THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 08:39

Dịch Covid-19 trên toàn quốc - Cần hiểu đúng tinh thần

07/04/2020 | 06:43

 
   
Phải hiểu đúng tinh thần các chủ trương, chính sách của Chính phủ


Có thể xem dịch Covid-19 bắt đầu ở Việt Nam từ ngày 23/1/2020, khi phát hiện những người đầu tiên nhiễm virus Corona chủng mới. Đến ngày 1/2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  ký Quyết định số 173: Về việc công bố dịch viêm đường hô hấp. Lúc đó, ở mục “Địa điểm và quy mô xảy ra dịch” chỉ có: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa. Đến ngày 1/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 447: Công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc thay thế Quyết định số 173.  Ở mục “Địa điểm và quy mô xảy ra dịch” ghi rõ: toàn quốc. Như vậy, cần hiểu rõ tính nghiêm trọng của tình hình và ý nghĩa của việc ra Quyết định 447. Cùng với 2 quyết định 173 và 447, Chính phủ còn ban hành các Chỉ thị: 05, 06, 15, 16 với mục đích chỉ đạo những hoạt động cụ thể trong tình hình cụ thể.


Có thể thấy Chính phủ rất sâu sát và thận trọng khi ban hành các quyết định và các chỉ thị vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội. Khoảng cách giữa Quyết định 173 và 447 là 2 tháng. Trong hai tháng đó, tình hình hoạt động kinh tế - xã hội trên lãnh thổ Việt Nam hầu như diễn ra bình thường. Nhưng sau ngày ¼, tình hình đã khác, mọi hoạt động được giám sát chặt chẽ hơn; mọi người phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt hơn.


Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu Quyết định 447 không phải là quyết định phong tỏa trên toàn quốc, không có tinh thần như lệnh giới nghiêm. Có lẽ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải thích chính xác tinh thần Quyết định 447 với 3 mục tiêu: 1.Làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành; 2. Để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”; 3. Khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.

 

Cũng cần hiểu rõ một số khái niệm để không lạm dụng


Như vậy, Quyết định 447 với tinh thần quyết liệt, nghiêm túc nhưng nhìn chung vẫn kêu gọi sự tự giác thực hiện từ những người dân chứ không nhấn mạnh việc cấm, việc phạt. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những hành động chưa chuẩn ở một số địa phương như “ngăn sông, cấm chợ”, hoặc cấm người từ địa phương này đến địa phương khác. Nên nhớ: Tinh thần của Quyết định 447 là hạn chế chứ không cấm triệt để.


Cũng có những điều khó cho chính quyền địa phương khi họ tiếp xúc với một số khái niệm mới vì không hiểu rõ nội dung của khái niệm này. Ví dụ, khái niệm “cách ly xã hội” được báo chí, truyền thông và người dân nhắc tới nhiều nhất trong những ngày này nhưng hiểu cho thật đúng thì vẫn lúng túng. Đây là khái niệm chuyển ngữ từ “Social Distancing” trong tiếng Anh; người đầu tiên dịch thành “cách ly xã hội” là không chuẩn lắm. Nếu dịch “dãn cách xã hội” thì chính xác hơn, phù hợp với thực tế hơn. Trên thực tế, hiện nay chúng ta không bị cấm tiếp xúc với nhau, mà yêu cầu được giao tiếp và giữ khoảng cách 2 mét. Những người đi mua thức ăn, buộc phải xếp hàng thì cần phải đứng cách nhau 2 mét.


Hiện nay, ở một số nơi đã lập các chốt kiểm soát. Nên gọi những chốt này là “Chốt kiểm soát dãn cách xã hội” để xử lý những người không giữ khoảng cách với người khác ở cự ly 2 mét. Chữ “dãn cách” cho phép các cơ quan chức năng dựa vào đó để xử lý; còn chữ “cách ly” không thể hiện được điều này. Tuy nhiên, đây mới là ý kiến của riêng tôi, còn trên thực tế, các lực lượng chức năng sẽ làm theo cách của họ. Người dân nên chấp hành cho đỡ rắc rối.


Nên hoạt động an toàn chứ không dừng hoạt động


Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Người ta phải chấp nhận đảo lộn để không bị nhiễm bệnh, tránh tử vong. Tuy nhiên, dù bị đảo lộn, dù bị cách ly, bị phong tỏa thì con người ta vẫn phải sống, nghĩa là ít nhất phải duy trì mấy hoạt động: ăn, ngủ, làm vệ sinh cá nhân. Đó là chưa kể những người có bố mẹ già, con nhỏ còn phải lo cho họ nữa. Muốn duy trì được những hoạt động tối thiểu đó trong thời gian dài thì phải hoạt động. Mà hoạt động quan trọng nhất là phải tạo ra của cải, vật chất hay nói đơn giản, dễ hiểu nhất là phải kiếm tiền để mua cái ăn.


Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ những người có thu nhập giảm sâu để duy trì sinh hoạt hàng ngày. Điều này rất cần thiết. Tuy nhiên, tiền bạc của Nhà nước cũng không phải vô tận. Muốn có tiền để hỗ trợ cho người khó khăn lâu dài, phải có hoạt động sản xuất.


Vì vậy, nhiệm vụ của tất cả mọi người hiện nay là tìm cách hoạt động an toàn chứ không phải là dừng hoạt động (nếu dừng mọi hoạt động thì cuộc sống sẽ không tồn tại nữa). Một ví dụ rất rõ ràng là khi phát hiện ra ổ dịch nguy hiểm ở Bệnh viện Bạch Mai, hăng lên có người tuyên bố: “Bệnh viện Bạch Mai: nội bất xuất, ngoại bất nhập!”. Điều này là không khả thi. Bệnh viện uy tín nhất nước mà lại không tiếp nhận bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu thì không chấp nhận được. Và trên thực tế, mấy hôm nay, Bệnh viện Bạch Mai vẫn nhận bệnh nhân. Vấn đề là các bác sĩ ở đấy phải cảnh giác cao độ để việc lây nhiễm không  diễn ra.


Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, không nghỉ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người cũng phải hoạt động để duy trì sự sống. Đây là lúc mỗi người tìm ra cách hoạt động an toàn của mình để thực hiện việc phòng chống dịch Covid-19 theo Quyết định 447 của Thủ tướng Chính phủ.

Hồ Bất Khuất/Tc GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...