CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 06:01

Họa sĩ Văn Dương Thành – Sứ giả của văn hóa Việt Nam

01/02/2017 | 12:50
 
Họa sĩ văn Dương Thành: “Với tôi, vẽ tranh đơn giản là để lưu giữ những điều đẹp đẽ của cuộc sống, lưu giữ những ký ức thân thương về nguồn cội và về tất cả những gì mà tôi bắt gặp trên cuộc viễn du nghệ thuật của mình”. 
 
Xin chào họa sĩ Văn Dương Thành! Từ đầu thập kỷ 80, có lẽ rất ít người dành sự quan tâm đến hội họa và cũng ít người theo đuổi con đường trở thành họa sĩ, vậy cơ duyên nào đưa chị đến với hội họa và thành danh được như ngày hôm nay?
 
Tôi là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em. Từ khi còn nhỏ, gia đình cũng định hướng cho tôi có ý thức học tập để trở thành giáo sư, bác sĩ, kỹ sư…  như các anh chị em của mình. Nhưng thật tình cờ, có lần ba tôi nhìn thấy bức vẽ nguệch ngoạc của con gái ông khi mới 6 tuổi. Ba tôi động viên: “Con vẽ đẹp đấy! Nếu con cố gắng, con sẽ trở thành họa sĩ!”. Tôi rất vui và không dám tin điều đó sẽ trở thành hiện thực.
 
Năm học lớp 6, tôi có may mắn được nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đến trường phổ thông để nói chuyện về mỹ thuật. Ông có vẽ thử cho chúng tôi xem, bức tranh phản ánh tâm sự và xúc động của người vẽ và truyền cảm hứng đến người xem khiến tôi rất thích. Sau này, tôi được Nhà trường tạo điều kiện để phát triển năng khiếu, ưu tiên cho học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam dù chưa biết vẽ. 
 
Cho đến nay, chị đã có 75 cuộc triển lãm cá nhân tại nhiều nước như: Ba Lan, Rumani, Pháp. Mỹ, Thụy Điển, Đức, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore và Việt Nam… Bạn bè quốc tế, các đại sứ nước bạn thường gọi chị là “Sứ giả của văn hóa Việt” bởi tranh của chị là sự kết hợp tinh tế các giá trị văn hóa  Việt Nam với kỹ thuật hiện đại của Phương Tây, là sự giao thao giữa hai thế giới truyền thống và hiện đại. Phải chăng đó là sợi chỉ xuyên suốt phong cách hội họa của Văn Dương Thành? 
 
Đúng vậy! Những sự tiếp xúc với nghệ thuật dân gian quê nhà đã tạo một dấu ấn không mờ phai trong sáng tác của tôi mãi mãi về sau này.
 
 
Ông Văn Gói và bà Nguyễn Thị Xích – song thân của họa sĩ Văn Dương Thành.
 
Được biết, chị được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha chị - ông Văn Gói là một nhà chí sĩ yêu nước, kiên trung. Ông đã anh dũng hy sinh cho đất nước vào năm 1960, khi ấy chị còn nhỏ. Chị có thể chia sẻ với độc giả những ký ức về người cha của mình?
 
Cha tôi sinh năm 1920 tại Phú Yên, mất năm 1960. Tên ông được ghi trong Bảo tàng Phú Yên với vai trò là người thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại đây, đồng thời ông đã từng là Chính ủy mặt trận Đà Rằng thời kỳ chống Pháp.
 
Tôi rất nhớ quãng thời gian được sống với cha, chỉ trọn vẹn có hai năm (khi tôi 6-8 tuổi), nhưng đó là thời gian quan trọng nhất để hình thành nên tính cách của tôi và phong cách nghệ thuật trong tranh Văn Dương Thành. Cha luôn dặn các con hai điều, phải học giỏi và sống tiết kiệm. Trong ký ức của tôi, cha là người đàn ông rất đẹp. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ những ngày được cha đưa đến trụ sở Bộ Thương nghiệp ở phố Ngô Quyền, gần Nhà hát Lớn chơi. Lúc đó, cha ăn vận đẹp lắm, vì công việc phải tiếp đón các trí thức, nhân sĩ và khách nước ngoài. Những lúc không tiếp khách thì cha mặc rất giản dị và sống cần kiệm. Ông nói thông thạo 3 ngoại ngữ, yêu nhạc cổ điển và hội họa, nên các con được ảnh hưởng nhiều ở nghị lực, lòng đam mê nghệ thuật từ người cha kính yêu của mình.
 
Chị đã có khoảng thời gian 25 năm sống và giảng dạy mỹ thuật tại Thụy Điển, nhưng mọi người vẫn nhận thấy một vẻ đẹp thuần Việt ở chị, từ giọng nói cho đến ngoại hình. Liệu bí quyết gì khiến chị luôn giữ cho mình được bản sắc như vậy?
 
Tôi được thừa kế tính cách của má tôi. Má tôi là người phụ nữ đẹp, dịu hiền và luôn thích mặc áo dài. Bà có những phẩm chất của người phụ nữ Việt với đầy đủ “công dung ngôn hạnh”. Sau khi cha mất, cũng có người ngưỡng mộ vẻ đẹp tâm hồn của má mà muốn kết hôn, nhưng má là tuýp phụ nữ cổ “thờ chồng nuôi con”, nhất quyết không đi bước nữa, chỉ ở vậy thương nhớ chồng và thực hiện mơ ước của chồng là nuôi dạy tám người con mồ côi cha ăn học thành tài. Tôi trân trọng má ở nét đẹp của người phụ nữ Việt với đức tính nhẫn nại và khéo tay trong nấu ăn, thêu thùa, tỉa hoa, trang trí cỗ bàn trong mỗi dịp lễ, Tết.
 
Nói đến Tết, chị có thể chia sẻ kỷ niệm về một cái Tết thật ý nghĩa và đáng nhớ đối với chị?
 
Kỷ niệm về Tết khiến tôi không thể quên đó là khi Công ty Unilever của Hà Lan tại Việt Nam muốn tặng 1,2 tỷ đồng cho trẻ em nghèo Việt Nam ăn Tết, nhưng họ lại muốn làm cho chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ và tăng tiền thiện nguyên của những nhà hảo tâm, nên họ muốn ký hợp đồng với tôi (khi ấy còn đang ở Thụy Điển) phải có mặt ở Việt Nam liên tục 3 tháng để dạy học vẽ cho các em mồ côi, khuyết tật, thiệt thòi ở cả miền Bắc và miền Nam. Sau khi 30 mét vuông tranh vẽ hoàn thành sẽ được đưa ra đấu giá trực tuyến với quy mô lớn ở hai đầu cầu truyền hình trực tiếp và 5 đài truyền hình tiếp sóng trực tiếp một cách lôi cuốn. Gala đấu giá “Chung tay đón Tết - Vì trẻ em nghèo Việt Nam” với sự góp sức của các văn nghệ sỹ đã thu được số tiền lớn, dùng để mua quà Tết cho 1.500 trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật, mồ côi trên cả nước.
 
Xuân Đinh Dậu này, chị có những chủ đề tranh Tết gì muốn gửi gắm đến bạn bè và công chúng?
 
Tôi thường học theo các họa sĩ bậc thầy, khai bút đầu xuân. Bao năm nay, tôi đã vẽ những chú gà Đinh Dậu vui tươi để mang đến cho bạn bè, gia đình và các em học sinh một năm mới tràn đầy hạnh phúc, sức khỏe và niềm an lạc.

Xin cảm ơn chị! Chúc chị luôn mạnh khỏe và giàu năng lượng sáng tạo nghệ thuật!
 
Họa sĩ Văn Dương Thành sinh tại tỉnh Phú Yên trong một gia đình trí thức, từ lúc lên 3 tuổi, lớn lên và học tập tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam 1980, chị công tác nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Văn hóa, Bộ Văn hóa. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Cao học ngôn ngữ Thụy Điển, chị giảng dạy Mỹ thuật tại Thụy Điển cho hơn 1.000 sinh viên các quốc tịch. Báo chí Thụy Điển bình luận đây là một họa sĩ Việt Nam ở tầm quốc tế và là giảng viên Châu Á đầu tiên giảng dạy Mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển. Văn Dương Thành đã đạt được nhiều giải thưởng trong đó có: “Nghệ thuật Kiệt xuất Quốc tế” 1995 và 1997 do CFMI USA - France và “Vinh danh nước Việt” năm 2007.

Thùy Hương/Tạp chí GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...