THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 11:54

Hỏa hoạn - Trẻ cần làm gì để bảo vệ mình?

03/12/2021 | 14:35
Những vụ hỏa hoạn thường để lại hậu quả rất nặng nề, đặc biệt với trẻ em. Vì vậy, trẻ em cần được trang bị và thực hành những kỹ năng thoát hiểm để khi có cháy nổ xảy ra, dù không có người lớn bên cạnh, trẻ vẫn có khả năng tự bảo vệ mình.
Tập huấn hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa Internet

Tập huấn hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa Internet

Hỏa hoạn là điều không ai mong muốn, tuy nhiên nó lại là một nguy cơ luôn hiện hữu trong cuộc sống. Thời gian qua, có rất nhiều vụ hỏa hoạn lớn xảy ra và để lại hậu quả rất nặng nề. Ðã có những vụ cháy khiến cả gia đình thiệt mạng, trong đó không ít vụ nhiều trẻ em bị thương vong. Ðể thoát khỏi đám cháy an toàn, trẻ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết sau:

Hiểu rõ nơi mình sống, nhớ số điện thoại cầu cứu

Dù là gia đình đang sống ở nhà mặt đất hay nhà tập thể, khu chung cư cao tầng thì cha mẹ cũng phải giúp con nhớ rõ các địa điểm an toàn, ghi nhớ vị trí của các thiết bị báo cháy, các lối thoát hiểm và dạy trẻ làm cách nào để di chuyển đến được các lối thoát hiểm đó.

Bên cạnh đó, cha mẹ phải huấn luyện, giúp trẻ ghi nhớ những số điện thoại quan trọng để cầu cứu khi có sự cố cháy nổ xảy ra, như: 114 (số cứu hỏa); số của bố mẹ; người thân và một vài người hàng xóm thân thiết xung quanh, vì trong trường hợp người lớn không có nhà, sự giúp đỡ của hàng xóm là cần thiết và nhanh chóng nhất.

Các bước thoát hiểm an toàn

Dạy trẻ nhận biết sớm những dấu hiệu của hỏa hoạn như: Nhìn thấy khói hoặc cảm thấy nóng, nghe thấy tiếng chuông báo cháy, trẻ cần sẵn sàng cho việc thoát hiểm. Cần nhớ, khói bụi và khí độc có thể gây ngạt, nên trẻ cần thấm ướt khăn vải để che kín miệng và mũi của mình.

Khi ở nhà đất xảy ra cháy, nếu cửa ra vào cháy nhỏ, hãy bình tĩnh dùng chăn, áo, rèm cửa... được làm ướt trùm lên đầu (để hở mắt) rồi chạy thật nhanh ra ngoài. Nếu không thể ra ngoài thì di chuyển lên tầng cao nhất để tìm sự trợ giúp. Lưu ý: Cần đóng chặt cửa ở lối ra khu vực trẻ đang đứng để lửa và khói khí độc không tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến tính mạng.

Nếu cháy ở chung cư, đầu tiên hãy kiểm tra cửa ra vào. Thử kiểm tra xem có nhiệt hay khói tỏa ra từ các kẽ hở quanh cánh cửa hay không. Nếu nhìn thấy khói bốc ra, không mở cửa. Hoặc không thấy khói nhưng khi sử dụng ngón tay chạm nhẹ vào nắm cửa, thấy nắm cửa nóng thì cũng không mở cửa. Nếu nắm cửa có nhiệt độ bình thường và không phát hiện có khói, trẻ có thể mở cánh cửa một cách từ từ, cẩn thận. Sau khi mở, nếu thấy nhiệt hoặc khói từ bên ngoài tràn vào phòng cần đóng cửa lại ngay lập tức. Chỉ khi không có nhiệt hoặc khói từ bên ngoài, trẻ mới nhanh chóng đi về lối thoát hiểm.

Khi sơ tán khỏi khu vực cháy, hãy cúi thấp người, bò, trườn, men theo tường, di chuyển ra cửa để thoát hiểm. Việc càng cúi sát mặt đất sẽ càng giảm đi lượng khói độc trẻ có thể hít phải. Hãy sử dụng cầu thang bộ, các lối thoát hiểm, đặc biệt không sử dụng thang máy, vì trẻ rất dễ bị mắc kẹt trong thang. Ðừng cố làm gì trên đường chạy, trẻ chỉ chạy ra lối thoát mà thôi.

Khi bị lửa bám vào người, tuyệt đối không chạy vì ngọn lửa có thể bùng to hơn. Hãy dừng lại, nằm ngay xuống đất và lăn qua lăn lại cho đến khi lửa tắt rồi mới tiếp tục tìm cách thoát hiểm.

Trong trường hợp trẻ bị kẹt không thể ra ngoài, hãy bịt kín khe cửa bằng khăn ẩm, ngắt điện, tắt quạt thông gió. Dùng xô, chậu hắt nước lạnh lên tường, lên cửa.

Theo Ðại úy Ðỗ Văn Chiến - Phó Ðội trưởng Ðội 4 - Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 8 Công an Hà Nội, khi phát hiện có cháy mà không thể thoát ra khỏi phòng, các con cố gắng lấy khăn, chăn làm ướt rồi bịt kín các khe cửa; hoặc nếu trong phòng có băng dính thì các con lấy băng dính dán kín tất cả các khe cửa để đảm bảo lượng khói khí độc không lùa vào phòng gây ngạt.

Sau khi bịt kín các khe cửa ngăn khói khí độc, trẻ hãy di chuyển đến cửa sổ, ban công rồi dùng khăn hay quần áo (có màu sắc sặc sỡ dễ thu hút sự chú ý) vẫy và hét thật to để mọi người đến cứu.

Gọi điện tới số 114, gọi cho người lớn thông báo địa điểm và tình trạng cháy để được giải cứu.

Lưu ý: Nhắc trẻ tuyệt đối không được trốn ở nhà vệ sinh, gầm giường, tủ quần áo - những nơi kín, khuất tầm nhìn sẽ khiến người lớn hay lính cứu hỏa khó tìm thấy trong quá trình cứu hộ.

Đi men theo tường, tủ khi nhà có hỏa hoạn để hạn chế bị ngạt khói. Ảnh minh họa

Đi men theo tường, tủ khi nhà có hỏa hoạn để hạn chế bị ngạt khói. Ảnh minh họa

Thực hành rất quan trọng

Mọi thứ sẽ chỉ là lý thuyết, câu chữ và trẻ sẽ quên nếu không được thực hành và hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm khi có cháy nổ xảy ra cho trẻ rất phổ biến. Cha mẹ hãy cho con tham gia để trẻ được diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Chỉ khi được trực tiếp trải nghiệm, trẻ mới có thể ghi nhớ những việc mình phải làm khi cháy nổ xảy ra.

Các lớp học sẽ giúp trẻ có cơ hội cùng nhau tìm hiểu và trao đổi để biết được những trường hợp dễ xảy ra sự cố cháy nổ như cháy rừng, cháy nhà, cháy chung cư, nhà hàng… Qua đó, trẻ biết được nguyên nhân xảy ra sự cố cháy nổ như do đun nấu không cẩn thận, khí gas, do nghịch bật lửa, các thiết bị điện… và từ đó trẻ sẽ tự ý thức được phải cẩn thận khi sử dụng những đồ vật dễ gây cháy nổ như bật lửa, bếp ga hay đồ điện...

Nếu không có điều kiện cho con tham gia các lớp học kể trên, cha mẹ có thể tìm hiểu và hướng dẫn con thực hành kỹ năng thoát hiểm ngay tại nhà mình.

Thời gian qua, nhiều trường học đã phối kết hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức các buổi tập huấn, truyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn cho học sinh. Những buổi tập huấn như vậy rất cần thiết, cần được nhân rộng và tổ chức thường xuyên.

Để tăng khả năng sống sót trong trường hợp cháy nổ ở nơi đông người, hỗn loạn, cha mẹ dạy trẻ không chạy ngược đám đông hoặc chèn ngang vì khả năng bị kẹt, bị dẫm đạp dẫn đến bị ngạt thở. Thay vì hùa theo đám đông, trẻ cần bình tĩnh, tinh mắt quan sát vị trí các biển báo exit dạ quang, bình phòng cháy chữa cháy để tìm ra lối thoát hiểm nhanh nhất. Tuyệt đối không được chần chừ, cố ở lại lấy đồ hay quay vào trong để tìm đồ, vì đám cháy sẽ bùng lớn rất nhanh.

Anh Khánh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vì tương lai nguồn nhân lực

Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vì tương lai nguồn nhân lực

2 năm trước

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH, Tổ chức Lao động quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo triển khai Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính...
Bộ ba sách trinh thám kì ảo, hấp dẫn của Thụy Điển

Bộ ba sách trinh thám kì ảo, hấp dẫn của Thụy Điển

2 năm trước

Bộ tiểu thuyết trinh thám dành cho lứa tuổi thiếu nhi của nhà văn Kristina Ohlsson (Thụy Điển) vừa được xuất bản tại Việt Nam. Tác giả xây dựng nên một bộ ba sách trinh thám kì ảo,...
Quảng Nam phấn đấu hơn 90% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm phòng Covid-19

Quảng Nam phấn đấu hơn 90% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm phòng Covid-19

2 năm trước

Hơn 90% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 là mục tiêu tại Kế hoạch 8583/KH-UBND về triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em do...