THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 10:04

Gian lận kết quả thi tại Hà Giang: Nghiêm trọng về pháp lý và đạo đức

28/07/2018 | 07:00
 
Cú sốc trong lịch sử thi cử
 
Thật khó tưởng tượng, trong một kỳ thi quốc gia bậc THPT ở một tỉnh miền núi, có tới 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có điểm đã công bố chênh lên từ 1,0 đến 8 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm; cá biệt, có thí sinh tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm! Tính chất sự việc không chỉ nghiêm trọng về mặt pháp lý mà còn cả về mặt đạo đức.
 
Đối tượng trực tiếp can thiệp kết quả thi của thí sinh đã được xác định rõ là ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. Rồi đây ông Lương sẽ phải đối diện với pháp luật. Theo kết quả điều tra, lợi dụng việc được phân công là dùng máy tính quét bài thi trắc nghiệm, vị phó phòng này đã tải toàn bộ đáp án thi về máy tính và chuyển vào phần mềm. Nhận các tin nhắn gửi vào điện thoại cá nhân, ông này nhập số báo danh vào máy tính và sửa điểm. Tổng cộng, ông Lương đã sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh. Đáng chú ý, vị phó phòng chỉ mất 6 giây để sửa điểm cho một thí sinh.
 
Sự phẫn nộ trong cộng đồng là có thể hiểu được vì lâu nay, một thực tế là việc chạy trường, chạy điểm, chạy lớp diễn ra để khi kết thúc kỳ thi, nhiều em học thật thì thất vọng tột cùng vì không đủ điểm tuyển sinh, trong khi nhiều em học giả thì chễm chệ ngồi vào giảng đường các trường danh giá.
 

Học sinh luôn mong muốn có kỳ thi nghiêm túc.
 
Cú sốc lớn với học sinh
 
 Bên cạnh việc niềm tin bị lung lay, chính các em được nâng điểm cũng phải đối mặt với sự dằn vặt, cảm giác thất vọng, xấu hổ tột độ khi điểm thi như "rơi từ thiên đường xuống địa ngục". Màn phù phép của một cán bộ khảo thí ở Hà Giang bị phát hiện khiến hàng loạt các thí sinh đang từ vị trí thủ khoa của một trường đại học nào đó rơi về trạng thái điểm liệt, không đủ tốt nghiệp THPT.
 
Dựa vào tình hình thực tế, chúng ta có thể thấy rõ là chính các em học sinh được nâng điểm đang phải chịu đựng một cú sốc lớn. Các em bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm khi mà sự việc được phanh phui, các em sẽ bị cưỡng chế đón nhận những ánh mắt dò xét, soi mói hay những lời lẽ không hay về một lỗi lầm mà có thể chính các em cũng không hề biết.
 
 Hành động tiêu cực xuất phát từ tham vọng của người lớn đã làm tổn thương đến các em, từ những đứa trẻ đang hạnh phúc vì tốt nghiệp với điểm số cao nay lại thành tâm điểm bị chỉ trích khi điểm thật được công bố. Thật khó để nói rõ những khủng hoảng về mặt tâm lý mà các em phải chịu đựng. Màn phù phép nâng điểm được người lớn tiếp tay, dẫn đến, ngay từ khâu thi cử các em đã là sản phẩm của trò gian lận, dối trá. Có thể nhiều em không biết việc sửa điểm bởi do tác động của người lớn, của cha mẹ và các em bị cuốn vào vòng xoáy đó. 
 
 Trước hết, các em phải đối diện với chính bản thân mình, với cảm xúc thất vọng, chua xót. Sau đó các em còn phải đối diện với bạn bè, mọi người xung quanh. Người ta có thể nghi ngờ về quá trình học tập của các em trước đây, liệu có bị tác động bởi những điều tương tự như vậy hay không? Hàng triệu trẻ em chứng kiến vụ việc gian lận điểm thi kinh hoàng này sẽ thấy mất niềm tin, sự công bằng, minh bạch trong thi cử. Các em cũng sẽ nảy sinh những nghi ngờ: Liệu các kết quả của các tỉnh khác, các kỳ thi khác hay các năm trước có công bằng?
 
 Bất cập của đề án đổi mới thi cử
 

Cần lấy lại niềm tin vào một kỳ thi quốc gia với công sức đóng góp của cả xã hội.
 
Không thể phủ nhận những cố gắng của ngành giáo dục với mong muốn tìm ra một chiến lược, một cách thức thi cử và tuyển sinh phù hợp với cả nước. Nhưng cũng không thể thống kê hết được những bất cập trong mỗi lần ngành giáo dục thay đổi cách thức thi cử và tuyển sinh đã tác động to lớn và sâu sắc thế nào tới các thế hệ học sinh…
 
Một thực trạng dễ nhận thấy là nền giáo dục nước nhà nhiều năm nay, dường như luôn lúng túng và luẩn quẩn trong việc tìm ra chiến lược và sách lược dài hạn cho sự nghiệp giáo dục. Từ việc cải cách giáo dục; thay đổi sách giáo khoa; thay đổi chương trình, ghép các môn học, nhất là thay đổi cách thức thi cử, tuyển sinh trong vòng 20 năm trở lại đây đã đem lại nhiều biến động với các thế hệ học sinh cuối cấp học. Từ việc thi riêng đến thi 2 chung rồi 3 chung, rồi việc đăng ký nguyện vọng, xét tuyển mỗi năm một khác. 
 
Phụ huynh mong ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận thẳng vào những bất cập, những hạn chế, khuyết điểm trong chiến lược giáo dục của mình, nhất là với công tác thi cử và tuyển sinh, để có giải pháp mang tính đột phá và ổn định là điều cần thiết. Khi mà các trường đại học, cao đẳng… căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, chọn sinh viên vào học, trong khi kỳ thi lại do các tỉnh, thành thực hiện… thì việc tiêu cực, làm sai lệch điểm lên đến cả 8-9 điểm /bài thi là điều đã xảy ra, mà Hà Giang là tỉnh điển hình.
 
 Nhiều chuyên gia cho rằng, nên chăng chỉ cần phân cấp, giao thẩm quyền cho Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường THPT công nhận các em hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông trên cơ sở kết quả học tập các năm học đã có trong hồ sơ học tập. Đi cùng với đó, việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng… cần phải được giao cho các nhà trường chủ động thực hiện trên cơ sở kết hợp xét tuyển theo hồ sơ và thi tuyển, sát hạch đầu vào. Không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi quốc gia tốn kém như thời gian qua mà vẫn không đảm bảo sự minh bạch, khách quan theo đúng nghĩa của thi cử.
 
Đã đến lúc phải xóa bỏ tư duy bao cấp trong giáo dục, Nhà nước lo hết mọi thứ mà không phân cấp, phân quyền cho các nhà trường, các cơ sở giáo dục… để chuyển sang tư duy thị trường trong giáo dục. Trong cơ chế thị trường, hội nhập của thời kỳ công nghiệp 4.0, cần phải coi mỗi một học sinh, lên lớp, ra trường, tốt nghiệp, đi làm… là một sản phẩm của giáo dục. 
 
Từ sự cố Hà Giang, dư luận xã hội tỏ ý lo lắng cho số phận của đề án đổi mới thi cử của Bộ Giáo dục - Đào tạo đang vận hành. Đúng là cần nghiêm túc nhìn nhận những kẽ hở của quy chế thi và cách thức chấm thi, để hóa giải, hạn chế, nhất là khâu theo dõi, giám sát. Thực tế thì phương pháp nào, dù tối ưu nhất cũng bộc lộ những hạn chế, phương tiện công nghệ nào hiện đại, thông minh nhất cũng do con người tạo ra và do con người sử dụng. Yếu tố con người, bao gồm người lãnh đạo và người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, luôn luôn quyết định sự thành công hay thất bại trong từng công việc.
 
Để lấy lại niềm tin vào một kỳ thi quốc gia với công sức đóng góp của triệu người, cần công khai xử lý, làm rõ đến cùng những người liên đới trách nhiệm tới vụ việc gian lận điểm số quy mô lớn như ở Hà Giang, nhằm lấy lại niềm tin trong xã hội và sự công bằng cho phụ huynh và các em học sinh. 
  

Hồng Lĩnh/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...