THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 05:47

Để yêu thêm cuộc đời...

22/02/2019 | 17:25
 
Đứa bé và quả bóng bay
 
Trong một bàn luận với nhóm bạn về lòng tốt của con người trong xã hội hiện đại hôm nay, tôi nhớ mãi một câu chuyện: Có một phụ huynh hay đón con học bán trú ở trường tiểu học. Chiều hôm ấy, anh đến đón con như mọi lần ở cổng trường. Quen với việc con đợi anh sát cổng, chưa thấy con ra, anh đứng đợi. Thời gian trôi làm anh sốt ruột. Anh dựng xe, vào trường hỏi giáo viên. Cô giáo chủ nhiệm nói cháu ra về như mọi hôm. Nhiều bạn cùng lớp cũng nói, thấy con anh ra cổng trường rồi. Không giữ được bình tĩnh, anh trách móc nhà trường vô trách nhiệm. Các thầy cũng cô sốt sắng đi tìm…
 
Nủa giờ đồng hồ sau, đứa bé trở về cùng cô thu mua đồng nát. Mọi người chứng kiến đều vui mừng khi đứa trẻ trở về. Chỉ riêng bậc phụ huynh kia là tỏ ra quay cuồng trong phẫn nộ. Anh ta nói chị đồng nát kia có hành động mờ ám, con anh không bao giờ rời khỏi chỗ hẹn với bố sau giờ tan học. Chị đồng nát thay vì nhận lời cảm ơn từ gia đình đứa bé, lại thấy lo sợ vì bị họ hiểu lầm. Chị lẳng lặng đi trong cái ngước nhìn của đứa trẻ…


 Ảnh minh họa.
 
Rồi cũng đã quá muộn để vị phụ huynh nọ hiểu ra sự thật! Hôm ấy, nhà trường có tổ chức chương trình ngoại khóa buổi chiều. Tan học, nhiều cháu giữ mang về quả bóng bay, đứa trẻ cũng ra cổng trường với niềm vui có quả bóng bay. Vô tình lỏng tay, cháu để quả bóng bay lên cao. Đứa trẻ chạy theo quả bóng như muốn giành lại niềm háo hức. Nó chạy theo quả bóng bay rất xa cổng trường, và bật khóc nức nở, đến khi gặp cô thu mua đồng nát.  
 
Câu chuyện cho chúng tôi đưa ra một câu hỏi: Là một công dân của xã hội hiện đại, chúng ta dường như đang đánh mất bản năng tử tế, tốt bụng và tinh thần sẵn sàng mở rộng vòng tay tình bạn. Phải chăng, chính xã hội hiện đại khiến chúng ta nghĩ về bản thân mình nhiều hơn hay vì một lý do nào khác? Phải chăng lòng tốt giờ đây cần có thời gian để cân nhắc trước khi được chuyển thành hành động?... Thậm chí, một số khảo sát còn ghi nhận rằng, xã hội đang ngày càng đánh giá cao những người có thế mạnh về kinh tế thay vì đánh giá dựa trên lòng tốt và sự đồng cảm.
 
Thực tế, lòng tốt không phải tìm ở đâu xa mà ngay trong cuộc sống thường nhật, chúng ta bắt gặp rất nhiều. Đó có thể là những hành động nhỏ như nhặt được của rơi đem trả lại; nhìn thấy người già hoặc trẻ nhỏ qua đường thì giúp đỡ; lên xe bus thấy phụ nữ mang thai hoặc trẻ em, sẵn sàng nhường chỗ… Cho tới những hành động lớn hơn như cứu một người chết đuối, đưa người bị nạn vào bệnh viện hay quyên góp tiền ủng hộ người nghèo.
 
                                                                                                       
 Lâu nay, trên Internet đã và đang có một hiện tượng đáng lo ngại là một số người dường như tỏ ra thích thú khi chê bai, diễu cợt, "ném đá"… các việc làm tử tế.
 
Lòng tốt thời hoài nghi 
 
Lâu nay, trên Internet đã và đang có một hiện tượng đáng lo ngại là một số người dường như tỏ ra thích thú khi chê bai, "ném đá" các việc làm tử tế diễn ra trong xã hội. Thay vì giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn, cổ vũ người làm việc có ích cho cộng đồng, các "anh hùng bàn phím" lại thi nhau bình luận tiêu cực, lên mặt dạy đời, gieo rắc tâm lý nghi ngờ lòng tốt, sự tử tế của người khác. 
 
Mấy năm trước, mạng xã hội rôm rả về câu chuyện của một viên chức trẻ nhặt được 175 triệu đồng và tìm mọi cách trả lại tiền cho người mất, đã tạo nên niềm tin về những điều tốt đẹp, giản dị trong cuộc sống đời thường. Anh viên chức tâm sự: Thú thật là lúc này mình đang rất cần tiền và đây là một số tiền lớn. Tuy nhiên, mình không hề muốn lấy số tiền này để giải quyết một số việc gấp gáp, mình muốn gửi lại người bị mất, bởi vì bản thân mình cũng từng đãng trí bị mất 100 triệu đồng trên taxi khi ra ngân hàng rút tiền nên mình hiểu cảm giác này. Hơn nữa, người ta mất của cũng đau khổ, mình hưởng thụ trên nỗi đau người khác thì nhẫn tâm quá! Mình không làm được, chỉ đơn giản vậy thôi! Thế nên, việc đầu tiên và duy nhất mà mình cố gắng làm là nhanh chóng trả lại cho chủ nhân bị đánh rơi. Hẳn trong quãng thời gian mất của, họ đau lòng lắm.
 
Tuy nhiên, việc tốt thực hiện một cách lặng lẽ của anh đã khiến không ít “anh hùng bàn phím” nghi ngờ, nhục mạ, bôi xấu… Một số thì cho rằng anh trả lại tiền là ngu ngốc, số khác lại công kích, cho rằng anh muốn nổi danh hoặc là kẻ lừa đảo, tự dựng chuyện để “đánh bóng tên tuổi!”.
 
Khi thấy cảnh hàng nghìn bạn trẻ đội mưa tham gia lễ hội hiến máu, thay vì khích lệ, có người chế giễu, dè bỉu, coi đó là hành động "rỗi hơi", "thích thể hiện của đám ngựa non háu đá" mà không cần biết nghĩa cử cao đẹp này có thể giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân. Chứng kiến một doanh nhân đứng ra tổ chức chiến dịch "tiêu thụ" 1.000 tấn dưa hấu giúp đồng bào miền Trung, lập tức có người cho rằng đó là hành động đánh bóng tên tuổi, lợi dụng việc bán dưa từ thiện để trục lợi, và không bận tâm xem xét công sức, hiệu quả xã hội của việc làm thiện nguyện này là đã giúp bà con nông dân thoát cảnh được mùa nhưng trắng tay. 
 
Không ít người cũng luôn bi quan cho rằng, sự tử tế, lòng tốt đang chạm ngưỡng tuyệt chủng. Nhưng mảnh đất nào có sự hiện diện của loài người thì nơi ấy hiển nhiên luôn tồn tại vô số điều cay đắng, xấu xa và tất nhiên là cả lòng tốt. Một vĩ nhân từng nói, đại ý rằng: Xã hội sẽ trở nên tồi tệ không phải bởi quá đông kẻ xấu, còn bởi sự im lặng của những người tử tế. Lòng tốt của con người là món quà của thượng đế. Nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy”. 

 Mảnh đất nào có sự hiện diện của loài người thì nơi ấy hiển nhiên luôn tồn tại vô số điều cay đắng, xấu xa và tất nhiên là cả lòng tốt.
 

 

Hồng Lĩnh/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...