 THÁNG 05 NĂM 2024 04:44

Con gà trong đời sống của người Tày

30/01/2017 | 12:15
 
 Con gà cũng có mặt trong mâm cỗ thầy cúng làm lễ báo cáo thổ địa ở nhà trai là giờ đây có thêm một cô con dâu mới. Ảnh: KT
 
Cáy nặm khinh
 
Phụ nữ người Tày sau khi sinh con, bao giờ người nhà cũng mổ một con gà trống tơ hầm với gừng và nghệ tươi cho ăn. Con “Cáy nặm khinh” (gà trống tơ) ấy phải là gà trống tơ khỏe mạnh, vóc dáng cân đối, đẹp mắt, có chiếc mào đỏ tươi, bộ lông màu vàng rực rỡ, hai cái chân cũng phải màu vàng... Người Tày quan niệm, phải ăn thịt con gà như thế thì đứa trẻ sau này mới khỏe mạnh, da dẻ sẽ mịn màng, hồng hào. Sau khi gà làm sạch, được chặt thành miếng nhỏ để hầm cùng với hai thứ gia vị là gừng tươi và nghệ tươi. Thịt gà hầm được ăn cùng với cơm nếp nấu nước nghệ vàng. Suốt một tháng, phụ nữ mới sinh sẽ phải ăn cơm nghệ với thịt gà trống tơ hầm, không được ăn thứ khác. Người ta cho rằng, thịt gà rất lành và có nhiều chất bổ, ăn như vậy, người mẹ sẽ nhanh chóng hồi sức, khỏe mạnh và có nhiều sữa cho con. Ăn như vậy sẽ giữ cho thân nhiệt người mẹ luôn luôn ấm áp, ổn định đường huyết, làm tan máu tụ cũng như mau lành các vết thương trong lúc sinh con. Chính vì thế, người Tày có phong tục “dương nặm khinh” (thăm gừng nghệ): Phụ nữ sinh con thì tất cả anh em họ hàng, người thân, bạn bè sẽ đến thăm và ai đến cũng đều mang biếu một con gà trống tơ cùng 2kg gạo nếp ngon.  
 
Cáy tắc
 
Trong gia đình nông dân người Tày, người lớn thường hay dành cho trẻ em một loại cây ăn quả hoặc một con vật nào đấy làm riêng để trẻ tự chăm sóc. Đó có thể là một cây ngô ở trong nương, một khóm mía trong bãi mía, một khóm lúa trong ruộng lúa, một con lợn trong đàn lợn con hoặc một con gà trong đàn gà con... Cũng có khi, cha mẹ cho trẻ hẳn một con nghé hay một con bê.
 
Con vật thông thường nhất mà đứa bé nào cũng có là một con gà con hoặc con vịt con. Hàng ngày, trẻ sẽ tự chăm sóc cây hay con vật của riêng mình. Kết quả của sản phẩm có thể được trẻ để dành làm của riêng cho mình hoặc cũng có thể để vào kho của gia đình tùy thuộc vào suy nghĩ của đứa trẻ.
 
 
Lễ vật được nhà trai chuẩn bị mang sang nhà gái bao giờ cũng có gà. Ảnh: KT
 
Cáy khoăn
 
Trẻ em người Tày đi chơi chẳng may bị trượt chân ngã xuống sông suối, rồi được vớt lên hoặc khi đi rừng gặp trăn rắn to, hổ báo lớn mà hoảng sợ chạy mất vía... thì nhất định bố mẹ, ông bà sẽ bắt một con gà bỏ vào trong một chiếc vợt xúc cá rồi đem ra bờ sông, suối hoặc bìa rừng - nơi đứa trẻ bị ngã, bị cho là mất vía ở đó, để gọi vía. Con gà để gọi vía tiếng Tày gọi là “cáy khoăn”. Người ta dùng một con gà to bằng nắm tay người lớn bỏ vào trong vợt xúc cá, nếu không có vợt xúc cá thì bỏ vào trong một chiếc túi vải chàm.
 
Người đi gọi vía cho con cháu của mình sẽ đem con gà đó đến nơi mà đứa bé bị trượt chân ngã hoặc bìa rừng nơi đứa bé gặp hổ báo, trăn rắn mà bị hoảng sợ để gọi vía. Đi đến nơi, người đó sẽ đứng nói mấy câu thầm thì trên môi để gọi vía trở về rồi giơ tay đưa vợt hoặc túi ra làm động tác vơ hồn vía bỏ vào trong vợt hoặc túi vải chàm có con gà rồi chạy vội về nhà. Trên đường về, người đó sẽ vừa vỗ về con gà vừa nói: “Về thôi hồn ơi... Về nhà mình thôi... Cháu... (tên đứa trẻ)... về với bố mẹ, ông bà thôi nhé...”. Khi về đến nhà, việc đầu tiên của người gọi vía là thả con gà vào trong chuồng và nói rằng: “Vía đã về nhà rồi và hãy ở nhà mãi mãi, hồn vía đừng đi lang thang nữa nhé...”. Người gọi hồn vía có thể nói thành vần điệu nghe rất du dương, êm ái...
 
Người Tày rất quan tâm đến việc đứa trẻ bị giật mình hoảng sợ trước những con thú dữ hoặc bị trượt ngã xuống sông, suối. Bởi họ cho rằng, những đứa trẻ bị như thế thì hồn vía của nó sẽ bay ra khỏi xác và đi lang thang, bị thất lạc, làm cho đứa trẻ hay bị ốm đau và có thể dẫn đến những mối nguy hại sau này. 
 
Để gọi được hồn vía đã bị thất lạc trở trở về thì phải có một con gà vía (cáy khoăn). Khi vía trở về, đứa trẻ sẽ luôn khỏe mạnh, không còn sợ bị ốm đau.
Cáy dẻng
 
Khi nhà có người vừa tắt thở, người ta bắt ngay một con gà to gần bằng nắm tay, không cắt tiết mà đập đầu nó vào cột nhà, cột sàn phơi hoặc chỗ nào đó để cho nó chết. Sau đó, người ta mới làm lông, kẹp vào mành tre nướng qua lửa cho khô cong rồi gá cả tấm mành có con gà vào bên trong một chiếc nón đem treo lên trên xà nhà phía bên trên chỗ người chết. Họ sẽ treo con gà như thế cho đến khi nào khâm liệm người chết xong xuôi thì hạ xuống, đặt dựa vào thành phía cuối quan tài. Ngày đưa quan tài đi chôn thì con gà khô kẹp mành tre ấy sẽ được đốt cùng một số đồ vật khác của người chết. Người ta cho rằng, con gà đó sẽ dẫn đường cho linh hồn người chết bay lên trên trời.
 
Cáy pài chiêng
 
Gà được sử dụng vào nhiều việc, nhưng quan trọng nhất vẫn là gà cúng Tết hay còn gọi là “cáy pài chiêng”. Gà cúng Tết của gia đình cũng giống như con gà của con rể thường mang đến biếu mẹ vợ, phải là con gà thiến béo và ngon nhất. Để có gà cúng Tết, mỗi năm, vào khoảng tháng tư Âm lịch thì người ta đã bắt đầu thiến gà. Các gia đình lựa những con gà trống choai mới bắt đầu tập đạp mái để thiến. Sau khi thiến, người ta lại thả nó theo đàn. Đến mùa thu mát mẻ, người ta mới lại bắt gà trống thiến nhốt vào lồng và chỉ cho ăn cơm nguội hoặc ngô bung. Gà sẽ ở trong lồng và phải ăn như thế cho đến Tết. Những con gà thiến được chăm sóc rất cẩn thận, chu đáo nên  chẳng mấy chốc chúng sẽ béo tròn. Đến khi đem mổ thì thịt của nó sẽ vừa mềm, vừa thơm. Sáng sớm mồng một Tết, các gia đình sẽ dậy thật sớm, bắt con gà thiến to nhất để làm thịt cúng tổ tiên. Người Tày quan niệm rằng, bữa cơm sáng mồng một Tết là bữa cơm quan trọng nhất trong năm mới, nên phải cúng các cụ tổ tiên những thứ ngon nhất, trong đó có thịt gà thiến. Sau khi cúng các cụ tổ tiên xong, cả gia đình phải ăn bữa cơm sáng mồng một Tết có món thịt gà thiến thật vui vẻ rồi mới được đi chơi hoặc đi chúc Tết...    
 

Dương Thuấn/Tạp chí GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...