THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 12:06

Để trẻ không trở thành nô lệ của thiết bị số

03/05/2023 | 15:26
Ngày càng có nhiều trẻ em nghiện các thiết bị số, đặc biệt là điện thoại thông minh và iPad. Làm sao để trẻ không trở thành nô lệ của thiết bị số là điều các bậc cha mẹ hiện nay rất quan tâm.
Dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ có thể khiến trẻ lười suy nghĩ, giảm sáng tạo, mắc bệnh béo phì, cận - loạn thị, thậm chí là ảnh hưởng đến trí não... Ảnh minh họa

Dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ có thể khiến trẻ lười suy nghĩ, giảm sáng tạo, mắc bệnh béo phì, cận - loạn thị, thậm chí là ảnh hưởng đến trí não... Ảnh minh họa

Những hệ lụy khôn lường khi trẻ nghiện các thiết bị số

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Ðăng Khoa cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 các em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Theo thống kê, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi đã sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi.

Theo khảo sát về sự an toàn trên mạng của Google trong năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi với an toàn thông tin mạng là 13 tuổi.

Còn theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15-24).

Trẻ em thường dùng Internet để phục vụ việc học, giải trí, kết bạn, chia sẻ thông tin và mua sắm.

Bên cạnh những ích lợi thì Internet cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn như tin giả; hình ảnh bạo lực; những video, hình ảnh không phù hợp; bị phát tán thông tin; bị lôi kéo tham gia nội dung không lành mạnh... Số liệu khảo sát năm 2020 của Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, 40% trẻ cảm thấy không an toàn, hơn 70% từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet. Tuy nhiên, hiện nay, thời gian trẻ sử dụng Internet và các thiết bị số ngày càng có xu hướng gia tăng và độ tuổi trẻ tham gia môi trường mạng thì ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Ðắm chìm vào các mối quan hệ ảo trên mạng, các trò chơi, các hình ảnh/ video nhảm nhí… khiến trẻ học hành sa sút do không còn nhiều thời gian dành cho việc học, mất dần sự tương tác với cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh. Trẻ cũng có thể phải đối mặt với nạn bắt nạt trên mạng xã hội, bị tổn thương, bị lừa đảo, bị lôi kéo làm việc xấu... Mặt khác, việc dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ cũng khiến cho trẻ lười suy nghĩ, giảm sáng tạo, mắc bệnh béo phì, cận - loạn thị, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não...

Thực trạng đáng lo ngại này xuất phát một phần từ chính các bậc phụ huynh khi cha mẹ cung cấp các thiết bị số cho trẻ quá sớm, không quan tâm sát sao xem trẻ đã làm gì, xem gì, học được gì từ Internet... Ðể trẻ không trở thành nô lệ của các thiết bị số, cha mẹ cần cùng con thay đổi ngay từ bây giờ.

Khi bên cạnh có nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn, trẻ sẽ không đắm chìm vào thế giới mạng. Ảnh minh họa

Khi bên cạnh có nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn, trẻ sẽ không đắm chìm vào thế giới mạng. Ảnh minh họa

Cai nghiện các thiết bị số cho con

Cha mẹ không nên và không thể cấm trẻ em sử dụng các thiết bị số như điện thoại thông minh hay iPad, máy tính... Ðiều quan trọng là nói với trẻ về những ích lợi cũng như tác hại khi sử dụng các thiết bị số quá nhiều để giúp trẻ tự có cái nhìn khách quan và đúng đắn về vấn đề này.

Với trẻ còn nhỏ, bạn không nên nói với con rằng: Bố mẹ mua điện thoại/ iPad này cho con. Hãy nói: Bố mẹ cho con mượn chiếc điện thoại/ iPad này và con phải tuân thủ các quy tắc do bố mẹ đề ra như: Không mang hoặc hạn chế mang điện thoại/ iPad vào phòng riêng, không sử dụng điện thoại/ iPad quá 1 tiếng/ lần hay 2 tiếng/ ngày (tùy vào độ tuổi của trẻ mà cha mẹ đưa ra các quy định sao cho phù hợp). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử và trẻ em từ 2 - 4 tuổi không nên ngồi yên một chỗ và sử dụng màn hình điện tử quá 1 giờ mỗi ngày. Không dùng điện thoại/ iPad sau 10 giờ tối.

Cha mẹ nên cài đặt chặn các trang web đen hay các trang web/ trò chơi độc hại để tránh trẻ truy cập. Thỉnh thoảng, bạn nên truy cập phần lịch sử (đối với trang web) để biết trẻ đã đọc gì, xem gì.

Yêu cầu trẻ không tự ý nạp tiền cho các trò chơi hay ứng dụng.

Cha mẹ cũng nên yêu cầu trẻ ngoài thời gian học hay giải trí trên mạng thì cần tích cực làm việc nhà và tham gia các hoạt động ngoài trời, các câu lạc bộ thể dục thể thao. Khi bên cạnh có nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn, trẻ sẽ không đắm chìm vào thế giới mạng.

Mặt khác, để trẻ không “nghiện” các thiết bị số, cha mẹ nên tích cực trò chuyện với con hàng ngày. Bản thân các bậc cha mẹ cũng không nên dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị số, bạn cần là tấm gương tốt để trẻ noi theo.

Các thiết bị số như điện thoại thông minh, iPad cùng những ứng dụng đi kèm, đặc biệt là mạng xã hội, đã tạo ra cuộc cách mạng về liên lạc, giao tiếp, thậm chí cả quá trình làm việc, giải trí của con người. Tuy nhiên, chúng cũng kéo theo không ít hệ lụy khôn lường đối với người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.

Phương Anh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam dựng lớp học tặng trẻ em ở Abyei

Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam dựng lớp học tặng trẻ em ở Abyei

1 năm trước

Đội Công binh số 1 Việt Nam vừa bàn giao 2 phòng học cho Trường mầm non Nhà thờ tại Abyei.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thành lập, phát triển các trường đại học số

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thành lập, phát triển các trường đại học số

1 năm trước

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 164/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi thăm Trường Đại học FPT tại Hòa Lạc.
Hà Nội tăng cường xây dựng văn hóa học đường

Hà Nội tăng cường xây dựng văn hóa học đường

1 năm trước

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND triển khai Quyết định số 54/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường của...