THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 08:01

Gà trong biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng

30/01/2017 | 12:31
 
Con gà trống trong quan niệm của nhiều dân tộc và tôn giáo trên thế giới là biểu tượng của mặt trời, sự thức tỉnh, sự sống. Ảnh: KT
 
1. Truyền thuyết xây thành Cổ Loa có chuyện con gà trắng thần linh đã phá đổ thành qua một đêm, sau nhờ thần Kim Qui giúp sức, An Dương Vương mới phục dựng được thành cùng câu chuyện tình bi tráng Mỵ Châu - Trọng Thủy. Con gà xuất hiện từ xưa cùng những truyền thuyết lịch sử có thể kể thêm truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh với “voi chín ngà - gà chín cựa - ngựa chín hồng mao”…
 
Ở vùng đất tổ Phú Thọ có tập tục Múa gà phủ, diễn ra theo truyền thống vào tối ngày mồng Bảy tháng Giêng hàng năm trong lễ “Mở cửa rừng”. Theo tập tục, người chủ tế và ông thủ từ đền Thượng sẽ mang đôi gà trống mái cùng trai gái vào rừng. Sau khi làm lễ, chủ tế cắt tiết gà và hòa chung tiết gà trống, gà mái rồi đổ xuống đất. Người múa mô phỏng hình thức săn bắt, phụ nữ tượng trưng cho gà mái. Với những tiếng hú hét hoang dại, các đôi nam nữ múa những động tác như trống mái phủ nhau. Nghi lễ múa mang tính phồn thực, gà là hình ảnh biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, may mắn trong săn bắn, mùa màng.
 
2. Phổ biến trong quan niệm dân gian, gà thường biểu tượng cho mặt trời, ánh sáng, điều tốt lành, sự sinh sôi, may mắn, thuận lợi...
 
Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) nổi tiếng có nhiều đề tài, hình ảnh vẽ gà nhằm để chúc phúc, mong những điều tốt đẹp. Tranh “Đại cát” nhấn mạnh sự cát tường, gà thường được vẽ với hoa cúc, theo cặp đôi kê - cúc. Tranh “Gà đàn” gợi ý đến sự sung túc, ấm cúng, tình mẫu tử… Người ta còn miêu tả gà trống với 5 con gà con biểu thị ý muốn dạy dỗ con cái của người cha. Tranh “Gà trống gáy” biểu trưng cho sự sảng khoái, công minh cùng sự cao thượng. Ngày Tết, dịp đầu xuân năm mới, người ta hay mua và tặng nhau những bức tranh về gà với những ý chúc tốt lành. Gà trống còn là biểu tượng của ánh sáng, chống lại, đối nghịch với hắc ám, đen tối, gian tà. Ở một số vùng, người dân dán tranh gà trống, đặt tượng, hình ảnh gà trống trên đỉnh cổng hay cửa trước nhà để trấn trạch, bảo đảm sự an toàn của gia đình.
 
 
3. Con gà trống trong quan niệm của nhiều dân tộc và tôn giáo trên thế giới là biểu tượng của mặt trời, sự thức tỉnh, sự sống, bởi tiếng gáy của nó báo hiệu mặt trời mọc, xua tan bóng tối. Ở phương Đông, gà trống còn là hình ảnh của lòng dũng cảm, điều tốt lành, hanh thông. Từ vóc dáng và phong thái của gà trống, người ta quan niệm gà trống biểu tượng cho “ngũ đức” của bậc quân tử. Nhân: Gà trống tốt bụng thường dành thức ăn cho gà mái; Lễ: Cái mào thể hiện sự quan cách; Trí: Bởi cái cựa và cặp mắt tinh anh; Dũng: Thể hiện trong các cuộc chọi không khoan nhượng; Tín: Bởi tiếng gáy luôn chính xác.
 
Theo đạo Cơ Đốc giáo, gà trống biểu hiện của chúa Kitô, đặc biệt nổi lên ý nghĩa biểu tượng cho mặt trời, ánh sáng và sự phục sinh, báo hiệu ngày đến sau đêm. Ở nhiều nhà thờ, hình ảnh con gà trống được đặt lên đỉnh tháp và tháp chuông. Trải qua nhiều đế chế và thời đại, con gà trống vẫn được coi là biểu tượng của nước Pháp - Gà trống Gô - loa.
 
Tập tục cúng gà của tổ tiên đến nay vẫn được hiểu là biểu thị cầu mong điều “cát tường”.

Hồng Tiến/Tạp chí GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...