THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 03:23

Giảm nghèo ở Lục Yên: Không để ai bị bỏ lại phía sau

16/08/2018 | 15:42
           
 
 Nhiều hộ dân trong vùng Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 ở huyện Lục Yên được hỗ trợ mô hình chăn nuôi.
 
Tạo động lực nhằm giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
 
Để nâng cao điều kiện sống cho người nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 của huyện Lục Yên được thực hiện từ tháng 7/2010 đến hết năm 2018 triển khai trên địa bàn 7 xã gồm: Mường Lai, Tân Phượng, Tân Lập, Phan Thanh, Khánh Hòa, Động Quan và Phúc Lợi. Đây là những xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% và tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 77% -99%. 
 
Để Dự án triển khai hiệu quả, Ban quản lý Dự án huyện đã thiết lập và triển khai thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống người hưởng lợi thông qua hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: cầu, đường, ngầm, đập, mương, chợ, công trình cấp nước sạch… Nhằm triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, hàng năm, Ban chỉ đạo công tác Giảm nghèo huyện đã kiện toàn hoạt động đến tất cả các xã, thị trấn; Chủ động triển khai rà soát hộ nghèo, cận nghèo, gắn với lồng ghép các chương trình dự án, các nguồn lực đầu tư để xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế của từng địa phương; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập.
 
Gần 100 tỷ đồng từ Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 đầu tư về các xã nghèo huyện Lục Yên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng Dự án. Đây là niềm vui cho người dân thuộc các xã được hưởng lợi từ Dự án và là động lực mạnh mẽ, tiếp tục thúc đẩy các xã nghèo phát triển, để nâng cao thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
 
Thu nhập các hộ dân vùng dự án được hưởng lợi tăng thêm.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
 
Huyện Lục Yên đã nhanh chóng thực hiện những giải pháp trọng tâm của công tác giảm nghèo như: tiếp nhận và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo. Chính quyền các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, tăng cường tuyên truyền chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân; đẩy mạnh công tác dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm. Để tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, các tổ chức đoàn thể còn đứng ra tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất.
 
Các chỉ tiêu tạo việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất, vay vốn tạo việc làm, mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp để người lao động sau khi học nghề có thể tìm được việc làm tại các công ty, doanh nghiệp và tham gia xuất khẩu lao động được thực hiện đồng bộ. Huyện đã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề mở 23 lớp đào tạo nghề cho 690 học viên, trong đó nghề phi nông nghiệp với các nghề như: may công nghiệp, sửa chữa máy nông cụ…, nghề nông nghiệp (chăn nuôi thú y, kỹ thuật chăn nuôi thủy sản, trồng nấm…). Tăng cường phân cấp quản lý đầu tư cho xã, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ thuật và phòng chống rủi ro thiên tai cho cán bộ xã, thôn, bản và người dân; Liên kết thị trường trong sản xuất giữa nhóm hộ và các doanh nghiệp về bao tiêu sản phẩm nhằm tìm được thị trường lâu dài và ổn định cho người sản xuất.
 
Thực hiện các chính sách giảm nghèo, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ 10 xã đặc biệt khó khăn và 54 thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn với kinh phí hàng năm trên 1 tỷ đồng gồm: hỗ trợ cây nông nghiệp như: giống lúa, ngô lai, chăn nuôi trâu, bò, lợn nái sinh sản, lợn thịt, gia cầm, vật tư làm chuồng trại, vắc-xin phòng dịch bệnh…
 
Cùng với việc hỗ trợ cho phát triển sản xuất, người dân thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Chính phủ như: hỗ trợ tiền điện, trẻ em dưới 6 tuổi thuộc vùng khó khăn được hỗ trợ tiền ăn trưa, được cấp bù học phí. Chính sách hỗ trợ về y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng cũng được đặc biệt quan tâm với 82.607 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 
 
Qua đánh giá, các tiểu dự án hầu hết đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, giúp người dân, đặc biệt là các hộ nghèo có điều kiện mở rộng mô hình kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững.
 
Một trong những tiểu dự án sinh kế được đánh giá là thành công nhất ở Lục Yên, đó là tiểu dự án nuôi lợn nái sinh sản và xây dựng hầm biogas triển khai từ 2013 đối với 10 hộ ở thôn Bản São, xã Tân Lập. Chị Nông Thị Luận - Trưởng nhóm chăn nuôi tâm sự: Mỗi hộ được hỗ trợ 1 lợn nái, thuốc thú y, cám, chuồng trại và đến cuối năm, lợn nái sinh được 80 lợn con. Thấy hiệu quả kinh tế, năm 2015, nhóm kết nạp thêm 5 hộ và lấy tiền từ quỹ của nhóm cho các hộ mới vay để đầu tư lợn nái. Sau vài năm, nhóm hiện có 33 lợn nái và mỗi hộ trung bình có từ 5 - 10 lợn thịt. Các hộ còn xây dựng hầm biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Đến nay, nhóm không còn hộ nghèo.
 
Một tiểu dự án khác cũng được đánh giá cao là tiểu dự án trồng cam tại thôn 3, xã Mường Lai. Mô hình này trồng giống cam sành với 0,72ha, được hỗ trợ 360 cây giống, phân bón, thuốc phòng bệnh, được hướng dẫn kỹ thuật. Sau 4 năm trồng, chăm sóc, mỗi cây cho thu 50kg quả, thu được 324 triệu đồng. Thấy được hiệu quả của tiểu dự án này, hiện nay, số hộ của tổ hợp tác đã lên 28 hộ với diện tích cam đã trồng trên 5ha,với gần 3.000 cây.
 
Đến thời điểm này có thể khẳng định, Dự án đã đạt mục tiêu đề ra, trên 95% số người hưởng lợi đều hài lòng với sự lựa chọn, thiết kế và thực hiện các hoạt động của Dự án; 97% số hộ trong vùng Dự án được cải thiện và tiếp cận cơ sở hạ tầng cơ bản, thu nhập các hộ dân được hưởng lợi tăng thêm 30% so với trước. 
 
Với những lợi ích đem lại, Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Lục Yên đã và đang góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
                                                                                                        
Qua đánh giá, các tiểu dự án hầu hết đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, giúp người dân, đặc biệt là các hộ nghèo có điều kiện mở rộng mô hình kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thành Sơn/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...