THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 06:09

Hà Nội chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

05/10/2018 | 17:55
 
 Một gian hàng trưng bày sản phẩm của NKT. 
 
Thời gian qua, vấn đề việc làm đối với NKT đã được Nhà nước quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Lao động là NKT và vấn đề sử dụng lao động là NKT đã được quy định cụ thể tại Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm và các nghị định, thông tư liên quan. Trên cơ sở văn bản quy định, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng thúc đẩy công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT như: Kế hoạch số 161/Kh-UBND ngày 10/10/2013 về thực hiện Đề án trợ giúp NKT thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2020; Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 17/4/2017 về thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các hội, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi đối với NKT như dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Thực hiện chính sách dạy nghề, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND thành phố ban hành các quyết định về định mức chi phí dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với nhu cầu và khả năng của NKT với 10 nghề, mức chi phí từ trên 3 triệu đến trên 4 triệu/nghề, thời gian từ 5-6 tháng tùy theo từng nghề và mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho NKT trong thời gian học nghề. Đặc biệt, năm 2017, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND thành phố phê duyệt mức chi phí dạy nghề công tác xã hội cho người khiếm thị. Theo kế hoạch, mỗi năm thành phố bố trí từ 1-2 tỷ đồng để tổ chức dạy nghề miễn phí cho NKT có nhu cầu và có khả năng học nghề nhằm giúp họ có nghề phù hợp với khả năng lao động để tự tạo việc làm tại nhà hoặc tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống. 
 
Chỉ tính riêng trong 3 năm (2015-2017), Hà Nội đã có trên 1.200 NKT được dạy nghề, tạo việc làm với kinh phí gần 6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, Hội NKT, Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi, Hội Người mù, Thành đoàn Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã còn vận động các nhà tài trợ trong và ngoài nước dạy nghề cho gần 900 NKT. Các lớp học được tổ chức tại địa phương để NKT dễ tiếp cận tham gia, sau khóa học 100% học viên được cấp chứng chỉ học nghề, nhiều NKT tìm được việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Các địa phương, đơn vị đã tạo được việc làm cho NKT nhiều là: quận Thanh Xuân, quận Hoàng Mai, huyện Mỹ Đức, huyện Sóc Sơn, Câu lạc bộ của sinh viên khuyết tật, Nhóm Ước mơ xanh Hà Nội. 
 
Trong công tác tạo việc làm, Sở LĐTBXH đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với Hội NKT thành phố tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép, lưu động hàng năm cho NKT; tổ chức thực hiện các dự án phi Chính phủ nhằm mở rộng cơ hội việc làm và thúc đẩy hòa nhập cho NKT; kết nối NKT với các doanh nghiệp tuyển dụng. Ngoài ra, Hội NKT thành phố còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội giới thiệu cho NKT có nhu cầu vào làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. 

 
 NKT tham gia phỏng vấn trực tiếp tại Phiên giao dịch việc làm do thành phố tổ chức.
 
Trong năm 2016, toàn thành phố đã tổ chức 12 phiên giao dịch dành riêng cho NKT, giới thiệu việc làm cho 434 đối tượng vào làm việc tại các doanh nghiệp, giới thiệu học nghề cho 121 người và tư vấn cho 1.310 lượt NKT tìm việc làm. Trong năm 2017, đã tổ chức được 8 phiên giao dịch việc làm lồng ghép và lưu động dành cho NKT, giới thiệu việc làm cho 152 người. Ngoài ra, còn cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh daonh (SXKD) có nhu cầu tuyển dụng NKT vào làm việc, đăng tải thông tin trên các trang thông tin điện tử để NKT dễ dàng tiếp cận; tư vấn học nghề, việc làm phù hợp với khả năng của NKT.
 
Để tạo điều kiện cho NKT tìm việc làm, thành phố cũng chú trọng công tác giải quyết thủ tục vay vốn ưu đãi cho hộ gia đình có NKT và cơ sở SXKD sử dụng lao động là NKT. Từ năm 2012, Hà Nội đã bố trí ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ gia đình có NKT và cơ sở SXKD sử dụng lao động là NKT vay vốn với mức phí 0,3%/tháng. Riêng năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và cho 963 hộ gia đình vay vốn để tạo việc làm cho NKT với tổng số tiền 28.341 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã cho 479 hộ gia đình vay vốn với số tiền 17.156 triệu đồng.
 
Cùng với đó, thành phố cũng tổ chức kiểm tra và cấp giấy phép hoạt động cho 3 cơ sở chăm sóc NKT và quyết định công nhận 16 cơ sở SXKD sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước và thành phố theo quy định của pháp luật. Thực hiện miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở SXKD có sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) cho các cơ sở có sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là NKT và các cơ sở nuôi dưỡng NKT công lập của thành phố để ghi nhận những đóng góp của các đơn vị vì NKT.
 
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội, bên cạnh kết quả đạt được, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động là NKT cũng bị ảnh hưởng nên việc làm của NKT không ổn định, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT mang tính chất đặc thù theo từng dạng tật, NKT khó học chung với những đối tượng khác. Địa điểm dạy nghề phải bảo đảm để NKT có thể dễ dàng tiếp cận, thời gian dạy nghề dài hơn đối tượng khác. Mối liên hệ giữa các trung tâm dạy nghề với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự đáp ứng được so với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Thêm vào đó, NKT do đi lại khó khăn, trình độ tiếp thu kiến thức học nghề còn hạn chế, thiếu tự tin. Một số NKT dù có tay nghề cao, sức khỏe ổn định nhưng vẫn khó khăn trong tìm kiếm việc làm, nhất là số NKT ở khu vực nông thôn. Nguồn kinh phí dạy nghề, các nguồn huy động của cá nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu về dạy nghề và việc làm cho NKT thành phố. 
 
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội đề nghị Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ dạy nghề nâng cao cho NKT; Xây dựng cơ chế thanh toán hỗ trợ kinh phí dạy nghề, tạo việc làm linh hoạt cho các cơ sở dạy nghề gắn với tạo việc làm khi tiếp nhận NKT vào học theo định mức người/nghề học, không cần chờ đủ số lượng mới mở lớp; Có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do NKT làm ra. Đối với Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính, xây dựng cơ chế hỗ trợ cải tạo điều kiện môi trường làm việc cho NKT tại các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT để thu hút, nâng cao tỷ lệ tiếp nhận lao động là NKT; nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề dành riêng cho NKT, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo hòa nhập cho NKT; chỉ đạo việc ưu tiên cho vay vốn đối với NKT và các cơ sở SXKD của NKT để tổ chức tạo việc làm cho NKT.

Minh Nhật/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...