THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:35

Học sinh dân tộc thiểu số cần được học ngôn ngữ của dân tộc mình từ cấp tiểu học

12/12/2021 | 07:57
Học tiếng dân tộc là để duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn học tiếng DTTS là môn học tự chọn. Bộ GD&ĐT đã ban hành 8 chương trình tiếng DTTS dạy học trong trường phổ thông và biên soạn 8 bộ sách giáo khoa để đưa vào dạy học trong nhà trường. Từ năm học 2022-2023, sẽ thực hiện dạy tiếng DTTS theo chương trình và sách giáo khoa tiếng DTTS mới.

Môn Tiếng dân tộc thiểu số được thực hiện theo chương trình của từng cấp học

Trước yêu cầu thực tiễn của ngành Giáo dục nước nhà, mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh được Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số.

Buổi sinh hoạt của CLB “Yêu tiếng Thái” Trường PTDT Nội trú tỉnh Điện Biên. Ảnh: Tuấn Anh

Buổi sinh hoạt của CLB “Yêu tiếng Thái” Trường PTDT Nội trú tỉnh Điện Biên. Ảnh: Tuấn Anh

Theo Thông tư, việc học tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức theo lớp học quy định tại Điều lệ Trường tiểu học, Điều lệ Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Đối với mỗi tiếng dân tộc thiểu số, nếu tất cả người học trong lớp có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số theo lớp học đó; trường hợp trong lớp học chỉ có một số người có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số riêng và có thể ghép chung với lớp khác nếu chưa đủ sĩ số. Số lượng người học tối thiểu của một lớp là 10 người.

Đối với người học là người DTTS học tiếng DTTS tại các cơ sở giáo dục được nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/1/2022.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình dạy song ngữ bằng 8 thứ tiếng dân tộc (gồm: Thái, H’Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hoa, Ê Đê) cho các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú vùng đồng bào DTTS. Dựa trên bộ tài liệu này, hiện nay cả nước có khoảng 30 tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy học ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong nhà trường. Năm học 2022-2023, sẽ thực hiện dạy tiếng dân tộc thiểu số theo chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số mới.

Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt, như Sơn La, từ thành công bước đầu đã đặt kế hoạch mỗi năm mở khoảng 9 lớp với 400 học viên; Bình Thuận dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học 4 tiết/tuần… Tỉnh Lào Cai cũng tổ chức dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số) trong một số trường học trong tỉnh…

Một giờ học ngôn ngữ dân tộc ở Trà Vinh. Ảnh: Tuấn Anh

Một giờ học ngôn ngữ dân tộc ở Trà Vinh. Ảnh: Tuấn Anh

“Hồi sinh” những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

Nước ta là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Ngoài tiếng Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chung thì với 53 dân tộc thiểu số cũng đều có ngôn ngữ của riêng dân tộc mình. Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau mà có những ngôn ngữ được gìn giữ, bảo tồn, có những ngôn ngữ đã mai một và cũng có những ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất.

Tại Hội thảo tham vấn vận động chính sách tái khởi động giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu cho rằng, dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ với tính ưu việt, hiệu quả của nó đã góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa nâng cao chất lượng học tập, vừa góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số. Đây còn là hình thức tổ chức dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, cần được phát huy thời gian tới.

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một trong những nội dung thuộc chương trình giám sát về giáo dục dân tộc của Hội đồng Dân tộc. Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được thử nghiệm đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh tiểu học dân tộc Mông, Jrai, Khmer (giai đoạn 2008 - 2015) ở 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh; sau đó tiếp tục được nhân rộng với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học dân tộc Mông ở Lào Cai (2010 - 2020), với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học dân tộc Khmer ở An Giang.

Qua thực tế giám sát tại Lào Cai và An Giang, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, học sinh tại các lớp giáo dục song ngữ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, chủ động, tham gia vào các hoạt động học tập tích cực. Không khí lớp học thực sự sôi nổi, học sinh tự tin, mạnh dạn. Học sinh được học ở lớp song ngữ có khả năng chủ động tiếp cận kiến thức, nắm chắc các kiến thức tiếng Mông và Toán. Do được học chính tiếng mẹ đẻ của mình nên các em đã bộc lộ rõ sự hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sống… hỗ trợ tích cực kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt.

Báo cáo nghiên cứu sự phát triển của học sinh dân tộc thiểu số đã học Chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho biết, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một giải pháp khoa học, khả thi để cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số. Kết quả giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh tiểu học 3 dân tộc Mông, Jrai, Khmer được cải thiện, nâng cao rõ rệt, so với học sinh không học chương trình giáo dục song ngữ cùng một dân tộc, cùng một trường. Tỷ lệ chuyên cần cao; tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi cao; tỷ lệ xếp loại yếu kém hầu như không còn. Trẻ và học sinh phát triển tốt về phẩm chất, năng lực và nhân cách. Đây là nhân tố cốt lõi để phát triển bền vững chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng người dân tộc thiểu số.

Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ rằng, họ thấy yên tâm khi cho con học theo chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ bởi con em họ vừa nói tiếng Việt tốt lại vừa có thể đọc, viết được bằng cả tiếng của dân tộc mình. 

Từ thực tế chứng minh, việc triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ không chỉ giúp cho vùng đồng bào DTTS gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà còn trực tiếp giúp học sinh tự tin trong giao tiếp và phát triển tư duy.
Nhật Minh
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Giáo dục bản sắc dân tộc cho trẻ mầm non

Giáo dục bản sắc dân tộc cho trẻ mầm non

2 năm trước

Mô hình "Trường học hạnh phúc gắn với văn hóa bản sắc dân tộc” sau khi được triển khai trong khối trường mầm non đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo điều kiện cho trẻ...