THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 03:13

Gieo giấy báo, gặt cây xanh

24/10/2016 | 15:01
 
Tờ báo Mainichi Shimbunsha và thành phẩm sau khi được tái chế. Ảnh cắt từ clip
 
Điều tôi đang nói không phải trích từ một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nào mà đó là sự thật. Giấy báo làm từ gỗ và rồi từ giấy báo lại nảy sinh ra các mầm cây. Cây xanh “hồi sinh” từ giấy báo. Điều này khá mới mẻ với người dân Việt Nam nhưng chẳng lạ lẫm gì với người Nhật Bản. Tờ nhật báo hàng đầu của xứ sở mặt trời mọc Mainichi Shimbunsha đã kết hợp với Công ty Dentsu Inc - một trong những công ty quảng cáo lớn nhất của Nhật Bản để chế tạo ra những “tờ báo xanh” có thể… nở hoa sau khi tái chế.
 
Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn tránh lãng phí, và quan trọng hơn cả là tạo ra sự khác biệt, gây hứng thú đối với người đọc, nhất là các em nhỏ.

4 bước để tờ báo… nở hoa
 
Đầu tiên, hãy đọc tờ báo, các thông tin trên tờ báo Mainichi Shimbunsha đều đặc biệt thú vị và giá trị. Sau khi đọc báo xong, bạn chỉ cần xé một vài mẩu giấy nhỏ (điều này hẳn các em nhỏ sẽ vô cùng thích thú và thành thạo) bỏ vào một chậu đất tơi xốp hoặc gieo trên mảnh vườn ẩm và tưới một chút nước hàng ngày. Chỉ vài ngày sau, bạn sẽ thấy những mầm xanh xuất hiện. Bạn sẽ không thể biết được mầm xanh này là của cây hay hoa gì cho đến khi chúng trưởng thành. Thật vô cùng bất ngờ và thú vị, từ một tờ báo cũ đã hết giá trị sử dụng thông tin, bạn lại có được một chậu hoa ngát hương, một mảnh vườn nhỏ xinh đầy hoa và lá.
 
Sở dĩ, giấy báo Mainichi Shimbunsha có thể nảy mầm, mọc thành cây là vì loại giấy để in báo Mainichi Shimbunsha được kết hợp sẵn những hạt giống cây hoa hoặc thảo dược nhỏ li ti. Quá trình để giấy báo Mainichi Shimbunsha nở ra hoa khá đơn giản đối với các độc giả nhưng công nghệ để làm ra những tờ báo có thể nảy mầm, thành cây và sống được lại rất phức tạp và tốn kém tiền của. Quyết định sản xuất hàng loạt một tờ báo in ứng dụng công nghệ hiện đại và tốn kém này là một quyết định khá mạo hiểm. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm phát hành, Mainichi Shimbunsha đã nhận được thành quả xứng đáng với những công lao và sự sáng tạo mình bỏ ra. Mỗi ngày, “tờ báo xanh” phát hành hơn 4 triệu bản và có mặt trên trên tất cả các kệ báo của đất nước Nhật Bản, đạt doanh thu hơn 80 triệu yên (tương đương khoảng 15 tỷ đồng Việt Nam). 
 
 
Giấy báo Mainichi Shimbunsha nở thành hoa sau khi được gieo xuống đất và tưới nước hàng ngày. Ảnh cắt từ clip
 
Bài học từ “tờ báo xanh”
 
Với công nghệ tái chế vô cùng đặc biệt, Mainichi Shimbunsha hẳn là tờ báo in thân thiện nhất với môi trường. Khi clip diễn tả quá trình tái chế “tờ báo xanh” Mainichi Shimbunsha được công chiếu rộng rãi trên truyền hình, Youtube và các mạng xã hội. Cái tên Mainichi Shimbunsha đã vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Tôi không biết Mainichi Shimbunsha tiếng Nhật là gì, nhưng tôi biết Mainichi Shimbunsha là một “tờ báo xanh”.
 
Trong khi ở hầu hết các quốc gia, giấy báo sau khi phát hành bị loại bỏ, hoặc cùng lắm chỉ dùng để gói hoa hay bọc đồ thì ở Nhật Bản, sự sáng tạo đến từ những người tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ môi trường đã biến giấy báo cũ thành những thảm thực vật xanh hữu ích cho con người.
Sáng kiến “tờ báo xanh” này cũng được Nhật Bản đưa vào các trường học với mong muốn nâng cao nhận thức của trẻ em về các vấn đề môi trường và dạy cho các em tầm quan trọng của việc tái chế.
 
Tái chế các nguyên liệu đã qua sử dụng, trong đó giấy chiếm tỷ lệ lớn được coi là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu phát thải khí CO2 từ các hệ thống xả thải truyền thống.
 
Rất có thể, “tờ báo xanh” Mainichi Shimbunsha sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp báo in thế giới. Với ưu thế tái chế được và thân thiện với môi trường, báo in hoàn toàn có đủ khả năng để tiếp tục cạnh tranh với các loại hình báo chí hiện đại khác và tồn tại vững bền trong lòng độc giả.
 
Hy vọng, một ngày không xa, độc giả Việt Nam sẽ được cầm trên tay một tờ báo có thể nở hoa sau khi được gieo trồng, biết đâu đấy lại là tờ tạp chí Gia đình và Trẻ em. Điều tôi nói không phải trích từ trong một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nào đó, chỉ là “câu điều kiện” ấy chưa xảy ra mà thôi.

Phương AnhTạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...