THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 01:06

Dấu ấn của GS.KTS Ngô Huy Quỳnh trong kiến trúc Việt Nam hiện đại

15/06/2020 | 15:00
 
Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thuộc những thế hệ đầu tiên của Hội kiến trúc sư Việt Nam, tốt nghiệp khoa Kiến trúc khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1943.
 
KTS Ngô Huy Quỳnh (đứng, thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng Hồ Chủ Tịch và các các cán bộ tại Chiến khu Việt Bắc.
 
Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã thể hiện tinh thần cách mạng và lòng yêu nước cháy bỏng. Sống trong chế độ thực dân phong kiến, ông luôn tìm mọi cách để bày tỏ tiếng nói của một trí thức trẻ và đã may mắn gặp được các nhà cách mạng tên tuổi như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long để tìm hiểu về các hoạt động cách mạng và chịu ảnh hưởng sâu sắc về con đường giải phóng dân tộc.
 
Ở tuổi 25, kiến trúc sư trẻ Ngô Huy Quỳnh đã được tin tưởng giao thiết kế và thi công Lễ đài Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Đó cũng là công trình có ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghề nghiệp, mà như lời ông kể sau này: “Có mặt dưới Lễ đài trong giờ phút lịch sử, những gì đang diễn ra đã gieo vào tình cảm thanh niên 25 tuổi của tôi một sức mạnh thầm lặng mà bền bỉ, tin tưởng vào sức vươn lên của cuộc sống và nền văn hóa dân tộc”.
 
Sau ngày Độc lập, ông được kết nạp Đảng và tham gia Ban Chấp hành Cứu quốc Hội Hà Nội, làm Chủ nhiệm Báo Kiến thiết của Hội. 
 
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, ông tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô rồi lên Chiến khu Việt Bắc. Tại đây, chỉ với nguyên liệu là tre, nứa, lá, gỗ, ông đã thiết kế và cho xây dựng nhiều công trình phục vụ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 và nhiều công trình dân sinh. 
 
Cũng chính tại nơi đây, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng 3 kiến trúc sư khác sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay. 


Vợ chồng KTS Ngô Huy Quỳnh.
 
Không chỉ giỏi về kiến trúc, ông còn là một họa sĩ đầy tài năng với hàng trăm bức tranh, được vẽ trên mọi nẻo đường đất nước. Ngay khi còn là sinh viên kiến trúc, nhiều bức tranh của ông được giới chuyên môn đánh giá cao (và được bán với số tiền lớn), đã khiến ông phải trăn trở, cân nhắc lựa chọn nên theo đuổi hội họa hay kiến trúc? Giai đoạn đó, nếu là thời bình, có thể ông sẽ chọn hội họa và chắc chắn đứng vào hàng ngũ những danh họa hàng đầu Việt Nam. Nhưng khi đất nước vừa giành được độc lập, vẫn còn cảnh thù trong giặc ngoài, công cuộc kiến thiết mới bắt đầu thì “một kiến trúc sư sẽ làm được nhiều việc hơn và thích hợp với hoàn cảnh nước nhà khi bắt đầu kiến thiết… " - Đó là những suy nghĩ được ghi lại trong nhật ký của ông. 
 
Trở về Việt Nam sau khi được Nhà nước gửi sang Liên Xô đào tạo, ông giữ nhiều cương vị công tác và trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng. Ông là tác giả của nhiều đồ án quy hoạch, công trình kiến trúc, công trình nghiên cứu. Có thể kể tới như: Đồ án quy hoạch Hà Nội, đồ án quy hoạch Quảng trường Ba Đình, đồ án quy hoạch Nhà Quốc hội ở khu Quần Ngựa, thiết kế phương án Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lập quy hoạch thành phố Khang Khay của Lào, quy hoạch khu tập thể Kim Liên…
 
Giữa bao bề bộn của công cuộc tái thiết đất nước, GS.KTS Ngô Huy Quỳnh vẫn luôn hướng về công tác đào tạo những thế hệ kiến trúc sư tương lai cho đất nước. Năm 1956, bằng những kinh nghiệm tích luỹ, ông tự soạn thảo giáo án, trực tiếp tuyển sinh lớp Kiến trúc nhập môn và Lịch sử kiến trúc. Đó chính là lớp kiến trúc đầu tiên gồm 26 sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau này là Trường Đại học Kiến trúc, nơi ông trực tiếp giảng dạy và đào tạo ra nhiều thế hệ kiến trúc sư tài năng cho Việt Nam và cả nước bạn Angola. Ông cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Kiến trúc, sau khi được thành lập vào năm 1983.


Chân dung vợ KTS Ngô Huy Quỳnh. 
 

 Với kiến thức yên thâm, sâu rộng, GS.KTS Ngô Huy Quỳnh để lại dấu ấn đậm nét qua hàng trăm bài báo, mang tính nghiên cứu, lý luận về tính dân tộc trong kiến trúc và quản lý đô thị nông thôn, thiết kế nhà ở truyền thống, nhà của các đồng bào dân tộc… Những cuốn sách của ông trở thành sách gối đầu giường của nhiều thế hệ sinh viên kiến trúc như: Quy hoạch, cải tạo và xây dựng đô thị, Xây dựng bằng vật liệu tại chỗ vùng dân tộc ít người, Hình thức kiến trúc cổ điển thế giới, Lịch sử kiến trúc Việt Nam, Kiến trúc dưới góc độ mỹ học, Kiến trúc cổ đại châu Á, Lịch sử kiến trúc Việt Nam - Lào, Kiến trúc nông thôn Việt Nam… Riêng bộ sách Lịch sử kiến trúc Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá cao, giúp ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.

Hơn 80 năm cuộc đời và 60 năm nghề nghiệp, GS.KTS Ngô Huy Quỳnh đã cống hiến không mệt mỏi cho nền kiến trúc Việt Nam. Nhớ tới ông là nhớ tới một con người với nhân cách lớn, một kiến trúc sư giàu nhiệt huyết và đam mê với nghề, một trí thức dấn thân với cách mạng và đất nước, một nhà quản lý tài năng, một nhà nghiên cứu uyên bác, một nhà giáo tận tụy, một nghệ sĩ đa tài… Những đóng góp của ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật… Tên ông đã được đặt cho một con đường ở quận Long Biên, Hà Nội từ năm 2019. Lịch sử kiến trúc Việt Nam mãi ghi khắc tên ông như một vì sao sáng chói! 

 Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.KTS Ngô Huy Quỳnh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và gia đình đã giới thiệu, cho ra mắt cuốn sách “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh”. Cuốn sách được coi như biên niên sử cuộc đời của ông, với nhiều hồi ức và kỷ niệm không thể nào quên. Cùng với những trang viết về cuộc đời kiến trúc sư, là những tác phẩm hội họa của ông mà gia đình vẫn trân trọng gìn giữ.
 

Nguyễn Xuân Quang/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...