THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 05:38

GS. TS Đặng Hùng Võ: "Quan trọng nhất là Tâm của người quy hoạch"

28/12/2019 | 16:54

Phải thay đổi về cách tính giá trị bồi thường đất

Trong quy hoạch, việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đang có nhiều bất cập cần sửa đổi. Theo ông, có cách tháo gỡ nào để hài hoà với lợi ích của người dân ?

Về chuyện thu hồi đất bồi thường, giải phóng mặt bằng thì hiện nay còn có mấy điểm cần xem xét để sửa đổi. Thứ nhất là, những dự án vì mục đích kinh tế nên thay đổi thế nào? Vì thường là lợi ích của chủ đầu tư chiếm tỷ trọng cao, còn Nhà nước chỉ là lợi ích về mặt phát triển được chứ không có lợi ích cụ thể về kinh tế. Về vấn đề này, nên dựa vào cơ chế đồng thuận cộng đồng, về bồi thường giải phóng mặt bằng nên đưa ra lấy ý kiến và nếu được khoảng 70% cộng đồng những người bị thu hồi đất đồng ý thì phương án đó được chấp nhận.

GS. TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường

Thứ hai, luật quy định giá giá trị bồi thường phải tính theo giá đất phù hợp thị trường, nhưng hiện nay vẫn dùng phương pháp định giá thứ 5 tức là bảng giá của Nhà nước nhân với hệ số, mà hệ số thì hiện nay chủ yếu các nơi lựa chọn  cỡ từ 1,5 đến 2 lần, trong khi bảng giá đất của nhà nước chỉ bằng 30% thị trường, như vậy thì có nhân 2 lần cũng chỉ được 60%, và người dân vẫn cứ thắc mắc về giá đất để tính bồi thường. Đấy chính là cái mà chúng ta phải thay đổi về cách tính giá trị bồi thường đất.

Điều thứ ba, tôi cho rằng, chúng ta duyệt các dự án đầu tư ồ ạt. Về dự án đầu tư phải hiệu quả hơn hiện trạng thì hãy quyết định đầu tư. Hiện nay chúng ta thấy các địa phương cứ duyệt các dự án đầu tư rất bừa bãi, thậm chí có những dự án của chủ đầu tư thuộc diện “tay không bắt giặc” cũng rất nhiều. Theo tôi, cần có quy định về tiêu chí nào để duyệt các dự án đầu tư. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra cách thức phù hợp về mặt tiếp cận đất đai.


Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận (ảnh: minh hoạ)

Nhìn ra các nước, họ làm thế nào thưa GS?

Các nước vẫn dùng cơ chế gọi là tính phân tích chi phí lợi ích, tức là một dự án đầu tư thì lợi ích trừ chi phí là bao nhiêu? Chỉ số đó so với chỉ số hiện trạng hiện nay là bao nhiêu? Từ đấy người ta mới tính dự án đầu tư có nên hay không? Nếu vì mục đích kinh tế của chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm và được pháp luật quy định là đưa lợi ích thu được một phần chia sẻ cho cộng đồng tại địa phương nơi có đất, cho cộng đồng những người bị mất đất. Đấy là nguyên tắc mà thế giới họ làm rất nhiều, mà Việt Nam vẫn chưa có quy định nào và vẫn có vẻ như các địa phương “chiều chuộng” chủ đầu tư quá và người ta vẫn nói rằng đó là nhóm lợi ích, là thân hữu, thậm chí gắn với tham nhũng, đưa phong bì thì được giao đất.v.v. Theo tôi, cần phải đưa những tiêu chí rất mạch lạc về chấp nhận dự án đầu tư và trách nhiệm của chủ đầu tư đối với những người bị mất đất.

Điều chỉnh quy hoạch nên ưu tiên nghe ý kiến của nhóm yếu thế

Về phía người dân, kể cả khi họ có sổ đỏ nhưng họ vẫn có thể bị cái chữ là thu hồi đất và gia đình họ sẽ bị mất tài sản bao đời để lại rất đau thương. Ông có lời khuyên nào những hộ gia đình làm gì để đấu tranh cho các quyền chính đáng của họ?

Đấy là do cách tính bồi thường đất hiện nay. Tôi lấy ví dụ trường hợp một gia đình ở Cần Thơ, có vườn sầu riêng rất đặc biệt, quả rất ngon và nuôi sống gia đình 5-7 đời nay, nhà nước quyết định thu hồi đất để chỉnh trang đô thị. Gia đình đó khiếu nại, hãy bồi thường cho tôi tính bằng sầu riêng như một cây lâu năm, mà tính theo giá đất trồng cây lâu năm thì thấp hơn rất nhiều so với thu hoạch thực. Họ đưa ra chỉ số hàng năm thu hoạch được bao nhiêu quả, bán ra thị trường được bao nhiêu, và con số là rất lớn. Còn hiện nay nếu bồi thường theo giá của nhà nước quy định về cây lâu năm trên đất thì mỗi cây được khoảng 500 – 600.000 đ, như vậy thì họ mất hết sinh kế, gia đình sẽ điêu đứng. UBND tỉnh Cần Thơ đã quyết định rất đúng đắn là điều chỉnh quy hoạch để không thu hồi đất tại vườn sầu riêng này nữa. Tôi đánh giá rất cao quyết định của UBND Cần Thơ, và tôi cho rằng, các tỉnh nên lấy đây là một ví dụ cụ thể để các tỉnh có cách cư xử với việc này, kể từ cả quy hoạch, quy hoạch đô thị không chỉ là việc ngồi vẽ cho đường nối ngay ngắn, đến khi gặp phái mạnh ví dụ như vụ đường Trường Chinh (Hà Nội) chẳng hạn thì lại uốn cong mềm mại, nhưng khi gặp nhóm yếu thì cứ thế đi thẳng… Đấy là những cái rất vô cảm của người làm quy hoạch. Trên thực tế, có nhiều điều chỉnh quy hoạch vì có ý kiến của nhóm mạnh, chứ nếu nhóm yếu mà lên tiếng thì không được điều chỉnh.

Tôi cho rằng, cần cân đối trong điều chỉnh quy hoạch dựa trên ưu tiên nghe ý kiến của nhóm yếu thế và hạn chế điều chỉnh theo ý kiến của nhóm thế mạnh. Điều quan trọng nhất là Tâm của người quy hoạch, người thực hiện thu hồi đất như thế nào để có thể đừng đẩy người dân vào cảnh điêu đứng.

Xin cảm ơn ông.

Hồng Nga / TC Gia đình & Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...