THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 09:05

Dấu hiệu trẻ chậm nói và biện pháp khắc phục

06/12/2021 | 09:40
Trẻ chậm nói sẽ phát âm không chuẩn, thậm chí nói líu lưỡi, nói ngọng, là điều khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Có những bệnh lý có thể khiến trẻ chậm nói. Nếu không được can thiệp và giúp đỡ sớm, trẻ chậm nói dễ gặp phải nhiều nguy cơ cho tương lai, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Chậm phát triển ngôn ngữ là khi ngôn ngữ của trẻ phát triển theo đúng trình tự, nhưng tốc độ chậm hơn. Chậm nói đơn thuần đôi khi chỉ mang tính tạm thời và có thể mất đi nhờ sự trợ giúp của gia đình. Cha mẹ cần động viên trẻ “nói” bằng cử chỉ hoặc âm thanh, dành nhiều thời gian chơi với con, đọc sách và nói chuyện với bé. Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ cũng có thể là biểu hiện của bệnh khó học, thường chỉ được chẩn đoán khi trẻ đi học. Trong một số trường hợp, trẻ có thể cần thêm sự trợ giúp của các chuyên gia.

Trẻ nghe kém cũng ảnh hưởng đến khả năng nói. Ảnh mang tính minh hoạ - K. Thi

Trẻ nghe kém cũng ảnh hưởng đến khả năng nói. Ảnh mang tính minh hoạ - K. Thi

Đôi khi, chậm nói lại có thể là dấu hiệu báo động cho những rắc rối nghiêm trọng hơn. Theo PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng - Trường Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân, trong đó căn bệnh tự kỷ cũng khiến trẻ chậm nói. Do vậy bố mẹ cần phát hiện sớm để can thiệp kịp thời, cũng như điều trị sớm nhất có thể. Bởi hội chứng tự kỷ là hội chứng suốt đời, gây ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của trẻ về sau.

Một số dấu hiệu chỉ báo ở trẻ chậm nói có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ:

7 tháng tuổi: Trẻ vẫn không đáp ứng với tiếng động mạnh

12 tháng tuổi:

Trẻ không tìm cách giao tiếp với người khác, kể cả khi cần giúp đỡ hay muốn điều gì đó, cũng không quan tâm đến thế giới xung quanh.

Không bi bô, không biết nói một từ nào, chẳng hạn “mẹ” hay “ba”.

Không biết làm các động tác như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay.

Không phản ứng khi được gọi tên.

24 tháng:

Vốn từ tăng chậm, chưa nói nổi 15 từ. Trẻ không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác, cũng nói được những cuộc hội thoại đơn giản, với các câu gồm 2 từ trở lên.

Không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài hơn

Không dùng lời nói để giao tiếp, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.

Không biết bắt chước hành động hay lời nói của người khác.

Khi biết chơi. Khi xem sách, bé không thể chỉ vào một bức tranh mà bạn gọi tên.

3 tuổi:

Không sử dụng đại từ nhân xưng nào (con, mẹ).

Không thể ghép các từ thành câu ngắn , không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn

Lời nói rất không rõ ràng, khiến người trong gia đình và người ngoài đều không hiểu, Vẫn thường xuyên lắp bắp (rất khó phát ra âm thanh hay từ ngữ), khi nói vẻ mặt bé nhăn nhó.

Ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện, Không đặt câu hỏi.

Những bệnh lý có thể khiến trẻ chậm nói

Theo PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng - Trường Đại học Y Hà Nội, những bệnh lý sau có thể khiến trẻ chậm nói:

Do khiếm khuyết ở vòm miệng

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cấu trúc giải phẫu hệ phát âm. Trẻ bị khiếm khuyết về răng miệng, lưỡi hoặc vòm miệng như: hở hàm ếch, hở môi, dính thắng lưới, phanh lưỡi ngắn (nếp gấp bên dưới lưỡi)… là những bệnh lý có thể khiến trẻ chậm nói

Do bệnh lý về não và thần kinh

Hệ thần kinh không hoàn thiện khu vực của bộ não chịu trách nhiệm về phát âm: bại não, khó khăn khi vận động cơ miệng. Khó phối hợp môi, lưỡi và hàm để tạo ra âm thanh, lời nói.

Chấn thương sọ não, cũng gây ảnh hưởng đến vùng não đảm nhận khả năng nói và tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ.

Trẻ chậm nói do có vấn đề về thính lực

Những vấn đề về thính lực như khả năng nghe kém do bẩm sinh, do mắc phải (viêm nhiễm, sử dụng một số thuốc gây độc thần kinh, chấn thương…).

Khi thấy trẻ có những biểu hiện như: Nghe kém, phản ứng chậm, kém tập trung, cha mẹ nên cho trẻ đi khám tai – mũi - họng ở các sơ sở y tế uy tín để được can thiệp sớm.

Trẻ chậm nói do sang chấn tâm lý

Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm, khi gặp phải những chấn động tâm lý tiêu cực. Nếu trẻ không được động viên đúng cách, trẻ sẽ dần rơi vào trạng thái tự cô lập, thu mình và ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Chính điều này, khiến tình trạng chậm nói của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trẻ sinh non

Chậm nói thường xảy ra nhiều hơn so với những trẻ sinh non, trẻ sinh trước 37 tuần tuổi hoặc có cân nặng dưới 2,5kg thường có nguy cơ cao, do một số chức năng của não bộ chưa được hoàn thiện. Trẻ thường tiếp nhận, xử lý âm thanh và biểu đạt ngôn ngữ kém.

Trẻ chậm nói do tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử

Nghiên cứu chỉ ra rằng, não bộ của trẻ tiếp thu sóng từ các thiết bị điện tử cao gấp 2 lần so với người trưởng thành. Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với các loại thiết bị điện tử có nguy cơ gặp các rối loạn như chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý… do trẻ ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ít giao tiếp nên không học hỏi được các kỹ năng cần thiết.

Sự quan tâm không đúng cách từ gia đình

Công nghiệp hoá phát triển, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có những hệ lụy của nó. Sự gắn kết trong gia đình thường giảm đi, do đó sự quan tâm chăm sóc với trẻ cũng giảm, dẫn đến việc bố mẹ ít khi hiểu được tâm tư của trẻ. Từ đó đưa ra những nhận định và sự quan tâm không phù hợp với nhu cầu của từng trẻ.

Trẻ chậm nói có nghĩa là khả năng ngôn ngữ của trẻ chậm hơn so với các mốc phát triển ngôn ngữ thông thường. Có đến khoảng 20% trẻ em chậm nói hoặc sử dụng từ ngữ chậm hơn so với các bạn cùng lứa. Một số bé thậm chí còn có biểu hiện rối loạn hành vi do nổi cáu vì không có khả năng thể hiện điều mình muốn nói.

PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào tư vấn, để cải thiện tình trạng trẻ chậm nói cần một khoảng thời gian nhất định, kiên nhẫn, dạy bảo từ từ từng bước một, không nên vội vã, gây áp lực cho trẻ. Các bậc cha mẹ nên tham khảo những kinh nghiệm dạy con chậm nói đã có trước đó, để việc can thiệp đạt kết quả tốt hơn.

Hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa để xác định nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Trong trường hợp trẻ cần phải can thiệp, tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi bắt đầu là cách tốt nhất để giúp con học nói.

Một số lời khuyên dành cho cha mẹ khi dạy trẻ chậm nói

Chủ động nói chuyện với trẻ nhiều hơn

Việc chủ động nói chuyện với trẻ mọi lúc mọi nơi là cách tốt nhất để cải thiện khả năng nói của trẻ. Đối với trẻ trong giai đoạn tập nói, trong thời gian trẻ “hóng chuyện”, có thể sử dụng những âm thanh đơn giản như: ba, má, cha, mẹ… để trẻ bắt chước và nói chuyện theo.Với trẻ lớn hơn, cần nói chuyện thật chậm, rõ từng từ để trẻ có thể bắt chước dễ dàng hơn.

Nên kết hợp với hành động tay chân, biểu cảm khuôn mặt khi trò chuyện với trẻ. Khi trẻ đáp lại, hãy tỏ ra hào hứng, khen ngợi trẻ. Còn nếu chưa hãy kiên nhẫn, lặp lại nhiều lần và khuyến khích trẻ tiếp tục tập nói.

Tuyệt đối không bắt chước nói theo giọng điệu của trẻ

Khi trẻ tập nói, thường phát âm không chuẩn, nói ngọng hoặc líu lưỡi. Vì vậy, trong quá trình dạy trẻ, người lớn cần tuyệt đối không bắt chước nói theo giọng điệu của trẻ. Bởi điều này khiến trẻ hình thành thói quen khó sửa, trẻ sẽ tiếp tục nói sai, nói ngọng nhiều lần và khó sửa.

Sách chính là liều thuốc thần kỳ với trẻ chậm nói. Nên chọn những quyến sách có nhiều hình ảnh, màu sắc tươi sáng, sách sờ chạm để trẻ cảm thấy thích thú hơn. Ảnh: K Thi

Sách chính là liều thuốc thần kỳ với trẻ chậm nói. Nên chọn những quyến sách có nhiều hình ảnh, màu sắc tươi sáng, sách sờ chạm để trẻ cảm thấy thích thú hơn. Ảnh: K Thi

Đọc sách – kể truyện cho trẻ

Sách chính là liều thuốc thần kỳ với trẻ chậm nói, giúp bé làm quen với từ mới, vần điệu mới và cách mà mọi người trò chuyện với nhau. Nên chọn những quyến sách có nhiều hình ảnh, màu sắc tươi sáng, phù hợp với độ tuổi của trẻ để trẻ cảm thấy thích thú hơn.

Hát cho bé nghe

Những bài hát thiếu nhi cũng là cách tốt nhất để trẻ ghi nhớ từ ngữ bởi nhịp điệu vui tươi của bài hát khiến trẻ cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Đây cũng là cách dạy trẻ chậm nói đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Giải thích hành động người lớn làm cho trẻ dễ hiểu

Một trong những hành động giúp trẻ mở rộng vốn từ ngữ và giúp trẻ gắn kết từ ngữ với đồ vật với nhau đó chính là giải thích giúp trẻ hiểu hơn về hành động mà người lớn đang làm. Ví dụ như: Mẹ và con cùng mang đi chơi thôi nào, balô to của mẹ, còn balô nhỏ xinh của con…

Khuyến khích trẻ tự giải quyết vấn đề

Trẻ chậm nói có thể không giao tiếp bằng lời nói nhưng vẫn giao tiếp qua cử chỉ và điệu bộ cơ thể. Cho nên, trẻ muốn gì hãy để trẻ tự làm, việc này được rất nhiều chuyên gia khuyến khích bởi đây là cách dạy mang lại hiệu quả cao cho trẻ em chậm nói.

Tạo môi trường giúp trẻ phát huy khả năng nói

Có một môi trường lành mạnh trẻ sẽ học nói nhanh hơn. Đặc biệt, là những cuộc trò chuyện, hoạt động cùng gia đình, thầy cô và đặc biệt là các bạn đồng trang lứa. Vì thế, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ có thể chơi và tiếp xúc với các bạn cùng lứa tuổi nhiều hơn. Việc này không những giúp trẻ trở nên bạo dạn, nhanh nhẹn mà còn tạo cho trẻ có nhiều điều kiện để phát triển ngôn ngữ hiệu quả hơn.

Cha mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình dạy trẻ tập nói. Hãy chú ý và lắng nghe bé muốn gì và trả lời kịp thời những thắc mắc của trẻ. Khi trẻ chỉ tay vào những đồ vật gì đó, cha mẹ hãy nhanh chóng trả lời con.

Ví dụ như: Bé chỉ tay vào vào cái bát vì bé muốn ăn, cha mẹ hãy nhanh trí trả lời lại bé rằng: con muốn lấy bát ăn phải không, mẹ sẽ lấy nước cho con nhé! Hoặc cha mẹ hãy chỉ những đồ vật xung quanh bé và đọc tên đồ vật đó ra để giúp bé nhận biết, ghi nhớ và giúp bé phát triển ngôn ngữ tốt hơn.

Việt Cường
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Chăm sóc thay thế tại cộng đồng: Giải pháp tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ

Chăm sóc thay thế tại cộng đồng: Giải pháp tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ

2 năm trước

Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ con số đầy xót xa: khoảng 1.500 trẻ em mồ côi vì Covid-19 ở TP.HCM. Lãnh đạo Sở này cũng lưu ý, đây chưa phải là con số cuối cùng bởi vì diễn biến dịch...