THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 05:38

Họa sĩ Trần Từ Thành và kỷ vật vô giá

19/05/2018 | 07:00

 
Bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” tại Nhà thông tin số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
 
1. Bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin thành phố, số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có mặt gần 40 năm nay. Hình ảnh Bác tươi cười hiền hậu ôm em bé bố cục ở chính giữa, bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc. Tác giả bức tranh là họa sĩ Trần Từ Thành (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội).
 
Câu chuyện về bức tranh nổi tiếng này, được họa sĩ Trần Từ Thành tâm sự: Quê tôi ở ven sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh). Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, gia đình tôi chịu đựng nhiều mất mát, bố mẹ và anh chị em đều mất do bom Mỹ, nhiều người thân hy sinh ở chiến trường hay ở chính quê hương trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Bao thế hệ trên quê hương tôi một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ bảo vệ và xây dựng đất nước. Tấm gương của Bác, tấm lòng vì dân vì nước của Người là ánh sáng cho bước đường mỗi người dân. Mỗi người đều cảm nhận được tình cảm của Bác qua thời gian và không gian. Sinh thời, Bác luôn dành tình thương yêu đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng - thế hệ tương lai của đất nước. Những lời dạy và bài viết của Người dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta. Thời niên thiếu, rồi trưởng thành, những câu chuyện về Bác luôn mang đến tình cảm, niềm xúc động lớn đối với tôi và mọi người. Trải qua thời gian, những câu chuyện về Bác và các cháu thiếu nhi mà tôi được thầy cô, người thân kể lại, vẫn còn nguyên giá trị. Bác luôn có một sự gắn bó mật thiết, một tình cảm trìu mến, hiền hòa và chu đáo với thiếu nhi. Đó là sự ấm áp vô cùng của một vị lãnh tụ vĩ đại. Qua mỗi câu chuyện, chúng ta lại có cơ hội cảm nhận tình yêu thương vô bờ bến mà Bác đã dành cho thiếu nhi.
 
Sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhân dịp Tết Trung thu năm đó, Người viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” vào ngày 21/9/1941, thể hiện sự quan tâm của mình đối với các cháu thiếu nhi:
 
                           “Trẻ em như búp trên cành
                           Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
 
Ngay mùa thu độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã gửi thư động viên, thể hiện tình thương yêu, sự quan tâm và niềm tin vào các cháu thiếu nhi: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn vào công học tập của các cháu”. Bác Hồ luôn canh cánh một ước mong, đó là các cháu thiếu nhi được ăn no, mặc ấm và được học hành. Chính vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, tình thương yêu của Người dành cho các cháu thiếu nhi vẫn đằm sâu, tha thiết. Những năm tháng cả dân tộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đều gửi thư cho các cháu mỗi dịp Trung thu. Lời Bác luôn nhẹ nhàng, trìu mến động viên các cháu tham gia, thực hiện những công việc cụ thể, phù hợp với tình hình đất nước, với tâm lý lứa tuổi của thiếu nhi: “Ai yêu các nhi đồng/Bằng Bác Hồ Chí Minh/Tính các cháu ngoan ngoãn/Mặt các cháu xinh xinh/Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh.
 
Trước lúc Người đi xa, cũng nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1969, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong Di chúc của mình, Người khẳng định: “…Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
 
Có thể nói, tình yêu thương của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ, đối với thiếu niên, nhi đồng đã, đang và sẽ là hành trang cho bao thế hệ trẻ bước vào đời, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ta đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn. Các thế hệ thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn nhớ về Bác kính yêu và âm vang cất cao lời ca tiếng hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.


 
Họa sĩ Trần Từ Thành dưới bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” tại Nhà thông tin số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh:Internet
 
2. Chia sẻ về ý tưởng hình thành nên tác phẩm này, họa sĩ Trần Từ Thành kể: Năm 1975, khi đất nước thống nhất, tôi hào hứng tìm đề tài cho bức tranh tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vào đầu năm 1976 tại khu triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Tôi nghĩ đây chính là dịp để bày tỏ ao ước bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình. 
 
Hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi như một biểu tượng của hòa bình, của tấm lòng Bác với nhân dân. Tôi vô cùng xúc động, tâm huyết lựa chọn hình ảnh Bác với trẻ thơ làm đề tài cho mạch cảm xúc của mình. Ấp ủ về một tình cảm lớn cho ngày hội thống nhất non sông, thôi thúc tôi thể hiện tác phẩm trong thời gian ngắn. Lựa chọn, cân nhắc, cuối cùng tôi quyết định chọn hình thức tranh cổ động, một thể loại dễ hiểu, phổ biến rộng rãi trong cuộc sống.
 
Ngày 20/4/1976, bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” và tác phẩm của các họa sĩ khắp 3 miền được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội), tác phẩm đã đoạt giải cao.
 
Họa sĩ Trần Từ Thành kể: Cũng năm đó, để chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sau khi thống nhất đất nước, Xưởng tranh cổ động trung ương đã cho in hàng vạn bản, phát hành trên cả nước và đề nghị tôi đưa câu khẩu hiệu “Độc lập Thống nhất, Hòa bình Hạnh phúc” vào tranh.
 
Lúc đó, đi khắp đường phố Hà Nội, đâu đâu cũng trưng bày tranh của ông. Tác phẩm được xuất hiện ở nhiều sự kiện chính trị -xã hội khắp đất nước. 5 năm sau, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội phóng to bức tranh lên kích cỡ 4m2 để treo lên nóc Nhà thông tin thành phố. 
 
Ngoài ra, tác phẩm còn được treo ở Bảo tàng Lenin ở Matxcơva (Nga), La Habana (Cuba)… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau. Họa sĩ Trần Từ Thành cho biết: Đã có nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế “dạm mua” bản gốc của bức tranh nhưng ông đều từ chối, bởi với ông “đó là kỷ vật riêng vô giá của đời mình”.
                                                                                           
Tình yêu thương của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ, đối với thiếu niên, nhi đồng đã, đang và sẽ là hành trang cho bao thế hệ trẻ bước vào đời, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ta đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn.
 

 

Lam Hồng/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...