THỨ NĂM, NGÀY 16 THÁNG 05 NĂM 2024 11:18

Để gói cứu trợ mang đến niềm vui!

27/04/2020 | 07:15
 
Những con số khổng lồ và hai nỗi lo
 
Lần đầu tiên một khoản tiền lớn là 62.000 tỷ đồng từ ngân sách được phân phối trực tiếp tới khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ẩn đằng sau những chữ “tỷ”, chữ “triệu” đó là một khối lượng công việc vô cùng lớn và phức tạp: Làm thế nào để xác định đúng 20 triệu người cần cứu trợ trong số 97 triệu người. Đương nhiên là công nhân viên chức, lực lượng vũ trang coi như được loại trừ nhưng số còn lại để sàng lọc vẫn còn quá lớn. Rồi khi xác định được số lượng đối tượng rồi, còn phải xác định cụ thể là ai được hưởng mức 1,8 triệu đồng/tháng? Ai hưởng mức thấp hơn? Đây quả là một bài toán khó, thực sự là một nỗi lo.
 
Nỗi lo thứ hai mà những người có trách nhiệm cao như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã không ngần ngại nói ra là sợ có tổ chức, cá nhân tìm cách trục lợi trong việc phân bổ tiền cứu trợ. Điều này đã từng xảy ra trong việc giúp đỡ hộ nghèo, phân chia tiền, hàng trong cứu trợ thiên tai nên những người có trách nhiệm lo là đúng. 
 
Vấn đề không chỉ nêu lên nỗi lo là giải quyết được, mà tìm cách nào để tiêu cực không xảy ra. Trách nhiệm lúc này thuộc về những người trực tiếp thừa hành. Đó là cán bộ từ trung ương tới thôn, xóm, làng, bản. Điều này liên quan trực tiếp tới hàng triệu người, đặc biệt là cán bộ cơ sở và người của Ngành LĐTBXH.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt ra nguyên tắc phải chi đúng đối tượng, minh bạch, công khai trong nhân dân, người hưởng để làm sao người hưởng được hưởng đúng, hưởng đủ nhưng hưởng nhanh nhất”. Ảnh: Zing. 
 
Trách nhiệm của Ngành LĐTBXH rất nặng nề
 
Khi được báo chí hỏi: “Bộ LĐTBXH đưa ra giải pháp gì để tiền hỗ trợ đến đúng người thụ hưởng, không để chính sách bị lợi dụng?”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời: “Giải pháp quan trọng nhất là phải công khai, kiểm tra, giám sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách, xét duyệt và chi trả. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo hỗ trợ đúng người, kịp thời, đầy đủ, không để xảy ra sai sót, tiêu cực. Danh sách thụ hưởng cần minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết ở cấp xã, phường... Ai vi phạm phải xử lý nghiêm minh với mức cao nhất”. 
 
Như vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã lường trước được sự phức tạp của công việc và đã có kế hoạch chỉ đạo để tránh xảy ra tiêu cực. Cụm từ “xử lý nghiêm minh với mức cao nhất” cần được hiểu là sẽ có những hình thức xử lý cả về mặt pháp luật, lẫn phương diện đạo đức, đạo lý.
Việc cứu trợ là thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn; ai lợi dụng tình thế này để trục lợi thì phải chịu hình phạt đích đáng. Hi vọng, việc cứu trợ chỉ mang lại niềm vui.

                                                                

Đàm Trọng/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...