THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 02:37

Gần 900 ngàn thí sinh thi, cả nước mong ngóng

02/07/2019 | 08:35
 
Niềm vui của thí sinh sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh: Internet
       
Những công đoạn đầu đã diễn ra suôn sẻ
 
Có thể chia kỳ thi THPT Quốc gia ra làm 3 công đoạn: 1. Ra đề thi; 2. Tổ chức thi; 3. Chấm thi. Cả ba công đoạn này đều có ý nghĩa rất quan trọng; rắc rối, sai sót có thể xảy ra ở bất cứ công đoạn nào; tiêu cực có thể xảy ra ở công đoạn tổ chức thi và chấm thi.
 
Đến ngày 28/6/2019, việc ra đề và tổ chức thi đã hoàn tất. Ra đề là một công đoạn vô cùng quan trọng của kỳ thi nhưng vì lý do đặc thù, nó không được phản ánh chi tiết và rộng rãi. Có thể nói vắn tắt thế này: Trước ngày diễn ra kỳ thi khoảng trên dưới 1 tháng, Bộ GD&ĐT triệu tập những giáo viên giỏi nhất, đáng tin cậy nhất tập trung về một địa điểm bí mật để ra đề. Những người này sống biệt lập, không được liên hệ với người thân, bạn bè; chỉ được giao tiếp với những người có trách nhiệm tổ chức ra đề. 
 
Những người ra đề là những người giỏi và thường là có lòng tự trọng nên họ cố gắng làm những đề thi tốt nhất, nghĩa là đáp ứng được các mục tiêu của kỳ thi (tốt nghiệp phổ thông và xét vào các trường cao đẳng, đại học) và phù hợp với kiến thức mà học sinh đã được cung cấp trong 12 năm học phổ thông.
 
Trong kỳ thi năm nay, đề thi được đánh giá là vừa sức thí sinh nhưng chưa có đề thật hay, có khả năng kích thích sự sáng tạo của thí sinh. Đề thi môn Ngữ văn được xã hội chờ đợi và kỳ vọng nhưng nhiều người thất vọng vì đoạn thơ trích lại là thơ dở của một nhà thơ có nhiều thơ hay.
 
Trong việc tổ chức thi tuy không tránh được những sai sót nhỏ, nhưng nhìn chung là yên ả. Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách). Tỷ lệ thí đăng ký thi và tham gia dự thi rất cao, đạt trên 99%. Tuy nhiên, có tới 7.206 thí sinh bỏ thi các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ. Đây là điều rất đáng tiếc.

 
Không khí nghiêm túc trong phòng thi. Ảnh: Internet
 
Chấm thi – Vẫn dằng dặc nỗi lo
 
Kinh nghiệm cho hay, những tiêu cực liên quan đến thi cử trong những năm gần đây liên quan đến khâu chấm thi, trong đó có khâu vào điểm để công bố. Do vậy, năm nay Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến khâu này. Ở nơi chấm thi, ngoài lực lượng bảo vệ, được bố trí rất nhiều camera giám sát. Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng, chấm thi trắc nghiệm nhanh, chính xác và khách quan hơn chấm bài tự luận. Điều này đúng về nguyên tắc và những người tham gia chấm thi trong sáng. Nhưng chấm trắc nghiệm lại dễ gian lận hơn (việc gian lận thi của một số tỉnh năm 2018 đã chứng tỏ điều đó).
 
Năm nay, có một điểm mới là việc chấm thi môn Văn, nếu thấy đội ngũ chấm thi không đủ, quy chế cho phép các địa phương có thể mời thêm chuyên gia. Thật ra, chấm môn Văn rất quan trọng. Ví dụ, ở Mỹ việc thi và xét tốt nghiệp phổ thông đơn giản, nhưng có chuyện học sinh phải viết bài luận. Bài luận này sẽ được gửi đến trường đại học mà em học sinh đó muốn làm sinh viên. Ở Việt Nam chưa làm điều này, nhưng ở mức độ nào đó, bài thi môn Văn thể hiện được những phẩm chất của thí sinh. Do vậy, việc chấm kỹ môn Văn là cần thiết. Và để làm tốt điều này, việc mời chuyên gia là biện pháp khả thi.
 
Việc chấm lại bài thi điểm cao cũng là điều cần thiết để củng cố lòng tin và để những người còn nghi ngờ phải “tâm phục, khẩu phục”. Ở đây, Bộ GD&ĐT nói rõ là sẽ chấm tối thiểu 5% chứ không nhất thiết chỉ có 5%; nghĩa là có thể chấm lại nhiều hơn 5%.
 
Một trong những điều dư luận xã hội cũng như một số chuyên gia thắc mắc là tại sao Bộ GD&ĐT không cung cấp đáp án ngay sau kì thi? Đây chính là một trong những điều chỉnh của năm nay nhằm tránh tiêu cực. Theo ý kiến của một số cán bộ trong Bộ GD&ĐT là khi có đáp án, nếu có cán bộ chấm thi tiêu cực thì họ căn cứ vào đáp áp sửa chữa bài thi để đạt điểm tuyệt đối. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí cho biết sẽ công bố vào thời điểm thích hợp. Chỉ có điều “khi nào là thời điểm thích hợp” thì ông Trinh không nói. Xã hội, nhất là báo chí hơi “dị ứng” với cách nói không cụ thể này.
 
Mong ngóng và mong muốn
 
Nhìn chung, xã hội vẫn mong ngóng và nỗi lo về kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vẫn còn đó. Không ai có thể bảo đảm là năm nay gian lận trong việc chấm thi không diễn ra. Thí sinh và phụ huynh sẽ hồi hộp cho đến ngày 14/7/2019  là thời hạn Bộ GD&ĐT ấn định công bố điểm thi.
 
Điều đáng quan tâm là kỳ thi này đạt được những mục tiêu đã đề ra. Đó là công nhận tốt nghiệp phổ thông cho thí sinh và lựa chọn những em mong muốn vào các trường cao đẳng, đại học. Nếu đề ra phù hợp, tổ chức thi nghiêm túc, chấm thi công bằng, chính xác thì các trường đại học, cao đẳng sẽ tuyển được những tân sinh viên xứng đáng.
 
Cũng đừng quên là có gần 30% thí sinh chỉ có nguyện vọng tốt nghiệp phổ thông, sau đấy sẽ học nghề hoặc đi làm ngay. Đây là cơ hội của hệ thống các trường dạy nghề. Ngoài ra, các trường đại học và cao đẳng cũng không nên hạ thấp điểm chuẩn để “hớt tay trên” của các trường nghề. Học nghề cần ít thời gian hơn, chi phí thấp hơn và khi ra trường thì dễ xin việc hơn. Các thí sinh và các vị phụ huynh đừng quên điều này!
 
Khi kỳ thi khép lại thì mùa tuyển sinh mở ra. Quyết định vào học trường nào, nghề gì mới là điều có ý nghĩa với các nam thanh, nữ tú vừa học hết phổ thông năm 2019.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...