CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 05:19

Dạy nghề: Cơ hội đến, đừng bỏ lỡ!

28/09/2016 | 10:46
 
 
Ngày càng nhiều học sinh muốn học nghề khiến cho hệ thống các trường nghề có nhiều hi vọng. Ảnh minh họa
 
Một quyết định hợp lý của Chính phủ
 
Trước hết, phải nhìn lại lịch sử một chút. Trước đây, nước ta có 3 cơ quan thuộc lĩnh vực giáo dục trực thuộc Chính phủ là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Tổng cục Dạy nghề. Sau đó sáp nhập lại làm một gọi là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong những năm đầu sáp nhập, lĩnh vực dạy nghề gần như bị lãng quên. Điều này có lỗi của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, đến năm 1998, Tổng cục Dạy nghề được tái thành lập. 
 
Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Tổng cục Dạy nghề mới được giao cho Bộ LĐTBXH quản lý. Điều đáng nói là, dù không được quản lý dạy nghề nhưng trên thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tuyển sinh và vẫn có hoạt động đào tạo nghề ở bên đó. Đây là sự buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm túc việc phân cấp đào tạo.
 
Nếu nước ta thực hiện nghiêm chỉnh việc phân cấp đào tạo thì không có chuyện tranh cãi bộ nào quản lý giáo dục nghề nghiệp như đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Đã tái thành lập Tổng cục Dạy nghề thì tất cả những gì liên quan đến giáo dục nghề nghiệp phải thuộc Tổng cục Dạy nghề chứ?! Vì vậy, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ nêu rõ: “Chính phủ thống nhất giao Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý Nhà nước đối với các trường sư phạm”, là một quyết định vô cùng hợp lý. Từ nay, không có chuyện tranh cãi nữa, tập trung quản lý để nâng cao chất lượng dạy nghề.
 
Chúng ta cần phải thấy rằng, dạy nghề, học nghề phải gắn bó mật thiết với các doanh nghiệp. Mục đích của học nghề là học để làm chứ không phải học để biết. Do vậy, cách dạy nghề ở các trường nghề phải khác cách dạy ở các trường đại học ở chỗ học lý thuyết ít thôi, chủ yếu phải thực hành. Để làm tốt việc này, học ở trường không đủ, mà phải học ở các doanh nghiệp, học  ngay ở các cơ sở sản xuất. Bộ LĐTBXH quản lý và điều hành, thực hiện quá trình này thuận lợi hơn.
 
Vui tới hai lần nhưng trách nhiệm lớn hơn
 
Vài năm trở lại đây, dạy nghề có dấu hiệu khởi sắc. Việc ngày càng nhiều học sinh quyết định ngay từ đầu là không vào đại học (năm 2016 có tới trên 32%) khiến cho hệ thống các trường nghề có nhiều hi vọng. Thật vậy, nhiều người nhận ra rằng, học nghề đỡ tốn kém hơn, ra trường dễ xin việc hơn, thu nhập cao hơn học đại học; vậy tội gì không đi học nghề?! Đây là một niềm vui lớn cho Tổng cục Dạy nghề nói riêng, cho Bộ LĐTBXH nói chung. 
 
Quyết định của Chính phủ giao cho Bộ LĐTBXH quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là niềm vui lớn thứ hai. Tuy nhiên, đi kèm với niềm vui này là trách nhiệm nặng nề. Điều này thể hiện ở chỗ, Chính phủ nêu rõ, Bộ LĐTBXH cùng với các bộ, cơ quan quản lý trực tiếp trường trung cấp, cao đẳng khẩn trương chỉ đạo thực hiện tự chủ trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm nhanh can thiệp hành chính của bộ chủ quản và UBND các tỉnh; nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị định quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
 
Trước hết, Bộ LĐTBXH phải chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề khẩn trương đưa Luật Giáo dục nghề nghiệp vào thực tiễn cuộc sống. Việc cần làm ngay là Tổng cục Dạy nghề phải ban hành “chuẩn đầu ra” cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Đáng ra, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, việc này phải được thực hiện ngay nhưng còn cấn cá ở chỗ bộ nào quản lý dạy nghề. Nay điều cấn cá này không còn nữa, không có lý do gì để bao biện cho sự chậm trễ nữa.
 
Thật ra, trách nhiệm lớn nhất của Bộ LĐTBXH hiện nay là làm thế nào để Việt Nam tận dụng được “cơ cấu dân số vàng” (người ở tuổi lao động nhiều hơn người phụ thuộc) để phát triển đất nước. Có “cơ cấu dân số vàng” nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng suất lao động kém thì cũng không tạo ra được bước phát triển lớn. Đương nhiên, không chỉ mình Bộ LĐTBXH chịu trách nhiệm trong vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, nhưng rõ ràng, lực lượng lao động là do bộ này quản lý là chính, vì vậy, trách nhiệm là nặng nề nhất.
 
 
Cách dạy nghề ở các trường nghề phải khác cách dạy ở các trường đại học ở chỗ học lý thuyết ít thôi, chủ yếu phải thực hành. Ảnh minh họa
 
Làm thế nào để tận dụng tốt “cơ hội vàng”?
 
Có thể nói, “cơ hội vàng” đang đến với lĩnh vực dạy nghề của nước ta. Ở đây hội đủ những yếu tố như: nguồn tuyển sinh dồi dào, tâm lý tôn trọng học nghề đang lên cao, Chính phủ đã tin tưởng giao hẳn cho một đầu mối quản lý là Bộ LĐTBXH, đã có cơ sở dạy nghề tư nhân, nước ngoài cũng sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề… Vấn đề còn lại là phát huy được tất cả những thế mạnh (phần lớn còn ẩn sâu ở đâu đó) để tận dụng tốt “cơ hội vàng”.
 
Điều quan trọng nhất vẫn là ý chí, năng lực của cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Ở thời điểm này cần lắm những con người xông xáo, nhiệt tình, dám làm và làm được những công việc đang bề bộn trong lĩnh vực dạy nghề. 
 
Điều quan trọng thứ hai là sự hợp tác nhịp nhàng trong việc bàn giao, sáp nhập từ cấp chỉ đạo xuống đến các cơ sở dạy nghề. Ở đây khi nào cũng có vấn đề cấn cá về tư tưởng. Việc cả Bộ LĐTBXH và Bộ Giáo dục và Đào tạo đều muốn quản lý giáo dục nghề nghiệp là điều dễ hiểu, nhưng cũng cần phải hiểu là chỉ một bộ quản lý thì tốt hơn. Không nên đặt vấn đề là “dạy nghề về tay ai”, mà nên đặt vấn đề là “quản lý thế nào cho tốt”.
 
Điều quan trọng thứ ba là khắc phục ngay những yếu kém trong việc dạy nghề mà các chuyên gia, báo chí, dư luận xã hội đã chỉ ra: dạy những gì có chứ chưa dạy những gì xã hội cần; chậm bổ sung những ngành nghề mới; cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu; việc kiểm định chất lượng chưa được thực hiện rộng khắp; công tác tuyên truyền trong việc tuyển sinh đang bị xem nhẹ; lãnh đạo, giáo viên một số trường nghề có tâm lý tự ti…
 
Trước mắt, nếu làm tốt được ba điều kể trên, chắc chắn hệ thống trường nghề Việt Nam sẽ khởi sắc. Đương nhiên, để làm được một lúc bao nhiêu việc như vậy không phải là chuyện đơn giản. Song, nếu tất cả cán bộ, giáo viên các cơ sở dạy nghề đều có tâm trạng phấn khởi, có nhận thức mới về vị trí, vai trò của dạy nghề trong việc phát triển kinh tế - xã hội thì chúng ta sẽ làm được.
 
 
Dạy nghề, học nghề phải gắn bó mật thiết với các doanh nghiệp, vì mục đích của học nghề là học để làm chứ không phải học để biết. Ảnh minh họa    

Thay đổi trong nhận thức
 
Đã có thay đổi quan trọng trong nhận thức của nhiều người về bằng cấp và giá trị thực của nó. Cụ thể, bằng đại học hiện nay đang “mất giá” nghiêm trọng, vì vào đại học quá dễ mà khi ra trường thì xin việc lại quá khó.
 
Cuộc sống dần dần xác định giá trị đích thực của những việc chúng ta làm. Hiện nay, có quá nhiều trường đại học được mở ra nên việc vào đại học đã trở nên rất dễ dàng. Tuy nhiên, học đại học mất 4 năm, học phí khá cao mà khi ra trường lại khó xin việc. Trong trường hợp xin được việc làm thì lương rất thấp, chỉ từ 2,5 đến 3 triệu đồng cho những năm đi làm đầu tiên.
 
Còn học nghề thì sao? Học ngắn hơn, chỉ từ 2 – 3 năm; học phí thấp hơn nhiều lần so với đại học. Điều quan trọng nhất, hấp dẫn nhất là học nghề ra dễ xin việc làm, thu nhập lại khá cao. Thậm chí, nhiều người tốt nghiệp trường nghề đã tự tạo cho mình việc làm bằng cách lập doanh nghiệp riêng. Ví dụ, nhiều học viên tốt nghiệp ngành điện tử - điện lạnh thành lập doanh nghiệp sửa chữa tivi, máy điều hòa, tủ lạnh… Những vật dụng này có ở khắp mọi nơi.
 
Điều có ý nghĩa nhất là nhiều bậc phụ huynh hiện nay không mong muốn con vào đại học bằng mọi giá. Họ sẵn sàng chấp nhận sự lựa chọn vào trường nghề của con với thái độ vui vẻ. Với nhận thức này, có lẽ, không lâu nữa, Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
 
Có được thay đổi quan trọng trong nhận thức về vấn đề bằng cấp trong đại bộ phận nhân dân là điều rất đáng mừng. Hệ thống trường nghề nên củng cố nhận thức này bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo - tạo ra một lớp thợ trẻ có tay nghề cao, tự tin lập nghiệp.                   
                                                                  Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...