THỨ TƯ, NGÀY 15 THÁNG 05 NĂM 2024 08:22

Đổi đời khi quyết bỏ biên chế đi bán gà, xăm lông mày

05/03/2018 | 16:59
Có hai bằng đại học, làm trưởng phòng tại một trung tâm thuộc Sở công thương tỉnh Đắk Lắk, anh Nguyễn Như Hoàng cho biết, lương mình chẳng đủ nuôi cô con gái 3 tuổi. Anh cũng tìm việc "tay trái" để tăng thu nhập như lập trình, viết dự án nhưng chỉ có thể làm sau giờ hành chính và cũng không được bao nhiêu. Đó là một trong những lý do tháng 8 năm ngoái, anh xin nghỉ.
 
Ban đầu, khi biết ý định của anh, ba mẹ khá lo lắng vì nghĩ con đang công việc ổn định, có đà thăng tiến mà rẽ ngang vậy. "Nhưng bản thân mình thì ngán quá rồi. Việc giao kế hoạch cả tháng chỉ làm vài ngày là xong, lương thấp nên nhiệt huyết cống hiến cũng cạn dần", anh bày tỏ. 
 
 


Sau khi bỏ công việc ở cơ quan nhà nước, anh Nguyễn Như Hoàng bán gà nướng kiếm sống và thấy quyết định của mình là sáng suốt. Ảnh: Thanh Hải. 
 
Ông bố 34 tuổi cho hay, khi làm công chức, dù công việc không nhiều, anh vẫn ít có thời gian dành cho gia đình vì ngoài 8 tiếng hành chính hay phải nhậu nhẹt giao lưu, nhất là mỗi lần về huyện. "Mình nghỉ việc vợ càng mừng. Tiền chưa biết kiếm được nhiều hơn không nhưng ngày ngày đều có thể đưa đón con đi học", anh Hoàng cười vui. 
 
Kết thúc 11 năm làm công chức, anh bắt đầu việc mới bằng nghề làm gà nướng bán và phụ vợ giao hàng cá đặc sản. "Mình phải làm từ A tới Z, nào bắt gà rồi mổ, nướng, bán... Ban đầu một lúc làm mấy chục con gà cũng thấy ớn quá nhưng giờ thì quen rồi. Mình mới làm nên thu nhập cũng chưa cao nhưng thấy có tiềm năng phát triển. Giờ còn thuê thêm hai nhân viên làm bán thời gian. Quan trọng nhất là tinh thần thoải mái, làm thật, sống thật", Hoàng chia sẻ.
 
Anh kể, dịp Tết vừa rồi gặp lại một số đồng nghiệp cũ, anh càng thấy quyết định của mình là sáng suốt khi nghe nhiều người tiếp tục rên rỉ về công việc bàn giấy với đồng lương còm cõi, nhưng không dám dứt đi.
 
Chuyển việc sau 12 năm công tác tại một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, anh Trần Đình Thao (Thanh Trì, Hà Nội) cảm thấy tiếc nuối vì không ra ngoài sớm hơn. 
 
Anh Thao kể, trước thời điểm chuyển vào tháng 3 năm ngoái, anh hưởng lương chuyên viên khoảng gần 10 triệu đồng. Đây là mức lương khá cao nếu so với mặt bằng chung trong các công ty Nhà nước. Dù vậy, thu nhập đó không đủ để anh lo cho gia đình với hai đứa con đang tuổi đến trường. Để mua được ngôi nhà hơn 50m2 ở quận ven Hà Nội, anh phải tìm việc làm thêm nên hầu như ít khi có thời gian rảnh. 
 
Tuy nhiên, lý do chính khiến trong hơn 10 năm qua, anh nhiều lần muốn bỏ việc là cảm thấy mình không tập trung được vào chuyên môn, vốn là đam mê từ thời đi học. "Tôi là dân lập trình nhưng ở cơ quan thì phải chạy đủ thứ theo lệnh cấp trên, từ lo giấy tờ, tìm dự án, đi gặp khách, trao đổi yêu cầu... Cộng với việc làm thêm bên ngoài để đảm bảo cho gia đình, tôi không chuyên tâm được vào việc gì và luôn cảm thấy không hài lòng với thành quả của bản thân", anh Thao kể. 
 
Nhiều lần định nghỉ việc, anh Thao bị bố mẹ và người quen phản đối vì cho rằng môi trường nhà nước anh đang có là ổn định và rất tốt rồi. "Bản thân mình cũng lo lắng, sợ ra ngoài bấp bênh không lo nổi cho vợ con", anh kể. Mãi tới khi mua xong căn nhà nhỏ, anh mới quyết tâm dứt ra vào đầu năm 2017. 
 
"Giờ mình làm lập trình viên. Thu nhập gần gấp đôi chỗ cũ và quan trọng là tiềm năng sẽ tăng lên khi chuyên môn của mình thực sự được trọng dụng và có cơ hội phát triển. Làm ngoài, giờ giấc nghiêm khắc, áp lực với bản thân cũng cao hơn nhưng mình lại thấy tinh thần thoải mái", anh Thao kể. 
 
Ông bố 37 tuổi này nói rằng, bây giờ, anh thật sự cảm thấy bản thân "ổn định" hơn nhiều so với khi cố bám trụ cơ quan cũ. "Thực tế có thể môi trường làm việc ở công ty Nhà nước có vẻ ổn định nhưng chuyên môn, tay nghề mình ngày càng cùn đi, bởi thế khi ra ngoài tìm việc không dễ. Còn làm ngoài, mình được tập trung phát huy năng lực, chuyên môn ngày càng cao nên dù công ty tư nhân không ổn định thì mình vẫn có thể dễ dàng tìm được nơi mới, vị trí tốt", anh chia sẻ. 
 
Đầu năm 2016, khi biết anh Đức Huy (33 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có ý định xin nghỉ việc ở cơ quan Nhà nước để mở tiệm xăm thẩm mỹ, nhiều người thân và bạn bè phản đối, thậm chí cười nhạo. Sau 6 năm bám trụ công việc nhàn hạ tại một đơn vị Nhà nước, mỗi tháng anh nhận lương 3,5 triệu. Vợ anh, chủ một cửa hàng thời trang nhỏ, có thu nhập gấp chồng cả chục lần. 
 
Vợ không ca thán, nhưng chán nản với công việc lương thấp mà tốn nhiều thời gian, anh Huy quyết chuyển việc. Anh đi học xăm lông mày vì từ nhỏ đã ham mê vẽ và có năng khiếu về thẩm mỹ. Mở tiệm riêng, ban đầu anh chủ yếu làm cho người quen, bạn bè, lấy giá chỉ bằng nửa thị trường. Dần dần, tiếng lành đồn xa, khách tới ngày càng đông. Hiện tại, mỗi tháng, anh kiếm được khoảng 30-40 triệu đồng, trong khi một ngày chỉ phải làm 3-4 tiếng, có thời gian đưa đón con, làm việc nhà.
 
Tuy vậy, số người dám bứt ra như anh Huy, anh Hoàng ở trên không nhiều. Làm hành chính ở một trường cao đẳng tại Hưng Yên, lương của anh Đức chưa đầy 4 triệu một tháng. Vì thế, các chi phí ăn uống cho cả gia đình, đóng học cho hai con, đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi đều một tay vợ lo. "Tôi chỉ đủ tiền xăng xe, điện thoại, cưới hỏi ma chay, thỉnh thoảng còn phải đi giao lưu với đồng nghiệp", anh nói. 
 
Phần ngại vì không hỗ trợ được tài chính cho gia đình, phần chán nản với công việc đang làm, anh tính nghỉ để về bán hàng cùng vợ nhưng gặp phải sự can ngăn của nhiều người. "Xin vào đó tốn của bố mẹ tôi ít nhiều, các cụ cũng muốn con làm người Nhà nước chứ không thích là con buôn. Giờ xin nghỉ tôi cũng chưa biết phải bắt đầu xin việc thế nào, làm gì", anh giải thích lý do mình còn băn khoăn. 
 

 

Theo Vương Linh/Vnexpress.net

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...