THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 10:26

Đảo Ngư - Vững chãi, bình yên…

18/06/2019 | 16:13
 
Đảo Ngư nhìn từ đất liền.
                        
Đảo Ngư - Hòn đảo gần đất liền và thân thiện bậc nhất
 
Đảo Ngư nằm cách bờ chỉ hơn 4km, diện tích cũng khá khiêm tốn là chỉ 2,5km2 với hai đỉnh nhô lên; đỉnh lớn cao 133m, đỉnh nhỏ cao 88m so với mặt nước biển. Tuy vậy, vì đảo ở gần bờ nên mọi người vẫn thấy đây là hòn đảo hùng dũng, uy nghiêm, che chắn một cách đáng tin cậy cho bãi tắm Cửa Lò. Đảo có hình dáng giống hai con cá khổng lồ nên dân ở đây thường gọi là đảo Song Ngư, nghĩa là hai con cá nằm bên nhau.
 
Trên đảo có rất nhiều cây xanh tươi tốt và nhiều loài động vật hoang dã như chồn, kỳ đà, dê, khỉ… Đương nhiên, là đảo nên ở đây có rất nhiều loại hải sản quý, đặc biệt là các loài tôm, cá, ốc... Mỗi lần đặt chân lên đảo là một lần được trải nghiệm những cảm giác thú vị và thân thiện. Đảo hiện chưa có dân cư nhưng ở đây có những người lính tinh anh, thân thiện, vui tính.
 
Trên đảo có một ngôi chùa cổ có tên là chùa Song Ngư; chùa được xây dựng từ thời Trần và mới được trùng tu rất khang trang. Đây là chùa thờ Phật, đồng thời thờ những người có công giữ biển, giữ đất, trong đó có tướng quân Hoàng Tá Thốn - người có công lập nên vùng đất Cửa Lò. Chùa linh thiêng nằm trên tuyến đường biển nối liền Bắc - Trung - Nam, nên từ xa xưa, các nhà buôn và ngư dân khi đi qua đây đều vào chùa dâng hương cầu xin thuận buồm xuôi gió. Những ngày gió bão, bãi Chùa còn gọi là nơi trú ngụ của tàu thuyền từ xa tới. Phía trước chùa là có  2 cây lộc vừng cổ thụ ước chừng 600 năm tuổi. Ở chính giữa sân chùa là giếng Ngọc. Nguồn nước vừa ngọt vừa mát, chuyên dùng để nấu rượu Song Ngư ngon nổi tiếng.
 
Trước đây, đảo Ngư là một đảo quân sự thuần túy nhưng nay dần dần được chuyển để làm du lịch. Nhiều du khách đã đặt chân tới đây, thích thú khi nhìn ngắm những bãi sỏi trải dài hàng km. Du khách có thể giao lưu với lính đảo, thưởng thức đặc sản nơi này để tạo nên không khí vui tươi, thân thiện.

 
Tàu du lịch đưa du khách ra đảo Ngư.
 
Hào hùng truyền thống đảo Ngư
 
Ngay từ những năm 1930 – 1931 - Thời kỳ Xô Viết - Nghệ Tĩnh, đảo Ngư đã là căn cứ bí mật của các chiến sĩ cách mạng. Năm 1958, một đơn vị hải quân thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam được điều ra đảo cùng cán bộ Trạm khí tượng Thủy văn. Họ có nhiệm vụ bảo vệ đảo và cung cấp số liệu thời tiết cho tàu thuyền ra vào an toàn. Đến năm 1963, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị Quân khu 4 thành lập đơn vị đảo Ngư có tên gọi là Đại đội hỗn hợp 33 Đảo Ngư. 
 
Trong thời chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, Đảo Ngư đã chiến đấu gan dạ, mưu trí, dũng cảm, lập nên nhiều chiến công. Cụ thể, bộ đội đảo Ngư đã đập tan 26 lần biệt kích xâm nhập vào đảo và các xã ven biển, bắn hạ 11 báy bay, hàng trăm chiếc khác bị thương; bắn cháy, bắn chìm 9 tàu chiến của địch. Với những chiến công to lớn đó, đại đội hỗn hợp 33 đảo Ngư đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng “Cờ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ” năm 1969, được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/12/1973.
 
Cuộc chiến nào cũng có có mất mát, hy sinh. Trên đảo có Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công để ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ đã hi sinh trong chiến tranh. Họ ra đi khi còn rất trẻ để đảo có sức sống mãnh liệt, hiên ngang, vững vàng trong bão tố. Ở đây luôn có hương khói và những lời cầu nguyện của du khách cho các anh hùng liệt sĩ.
 
Đảo Ngư ngày nay: Thanh bình, vững chãi, hiên ngang
 
Nói đến biển đảo, chúng ta nghĩ ngay tới vị trí tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc. Đảo Ngư là một vị trí như vậy, luôn luôn có những người lính đảo canh giữ biển trời. Hiện nay, ở trên đảo có một đơn vị bộ đội đóng quân. Những người lính đảo trẻ trung nhưng đã dạn dày sóng gió. Các anh hiểu rõ nhiệm vụ của mình: Bảo vệ an ninh vùng trời, vùng biển nơi này và hỗ trợ địa phương làm du lịch. Ngoài ra, các anh còn tiếp những đoàn khách là cựu chiến binh, nhà báo, học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về truyền thống của đảo.
 
Điều kiện sinh hoạt ngoài đảo đương nhiên là không bằng trong đất liền, nhưng tinh thần lạc quan, hào sảng của lính đảo thì chẳng hề thua kém bất cứ nơi nào. Họ lại còn hiếu khách nữa chứ! Họ có nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau để tăng gia và… đãi khách. Đây là thực phẩm sạch nên ai cũng mê. Tuy nhiên, những giờ phút vui vẻ, ấm cúng, đầy đủ trong một năm diễn ra không nhiều. Đối diện với cuộc sống hàng ngày là thiếu thốn về cơ sở vật chất như thiếu điện, thiếu nước ngọt; bão gió, tố lốc luôn luôn rình rập. Rồi thời tiết nơi này cũng khắc nghiệt, mùa đông rét run người, mùa hè nóng cháy da… Nhưng những khó khăn đó không làm sờn ý chí của người lính đảo. Họ vẫn vui vẻ và mải miết làm tốt nhiệm vụ của mình, làm cho đảo Ngư luôn luôn vững chãi, hiên ngang trước sóng gió, che chắn cho bãi tắm và cả thị xã Cửa Lò. Nếu ai đã từng được giao lưu với lính đảo, cảm giác yên tâm sẽ ngự trị trong lòng.
 
Trong tương lai không xa, đảo Ngư sẽ gắn liền với sự phát triển khu đô thị biển Cửa Lò - Cửa Hội - Xuân Thành. Đất nước vươn mình trong sự chở che và gắn kết với biển đảo.

Hồ Quỳnh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...