THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 02:26

Cưỡng chế! Tránh được không?

09/11/2018 | 14:46
 
Sóc Sơn (Hà Nội) trước “cơn bão” cưỡng chế
 
Việc rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (Hà Nội) bị “xẻ thịt” để xây dựng những ngôi nhà khang trang đã gây bức xúc trong dư luận từ lâu. Các cơ quan chức năng đã từng thanh tra và ra quyết định bắt chủ nhân các công trình sai phạm phải tháo dỡ từ cả chục năm trước. Tuy nhiên, các quyết định đấy chỉ dừng lại trên giấy tờ và các trang báo. Chủ nhân của các công trình xây dựng này là những người có “máu mặt”, họ có nhiều biện pháp để tồn tại.
 
Song, bước vào tháng 10/2018, tình hình đã có khác, chính quyền Hà Nội tỏ rõ quyết tâm hơn. Tại cuộc họp chiều 30/10, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo trong tháng 12, huyện Sóc Sơn phải cưỡng chế 27 công trình vi phạm trên đất rừng phòng hộ, không để công trình vi phạm mới nào xuất hiện. Cũng ngay trong ngày 30/10, UBND huyện Sóc Sơn đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch xã Minh Phú, để phục vụ quá trình thanh tra sai phạm trên đất rừng phòng hộ ở địa phương. 
 
Ngay sau đó, bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn cho biết, hiện tại huyện đã phê duyệt kế hoạch cưỡng chế 18 công trình sai phạm ở xã Minh Phú. Bà Huyền nói rõ: “Xã báo cáo lên có 3 hộ đang tự động tháo dỡ, còn 15 hộ thanh tra xây dựng huyện đang đốc thúc chính quyền địa phương vận động người dân. Trong tháng 11, nếu các công trình không được tháo dỡ, huyện sẽ cưỡng chế”.
 
Như vậy, Hà Nội dùng các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát để lập lại trật tự trên đất rừng phòng hộ. Chữ “cưỡng chế” được lặp đi, lặp lại nhiều lần chứng tỏ quyết tâm của chính quyền. Giới quan sát đang hồi hộp theo dõi những công trình của những người nổi tiếng như nhà của ca sĩ Mỹ Linh, Việt Phủ của họa sĩ Thành Chương sẽ có số phận như thế nào?
 

 
 Nhiều biệt thự lộng lẫy ngang nhiên mọc lên trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn – Hà Nội thời gian gần đây.
Ảnh: Internet 
             
Cưỡng chế là biện pháp cuối cùng?
 
Ai cũng biết khi đã phải dùng đến cưỡng chế là tình hình rất căng thẳng rồi, bởi vì  cưỡng chế là biện pháp bắt buộc cá nhân hay tổ chức phải thực hiện một nghĩa vụ, trách nhiệm theo quyết định đã có hiệu lực của một cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Chữ “bắt buộc” ở đây nói lên tính quyết liệt của nó; khi cưỡng chế, người ta dùng tất cả các biện pháp, kể cả sức mạnh để đạt được mục đích. Và như vậy, bạo lực có thể xảy ra. 
 
Dư luận chắc chưa quên những vụ cưỡng chế “nổi tiếng” ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), ở Văn Giang (Hưng Yên). Ở đây đã có sự đổ máu, có quan chức bị cách chức, có người phải vào tù; thậm chí nhà báo cũng bị vạ lây… Nói như vậy để thấy cưỡng chế gần như là biện pháp cuối cùng - biện pháp này thường gây nên những căng thẳng nhất định, nhiều tài sản sẽ bị hư hỏng. Vụ cưỡng chế mới đây nhất diễn ra tại phố Phan Kế Bính (Ba Đình, Hà Nội) cho thấy, chỉ sau một thời gian ngắn, những công trình xây dựng đẹp đẽ, những đồ dùng xinh xắn bị máy xúc, máy ủi biến thành phế liệu. Mà chủ nhân của những công trình này còn phải trả tiền cho những người tiến hành cưỡng chế.
 
Như vậy, biện pháp cưỡng chế ít mang lại điều gì tốt đẹp, ngoại trừ chính quyền đạt được mục đích của mình là giải tỏa những công trình xây dựng trái phép. Cũng là giải tỏa nhưng nếu chủ nhân của các công trình bị giải tỏa tự mình tháo dỡ thì mọi thứ tốt đẹp hơn nhiều. Ví dụ, những công trình xây dựng trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) cũng được khuyến cáo là phải giải tỏa. Một số chủ nhân của những công trình này là những người nổi tiếng, nhưng họ đã tự tháo dỡ một cách êm thấm. Ở đây không cần đến biện pháp cưỡng chế.
 

 
 Biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh được cho là xây dựng trên đất rừng phòng hộ gây bức xúc dư luận. Ảnh: Internet
 
Liệu Sóc Sơn có tránh được cưỡng chế?
 
Không phải tới bây giờ người ta mới phát hiện ra những sai phạm ở Sóc Sơn. Ngay từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm trong việc sử dụng đất rừng tại lâm trường Sóc Sơn và 9 xã. Thống kê chỉ ra rằng, có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11ha. Trong số này, gần 80 nhà kiên cố, nhà sàn; 26 trang trại, xưởng sản xuất. Đáng ra, mọi chuyện vi phạm đã được giải quyết ngay sau đó, nhưng sự việc đã không được giải quyết, kéo dài tới tận hôm nay và đang gây căng thẳng.
 
Chủ nhân của các công trình sai phạm ở Sóc Sơn đang được vận động tự tháo dỡ trong tháng 11, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. Như vậy, Sóc Sơn vẫn còn cơ hội tránh cưỡng chế, nghĩa là tránh được việc dùng máy ủi, máy xúc để san phẳng những công trình xây dựng sang trọng, đẹp đẽ. Trước mắt, 18 hộ vi phạm (trong đó có 2 hộ người lâm trường, còn lại là người từ Hà Nội và các tỉnh mua đất xây nhà ở đây) phải tự tháo dỡ trong tháng 11/2018 hay bị cưỡng chế ngay sau đó.
 
Thực tế cho hay: Tất cả những người không thực hiện quyết định của chính quyền, bị cưỡng chế đều “thiệt đơn, thiệt kép”. Đó là, ngoài việc công trình xây dựng bị hủy hoại, còn phải chi trả tiền cho việc hủy hoại đó. Hơn nữa, còn có sự mất mát vô hình rất lớn nữa là mang tiếng không tuân thủ pháp luật. Còn về phía chính quyền, dù đạt mục đích là giải tỏa được các công trình sai phạm nhưng cũng tạo nên những hình ảnh khá phản cảm là đập phá các công trình đẹp đẽ. Cái được nhất trong chuyện này là người dân thấy luật pháp đã được thực thi. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quản lý, điều hành hoạt động hành chính của các cơ quan Nhà nước.
 
Song, dẫu sao thì chúng ta cũng thấy rằng, nếu tránh được cưỡng chế là điều nhiều người mong muốn nhất. Để làm được việc này, cần có thái độ xây dựng của tất cả các bên, cả chính quyền lẫn người dân. Điều quan trọng nhất là mọi người nhận thức được là ngoài việc đúng về pháp lý, cũng cần hợp tình. Đây là chìa khóa giải tỏa mọi căng thẳng trong xã hội.
 
                                              
                                        Cần cương quyết ngay từ đầu!

Hầu hết các vụ việc phải dùng đến biện pháp cưỡng chế là do các cơ quan chức năng không cương quyết giải quyết triệt để ngay từ đầu.

Cưỡng chế là một biện pháp mạnh, biện pháp hành động cương quyết để thực thi một quyết định dựa trên nền tảng pháp lý. Những người bị cưỡng chế thường là được cảnh báo, nhắc nhở trong quá trình thực hiện những hành động vi phạm của mình. Ví dụ, nhiều công trình xây dựng không phép, quá phép đã được cảnh báo trước, nhưng họ vẫn phớt lờ, vẫn vi phạm để cuối cùng tạo ra tình thế vô cùng khó xử. Minh chứng rõ nhất là “cắt gọt” những phần xây dựng quá phép. Rất nhiều người thấy xót xa trước việc ngôi nhà ở 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) bị để “hoang hóa” trong nhiều năm vì người ta chưa thể hoàn tất việc “cắt gọt” theo yêu cầu.

Cần phải thấy rằng, trước đây, những đội kiểm tra, thanh tra phát hiện vi phạm thường xử lý theo cách đã được gọi tên “phạt cho tồn tại” - nghĩa là người vi phạm chỉ bị phạt một số tiền nào đấy, còn công trình vi phạm thì vẫn được tồn tại để sử dụng. Việc này được thực hiện rộng rãi trong nhiều năm nên khiến người dân vẫn hi vọng mình được xử lý theo cách đó. Bây giờ, chính quyền và các cơ quan chức năng xử lý cương quyết nên gây ra căng thẳng.

Kinh nghiệm cho hay: Để tránh lãng phí và căng thẳng, các cơ quan chức năng cần thực thi quy chế, pháp luật cương quyết ngay từ đầu. Mà các cơ quan chức năng sinh ra để làm như vậy. Mong đừng ai quên chức năng, nhiệm vụ của mình.

                                                                                Trọng Đàm

 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...