CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 03:39

Cúi chào và lòng thân thiện

31/10/2017 | 09:46
 
Trong cơn bào lũ. Ảnh: Trương Ngọc Minh
 
1. Những hình ảnh đẹp nhất về môi trường học đường trong thời gian qua phải kể đến clip học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cúi chào bác bảo vệ trước cổng trường trước giờ vào học. Hình ảnh chân thật do một phụ huynh quay đã được chia sẻ trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt với những lời khen ngợi, những niềm vui về lễ nghĩa của học sinh ngôi trường chuyên nổi tiếng ở TP.HCM.
 
Không chỉ “lời chào cao hơn mâm cỗ”, các em được nuôi dưỡng bằng lòng thân thiện, yêu thương, lễ phép. Những thứ ấy chẳng làm người ta giàu có lên về vật chất, nhưng lại khiến họ bồi đắp lên về hạnh phúc. Niềm vui bình dị khi đón nhận cái cúi chào của các em cho bác bảo vệ niềm hạnh phúc trong công việc hàng ngày của mình.
 
 Đã nhiều năm nay, không kể trời nắng, trời mưa, cứ đúng giờ, bác Lũy lại có mặt trước cổng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đảm bảo an toàn trước trường học. Ngoài ra, bác còn làm nhiệm vụ của người Tổ phó Tổ dân phố khu vực này. 
 
Vóc dáng khá nhỏ, lại lớn tuổi nên vẻ ngoài bác Lũy không phải là hình ảnh một người làm nhiệm vụ khá vất vả này. Thế nhưng, người đối diện hay học sinh đều sẽ ấn tượng ở bác vì sự tận tụy với công việc, với nụ cười hiền lành, kể cả những lúc không che được sự mệt mỏi vì tuổi tác, vì thời tiết mưa, nắng.
 
Bác Lũy khẳng định, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong rất lễ phép, gặp người lớn là các cháu chào hỏi chứ không riêng gì mình. Nhiều cháu và cả phụ huynh hay giáo viên có khi còn biếu bác gói bánh, ly nước... làm bác thấy ấm lòng vô cùng.
 
Khi học sinh đến giờ vào lớp, cánh cổng trường khép lại là bác Lũy cũng xong công việc ở đây để chuyển sang làm nhiệm vụ ở vị trí khác. Công việc mang lại thêm một nguồn thu nhập, để bác và vợ có thêm khoản nhỏ chi tiêu, nhưng hơn hết là bác được tiếp xúc, được gặp gỡ với nhiều người, nhất là các em học sinh.
 
Được biết, từ hồi trẻ, bác Nguyễn Văn Lũy đã được mệnh danh là “hiệp sĩ” trực tiếp bắt rất nhiều kẻ cướp giật. Báo chí hồi đó đăng tải bài viết về bác ở gương người tốt việc tốt. Có lần bác bị gãy tay, phải nhập viện vì đuổi bắt cướp. Rồi khi đảm nhiệm công việc trật tự, bác cũng từng ngăn chặn rất nhiều kẻ xấu trà trộn trước cổng trường, vào trường học để trộm cắp, móc túi.
 
Nhiều năm nay, bác Lũy bảo vệ trước cổng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong  và được thành phố tuyên dương gương Người tốt việc tốt. Bác Lũy hóm hỉnh, mình cũng như các em học sinh, bằng khen, giấy khen, tuyên dương nhiều lắm... Nhưng niềm vui lớn nhất, bác Lũy nói, chính là nhìn thấy các em học sinh an toàn đến trường, thấy các em lễ phép, học tốt, chín chắn.
 
Sau hình ảnh đẹp đó, những tấm hình và câu chuyên về hai thầy giáo hiệu trưởng ở Hà Nội và TP. HCM khiến mọi người xúc động. Các thầy cúi chào học trò trước cổng trường khi các em tới lớp, lúc tan học.
 
Được biết, hàng ngày, các thầy thường đến trường rất sớm, bởi lẽ thầy muốn chào đón phụ huynh, học sinh vào buổi sớm bằng một nụ cười để bắt đầu ngày mới với niềm vui nhỏ, được trải nghiệm nhiều cảm xúc từ những câu chuyện trước cổng trường. Hơn nữa, thầy muốn truyền cho học sinh của mình thông điệp gắn kết, chào nhau, niềm nở với nhau để cuộc sống có thêm những niềm vui.
 
Hành động của các thầy khiến các em thấy rất thoải mái và thân thiện mỗi khi đến trường. Dù là người đứng đầu nhà trường, nhưng những hành động của các thầy đã thu hẹp khoảng cách thầy trò. Các em cảm thấy cách quan tâm của các thầy giống như cách bố mẹ vẫn dặn dò, quan tâm mỗi ngày.
 
Bằng những hành động và cử chỉ cụ thể để xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, các thầy khiến mỗi học sinh đều muốn đến trường, khiến các em tìm thấy niềm vui trong học tập, trong cuộc sống khi được chia sẻ, sống trong yêu thương của bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.
 
 
Học sinh cúi chòa bác bảo vệ. Ảnh: KT
 
2. Trong từng thời khắc của cuộc sống bon chen danh lợi đều có cái xấu bủa vây, nhiều khi con người tưởng chừng phải vẫy vùng trong yếu ớt, tuyệt vọng. Những điều thiện lương trong cuộc sống, như niềm tin cứu rỗi, như niềm hy vọng nảy nở và lan tỏa trong cộng đồng.
 
Những ngày bão lụt, hình ảnh cứu hộ xúc động trên các kênh nghe nhìn khiến  người xem tuy không trực tiếp ở hiện trường, nhưng ai cũng thấy ấm lòng trước cảnh các lực lượng nhiệt tâm cõng cụ già, em thơ ra khỏi vùng nguy hiểm. Những bàn tay nắm lấy những bàn tay, vai kề vai gánh gồng vận chuyển hàng cứu trợ, hết mình và lặng lẽ.
 
Sự bày tỏ yêu thương không có tuổi, không chỉ dành cho người sang giàu hay người nghèo khổ. Một lần cúi chào, đưa bàn tay thân thiện làm cho cuộc sống gần gũi và ấm áp hơn lên.
 
Giáo dục tốt nhất về lòng thân thiện chính là tự bồi đắp để lan tỏa. Mình thế nào thì học trò, con em mình thế ấy. May mắn cho văn hóa truyền thống nước mình, trong lĩnh vực đạo đức, là cả dân tộc cùng chung một niềm tin căn bản: tin ở phúc đức. Trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, ai cũng thầm nói trong lòng, ăn ở thế nào cho phúc đức. Không hẳn là phúc đức cho mình, mà là phúc đức cho con cháu, cho thế hệ sau.
                                                                     
Trong mọi thời khắc của cuộc sống bon chen danh lợi đều có cái xấu bủa vây, nhiều khi con người tưởng chừng phải vẫy vùng trong yếu ớt, tuyệt vọng. Những điều thiện lương trong cuộc sống, như niềm tin cứu rỗi, như hy vọng nảy nở và lan tỏa trong cộng đồng. 

Hồng Lĩnh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...