CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 07:25

Doanh nhân Lê Thanh Thản: Nghiệp và đời đâu dễ thênh thang…

05/03/2019 | 09:20
 
Doanh nhân Lê Thanh Thản.
    
Tay trắng lập nghiệp
 
Có lẽ, ít có doanh nhân nào mà lý lịch trích ngang lại ngắn gọn như Lê Thanh Thản: Nhà có năm anh em, 3 trai, 2 gái. Ông nội là một lão thành cách mạng còn bố là giáo viên rồi chuyển sang làm chủ nhiệm. Cũng “nhút mặn cà chua” như bao học trò nghèo lớn lên trên vùng đất Diễn Lâm – Diễn Châu (Nghệ An) ấy, mảnh đất cha ông. Năm 1970, học xong trung học, anh vào bộ đội rồi tham gia trận mạc ở chiến trường Trị Thiên Huế. Năm 1976, chiến tranh kết thúc, như bao người lính khác, anh khoác ba lô về quê. Tại đây, lúc đầu anh làm Bí thư đoàn xã rồi Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong huyện. Được cử đi học trường Đảng, sau đó đầu quân lên Tỉnh ủy Lai Châu. Kế đến là thời gian điều động công tác qua các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Lay và cuối cùng là Điện Biên. 
 
 Đường quan lộ đang thênh thang rộng mở thì năm 1987 (bắt đầu đổi mới), anh bất ngờ rẽ lối ra làm kinh doanh riêng để lấp dần những thiếu thốn, cái đói, cái nghèo. Khởi nghiệp từ việc làm gạch, ngói, đốt vôi, buôn bán nông sản..., nhưng sau 2 năm, với sự đóng góp của anh, toàn bản Mường Lay đã được ngói hóa 100%. Sau đó, cũng chính anh là người quyết định “liều” vì ngày đó chưa có kỹ thuật xây cao tầng. Tất cả, anh đều mày mò tự học. Và tất nhiên, đó cũng là cái nhà cao tầng đầu tiên của tỉnh Lai Châu, đơn vị đầu tiên trong ngành xây dựng của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Cơ hội đến, anh “đổ bộ” sang Lào xây dựng hàng loạt công trình trên đất bạn. Công trình xây dựng đầu tiên là trụ sở Tỉnh ủy Phongsaly (Lào), cũng là công trình nhà 2 tầng đầu tiên trên đất bạn. Cho đến năm 1996 (sau gần 10 năm), khi đồng kip mất giá, anh mới rút về nước, rồi mở rộng sang kinh doanh khách sạn để rồi đến thời điểm này, một series gồm 53 khách sạn đạt chuẩn 4 – 5 sao mang thương hiệu Mường Thanh trải dài ở mọi miền đất nước. 
 
Năm 1999, Lê Thanh Thản bắt đầu chiến dịch “đổ bộ” xuống Hà Nội. Và nơi anh chọn để dựng cơ nghiệp tại Thủ đô là khu đô thị Linh Đàm. Theo lời anh giải thích, Linh Đàm là đất có hồ thiêng, vốn là vùng đất ngập úng của Hà Nội, nhưng lại hợp với tử vi của anh. Những ngày đầu mới mua đất làm nhà, ở đây vắng vẻ đến mức, đêm 30 Tết anh phải ra đường chèo kéo mấy ông xích lô vào nhà cùng uống rượu đón Giao thừa. Từ khách sạn Mường Thanh, Linh Đàm rồi Đầm Trấu, Định Công, những tòa nhà cao tầng liên tục đua nhau mọc lên trên những vùng đất trước đây vốn dĩ là bãi rác, nhưng qua tay anh “đất đã hóa vàng”. 
 
Là nhà báo, tôi đã có hàng chục chuyến tháp tùng các vị lãnh đạo cấp cao đến thăm hữu nghị các nước của 5 châu lục, được bố trí ăn ở tại các khách sạn của các tập đoàn khách sạn tầm cỡ thế giới như Hintơn, Novotel…Tôi chợt nhận ra rằng: Ở Việt Nam, người đang hiện hữu chuỗi khách sạn sang trọng như thương hiệu của các tập đoàn ấy, không ai khác chính là Mường Thanh và doanh nhân làm nên thương hiệu ấy là Lê Thanh Thản. 
 
Cách đây không lâu, trong dịp về quê anh, vùng Diễn Lâm – Diễn Châu, trong dịp khánh thành Trường PTTH tư thục Nguyễn Du, anh có tâm sự với chúng tôi: Sau khi hoàn thành những tâm nguyện với quê hương, anh sẽ rút vào hậu trường để ngơi nghỉ, để lòng thanh thản. Nhưng xem ra cả sự nghiệp lẫn đời của anh đâu có dễ thênh thang. Cái số cầm tinh con trâu khiến anh vẫn phải lặng lẽ “kéo cày”. Những kế hoạch đầu tư lớn lại tiếp tục được anh hoạch định. Trước mắt, bên cạnh chuỗi Khách sạn Mường Thanh đang hiện hữu ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, xem chừng anh vẫn chưa muốn dừng lại mà tiếp tục bổ sung thêm nhiều khách sạn sang trọng nữa. Từ năm 2007, anh đưa quân đổ bộ vào đầu tư các khu đô thị với các tòa nhà giá rẻ. Khu đô thị mới Xa La (Hà Đông) với diện tích khoảng 30ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hàng nghìn tỷ đồng khởi công từ ngày 15/3/2007. Tại đây, ngoài những căn hộ chung cư, còn có 400 nhà liền kề, 300 biệt thự cùng trung tâm thương mại, câu lạc bộ, hội trường, khu vui chơi giải trí, công viên, trường học, bệnh viện… Khu đô thị mới Xa La còn dành một không gian lớn cho cây xanh công viên, thể dục thể thao... Sau ít năm xây dựng, làng Xa La hôm nay đã trở thành một trung tâm thương mại, khu đô thị sầm uất, hiện đại, tiện lợi vào bậc nhất của quận Hà Đông – Hà Nội, một trong những cửa ngõ quan trọng của Thủ đô. Từ những thành công trong việc đầu tư xây dựng khu đô thị Xa La, cách nay 1 năm người ta thấy anh đổ bộ vào việc đầu tư khu đô thị Thanh Hà. Với cái duyên đầu tư, kinh doanh nhà giá rẻ, phù hợp với túi tiền của số đông người dân, tại khu đô thị Thanh Hà, như anh nói: Chỉ trong 3 tháng đã bán hết 4000 căn hộ. 
 
 
Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh tặng tỉnh Phú Thọ bức tranh “Mã đáo thành công”.
 
Nặng trĩu ân tình xứ Nghệ
 
Sáng Nghệ An, chiều Hà Nội, tối Lai Châu, đó là chuyện của những năm trước. Còn bây giờ thì sáng Hà Nội, chiều Nha Trang, tối Cần Thơ, Phú Quốc… Năm quê, bốn chốn là nhà, anh cứ mải miết đi như một người sợ mình lỡ hẹn với thời gian. Bao năm đi qua, nhưng những thói quen cố hữu và có phần “bảo thủ” của anh nông dân xứ Nghệ chất phác, ngang ngang ngày nào vẫn vậy: Phòng không biển hiệu, không điện thoại cố định, cũng không danh thiếp. Vẫn trung thành với tương cà, mắm muối. Vẫn đắm say với những khúc hát dân ca, những điệu đò dưa ví dặm, những vần thơ nặng trĩu chữ tình. 
 
Ai đi xa mà chẳng yêu quê, nhất lại là quê nghèo, cũng giống như người con thương mẹ. Dường như tình yêu ấy đã theo anh vào cả những giấc mơ. Nó thôi thúc anh phải làm một điều gì đó để tri ân với “mẹ” nghèo. 
 
Sau gần 30 năm anh trở lại, điều kiện vật chất ở quê anh xem ra vẫn chẳng có gì thay đổi, lớp trẻ vẫn phải lội bộ đến trường trên những con đường xa lắc (từ 12-14km). Nghẹn lòng, anh quyết định xây trường. Dốc hết tâm sức để hoàn thành trước ngày khai giảng, chỉ trong vòng 7 tháng, ngôi trường tư thục hiện đại, khang trang đầu tiên trên đất Diễn Châu đã mọc lên như một niềm tin, một hy vọng, một nỗi tự hào. Sau lễ khánh thành trường THPT Tư thục Nguyễn Du (2006), là việc hoàn thành bệnh viện, đường sá (với vốn đầu tư toàn bộ hàng trăm tỷ đồng). Công trình khánh thành vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5/2007, để người dân Diễn Lâm quê anh bớt nhọc nhằn, để các thế hệ trẻ tương lai có điều kiện học tập và khám chữa bệnh ngang bằng các địa phương khác là lòng anh… thanh thản. Mà không chỉ có vậy, hằng năm, cứ vào dịp Tết, hàng chục tấn gạo lại được anh cho người chở về quê để phát cho tất cả các hộ trong làng. Ngôi đình cổ hơn 300 năm cũng được anh tu sửa và xây dựng lại khang trang, hoành tráng. Dường như ở Diễn Châu, xứ Nghệ, từ người già đến trẻ, từ sự kiện lớn đến bé ở quê bao giờ cũng gắn với tên anh. Người ta không chỉ gọi đường ông Thản, trường ông Thản mà còn là đình ông Thản, thậm chí là gạo ông Thản, trâu ông Thản…
 
Tôi đã từng có cơ hội diện kiến nhiều doanh nhân – nghệ sỹ. Nhưng nghệ sỹ đến mức như anh thì tôi dám chắc không nhiều, chất nghệ sỹ ấy đã thấm trong anh tự thuở nào. Trong số những bức ảnh mà anh “đặc tả” quê hương, tôi đặc biệt bị chinh phục bởi bức ảnh “Phiên chợ Giát” – qua nụ cười “như mùa thu tỏa nắng” của các mẹ, các chị, người xem dễ dàng cảm nhận được cái tình quê sâu lắng luôn thường trực trong tâm hồn người con xa xứ. Rồi những bài thơ anh viết, nếu tập hợp lại cũng có thể in được thành mấy quyển. Trong đó, có nhiều bài đã được phổ nhạc, đã ngân vang khắp cả hệ thống khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh trên toàn quốc, đã khiến nhiều người nghe, dù vô tình hay cố ý đều không thể không xúc động, vấn vương...
 
Làm kinh doanh thời bây giờ, theo anh, là phải biết dừng đúng lúc. Không tham quá và phải biết chia sẻ. Trên đời này, nếu mình chỉ biết lo cho mình thì sẽ không ai lo cho mình cả. Anh đã nói vậy, đã làm vậy và cũng không hề giấu giếm cái ý định muốn được dừng lại, được nghỉ ngơi. Anh bộc bach: Nhưng rồi cứ nghĩ, nhiều anh em mình cả đời mà vẫn không mua nổi cái nhà. Rồi còn bao nhiêu anh em, bạn bè, bà con không có công ăn việc làm. Mình làm kinh doanh có thể đỡ đần được nhiều người. Với anh, đó chính là phần thưởng, cũng là niềm hạnh phúc lớn hơn bất kỳ mọi giải thưởng và danh hiệu. 

Lưu Vinh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...