THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 04:29

Giải ngân vốn đầu tư công chậm là một nỗi lo

03/11/2020 | 09:40

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Giải ngân vốn đầu tư công quan trọng thế nào?


Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác. Đây chủ yếu là những khoản đầu tư phát triển nên có vai trò rất quan trọng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, đã có hẳn Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2019. Vốn đầu tư công được quy định tại Luật này gồm: vốn ngân sách Nhà nước, vốn công trái Quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương...


Đầu tư công đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững ở hầu như tất cả các quốc gia. Đầu tư công được đầu tư tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội. Đầu tư công được xem là đầu tư phát triển quan trọng nhất.


Tổng vốn đầu tư công năm 2020 là 630.000 tỷ đồng. Chính phủ kỳ vọng giải ngân hết số tiền này sẽ tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, nhiều công trình, dự án quan trọng được triển khai, tạo ra xung lực phát triển. Ấy thế nhưng trên thực tế, việc giải ngân vốn đầu tư công diễn ra khá chậm chạp. Không phải đến bây giờ, mà ngay từ tháng 8/2020, Chính phủ đã có hội nghị nhắc nhở về vấn đề này. Hơn 2 tháng trôi qua, tình hình có khá hơn nhưng vẫn còn rất nhiều tiền chưa được tiêu.


Tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020


Phát biểu tại hội nghị ngày 29/10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 60%; giải ngân ODA cũng có chuyển biến, nhưng tỉ lệ còn thấp. Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cụ thể hơn: Kế hoạch giải ngân đầu tư vốn ODA đến ngày 31/10 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.


Không chỉ giải ngân chậm, mà một số bộ, ngành, địa phương xin trả lại (nghĩa là không có nhu cầu tiêu đến trong năm nay) số tiền là 6.338,054 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước là 341,6 tỷ đồng, vốn ODA là 5.996,454 tỷ đồng. Như vậy là vốn ODA bị trả lại rất nhiều. Điều này là rất đáng ngại, bởi vì ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, làm rõ lộ trình cách làm ODA thuận lợi, bài bản, thống nhất hơn. Từ đó có kế hoạch ODA trung hạn 5 năm.


Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa mấy sáng sủa,  người đứng đầu Chính phủ bộc bạch: “Không chấp nhận tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ chịu nghèo mãi. Đó là nghịch lý, là sự yếu kém trong quản lý, phải kiên quyết thay đổi”. Có lẽ đây là lời kêu gọi thoát nghèo thống thiết nhất từ việc tìm cách giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu phải giải ngân hết số vốn 630.000 trong năm 2020 và nhấn mạnh đây là nguồn quan trọng cho tăng trưởng, giải quyết nhiều việc làm.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Ảnh: Quang Phúc


Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Nguyên nhân và giải pháp


Chuyện giải ngân đầu tư công chậm không chỉ nói lên tình trạng “ùn tắc” trong phát triển kinh tế, mà nó còn nói lên chất lượng cán bộ chủ chốt ở địa phương, cán bộ đầu ngành ở trung ương. Một số nhà quan sát cho rằng, năm nay giải ngân đầu tư công chậm vì là năm đại hội đảng bộ các bộ, ngành, tỉnh, thành. Hầu như ít người dám mạnh dạn triển khai các dự án vì sợ sai, sợ mất phiếu, mất chức. Thêm nữa, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới chuyện giải ngân vốn đầu tư công.


Điều này có lẽ đúng phần nào. Song, nó lại nói lên mối lo khác. Đó là mối lo về nhiều cán bộ thiếu tầm nhìn, thiếu bản lĩnh, thiếu tinh thần “dám làm, dám chịu”. Làm kinh tế bây giờ cũng như đánh trận vì “thương trường là chiến trường”. Nếu không hiểu biết, không tự tin, không có lòng dũng cảm thì khó mà có đột phá trong phát triển kinh tế.


Chuyện tiền đầu tư công chậm được giải ngân đã được giới quan sát bàn tán, trao đổi từ lâu. Người ta nhận định: Tiền đầu tư công giải ngân không hết là rất xấu, nó đồng nghĩa với việc hàng loạt công trình, dự án bị ngưng trệ, hàng trăm ngàn người không có việc làm, của cải bị thiếu hụt... Không tiêu hết tiền đầu tư công, nghĩa là tình hình kinh tế - xã hội khó mà phát triển theo kế hoạch được.


Như vậy, trên thực tế có một bộ phận không nhỏ quan chức chưa dám mạnh dạn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Nguyên nhân thì có nhiều. Có người phán đoán rằng, bây giờ công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh nên nhiều quan chức không dám tham nhũng, do đó họ không tiêu tiền đầu tư công. Đây chỉ là phán đoán của giới quan sát nhưng xem ra khá logic.


Dù là vì lý do gì đi chăng nữa thì yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công đang đặt ra rất gay gắt. Giải pháp đầu tiên là cán bộ và chất lượng cán bộ. 63 bí thư tỉnh, thành khóa 2020 – 2025 đã được xác định. Ít nhất họ có quỹ thời gian là 5 năm để thể hiện những phẩm chất lãnh đạo của mình. Họ có điều kiện để thực hiện những ý tưởng (nếu có) trong thực tế. Họ phải biết cách để tiền đẻ ra tiền, nghĩa là phải biết cách giải ngân vốn đầu tư công sao cho hiệu quả.


Đang trong tiến trình tới tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Những chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước đang chờ những người có năng lực. Các ứng cử viên cho những chức vụ này, ngoài những phẩm chất khác ra, buộc phải có năng lực giải ngân vốn đầu tư công.


Phẩm chất, năng lực của cán bộ đứng đầu sẽ giải quyết tất cả. Vì vậy, giải pháp của giai đoạn này là sáng suốt tìm ra cán bộ có năng lực, dám làm, dám chịu và biết làm thành công.
 

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...