THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 08:07

Hiện tượng mù mờ về pháp luật vẫn tiếp diễn?

22/02/2019 | 15:12
 
Có cái gì đó sai sai về mặt luật pháp
 
Sau Tết Kỷ Hợi, Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện tham gia trên các tuyến đường cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý vì có dấu hiệu gây rối. Đó là 2 ô tô 7 chỗ mang BKS 51A-558.50 và 51G-772.56. Theo VEC, họ từ chối phục vụ với lý do các phương tiện này đã vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác.
 
Theo giải thích của VEC E, vào lúc 18h20 phút ngày 10/2/2019, phương tiện mang biển kiểm soát 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, người điều khiển phương tiện đã không trả thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí. Chủ phương tiện còn để nhiều người già, phụ nữ và trẻ em đã xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác, gây ách tách giao thông. Xe 51 G-772.56 cũng vi phạm tương tự.
 
Tôi ủng hộ việc khi tham gia giao thông, ai vi phạm thì phải phạt thật nghiêm theo luật. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ thế này: Các phương tiện giao thông đều do con người điều khiển, mọi hình phạt đều nhắm tới con người chứ không phải phương tiện. Do vậy, khi phương tiện giao thông vi phạm, người ta phạt người điều khiển phương tiện chứ không phạt phương tiện - phương tiện là máy móc, sao phạt chúng được?!
 
Vậy nên, khi VEC E thông báo phạt 2 phương tiện vi phạm bằng hình thức từ chối phục vụ vĩnh viễn trên các tuyến đường do VEC quản lý, nhiều người ta thấy sai sai. Có người cho rằng, VEC E học theo hàng không, cấm bay đối với hành khách có hành vi không đúng, không đẹp khi sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không. Nhưng bên hàng không họ cấm người chứ có cấm phương tiện đâu?!
 
Việc một số bộ, ngành, địa phương, công ty… ban hành và thực hiện một số văn bản trái pháp luật hiện hành là không chấp nhận được vì chúng làm ảnh hưởng tới tính nghiêm minh của luật pháp quốc gia.
 

 Tổng cục Đường bộ VN khẳng định pháp luật chưa có quy định từ chối vĩnh viễn phương tiện vi phạm vào đường cao tốc.
 
 
Phải giải thích rõ ràng, minh bạch, có cơ sở pháp luật
 
Khi báo chí và mạng xã hội cho rằng, việc vĩnh viễn cấm 2 ô tô vi phạm đi trên những tuyến đường do VEC quản lý là không có sức thuyết phục, thậm chí là không đúng luật thì VEC E vẫn khẳng định: “Việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là thực hiện theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác”. Như vậy, VEC E vẫn cho rằng họ đúng.
 
Tuy nhiên, theo tôi cần xem xét cụ thể Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV có hiệu lực như thế nào? HĐTV (Hội đồng tư vấn?) có thẩm quyền đến đâu? Tôi cho rằng, quyết định của Hội đồng tư vấn là quyết định mang tính nội bộ, nó không có giá trị pháp lý đối với mọi công dân. Vì vậy, không thể dựa vào Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV để cấm các phương tiện đi lại trên đường cao tốc.
 
Theo các luật sư, việc VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe ô tô là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và trái luật. Trong các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không có bất cứ chế tài nào về việc cấm xe lưu hành trên đường cao tốc. Hơn nữa, cần phải hiểu thế này: Đường cao tốc là đường công cộng không thuộc sở hữu của chủ đầu tư mà chủ đầu tư chỉ có quyền khai thác trên đó. Quyền khai thác không cho phép đưa ra những lệnh cấm tái với pháp luật hiện hành.
 
Tuy vậy, để chứng minh cho việc làm của mình là đúng, lãnh đạo của VEC nói: “Thực tế, nhiều năm qua VEC đã từ chối phục vụ với không ít phương tiện, bình quân mỗi năm khoảng 1.000 xe ô tô vi phạm”. Trời đất! Đã có hàng ngàn xe bị VEC từ chối phục vụ, nghĩa là bị cấm đi vào đường cao tốc do VEC quản lý. Thế mà bây giờ vấn đề mới được biết tới rộng rãi và được dư luận cho rằng đây là việc làm trái pháp luật.

Trạm thu phí Dầu Giây. (Ảnh: TPO)
 
Cần phân xử đúng sai ngay lập tức!
 
Thu thập thông tin, nghiên cứu các loại ý kiến, quan điểm trong vấn đề từ chối vĩnh viễn phục vụ những phương tiện vi phạm trên đường cao tốc, tôi thấy vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Đến giờ phút này lại có thông tin là việc từ chối phục vụ đối với 2 xe BKS 51A-55850 và 51G-77256 mới chỉ là đề xuất chứ chưa có văn bản thông qua. Ông Nguyễn Viết Tân - Giám đốc VEC E cho biết, ông chưa hề ký một văn bản nào liên quan đến vấn đề này và Công ty VEC E cũng không đủ thẩm quyền để từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện tham gia giao thông mà chỉ là đề xuất lên cấp trên xem xét.
 
Vậy việc “nhiều năm qua, VEC đã từ chối phục vụ với không ít phương tiện, bình quân mỗi năm khoảng 1.000 xe ô tô vi phạm” là thông tin đúng hay sai? Tôi cho rằng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư pháp phải làm rõ vấn đề này. 
 
Đến thời điểm này, Việt Nam đã có những văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua; các bộ, ngành, địa phương, các công ty phải giải quyết mọi vấn đề dựa trên văn bản pháp luật chung chứ không phải những quy định nội bộ. Nếu VEC E cũng như VEC đã ban hành văn bản cấm các phương tiện giao thông vi phạm lưu hành trên đường cao tốc thì phải thu hồi, hoặc ra thông báo những văn bản đó vô giá trị.
 

 

Trọng Đàm/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

6 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...