THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 01:29

Hơn 80% thí sinh đỗ Y đa khoa Đại học Y Hà Nội nhờ điểm cộng

08/08/2017 | 08:30
Thống kê từ danh sách trúng tuyển năm 2017 của Đại học Y Hà Nội cho thấy, cả trường với 1.175 thí sinh đỗ, có 110 em thuộc khu vực ba (nội thành các thành phố trực thuộc trung ương), chiếm 9,36%. 100 em trong số này không có bất cứ điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích nào.
 
Khoa "hot" nhất Đại học Y Hà Nội là Y đa khoa. Trong 476 thí sinh đỗ ngành này có 91 em đạt tổng điểm ba môn từ 29,25 điểm trở lên, tức đỗ vào trường mà không nhờ điểm cộng (trong đó 24 thí sinh khu vực ba). 385 thí sinh còn lại (chiếm 80,8%) trúng tuyển nhờ cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. 
 
 


Phần lớn thí sinh đỗ vào ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội nhờ cộng điểm ưu tiên. Ảnh minh họa: Giang Huy.
 
Có 49 thí sinh đỗ ngành Y đa khoa được cộng 3,5 điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực; 12 thí sinh được cộng 3,5 điểm cả ưu tiên và khuyến khích; 3 thí sinh được cộng 5,5 điểm vừa khuyến khích, vừa ưu tiên.
 
170 thí sinh trúng tuyển Y đa khoa có điểm xét tuyển (đã cộng điểm) bằng và vượt mức tuyệt đối, từ 30 điểm trở lên.
 
Bởi Đại học Y Hà Nội có tới 600 thí sinh đăng ký ngành "hot" nhất của trường đều đạt từ 29,25 điểm trở lên, trường phải đẩy mức chuẩn đầu vào lên cao kỷ lục là 29,25, đồng thời sử dụng đến 4 tiêu chí phụ để lọc thí sinh có điểm xét tuyển bằng chuẩn. 
 
7,9% thí sinh khu vực ba đỗ Y đa khoa, Đại học Y Dược TP HCM
 
Cũng giống Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM có rất ít thí sinh khu vực ba đỗ vào trường. Ngành Bác sĩ đa khoa có 404 em trúng tuyển thì 32 trường hợp (chiếm 7,9%) không được cộng điểm ưu tiên khu vực. Số còn lại đều được cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. 
 
177 thí sinh đỗ Bác sĩ đa khoa có điểm xét tuyển từ 30 trở lên, cao nhất là 32. 7 trường hợp được cộng 3,5 điểm ưu tiên.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực từ 0,5 đến 3,5 là quá cao trong một kỳ thi thí sinh phải cạnh tranh nhau từng 0,05 điểm. Một số người kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, thậm chí bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực khi tuyển sinh đại học.
 
Tuy nhiên, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi…, giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên vẫn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng. 
 
Năm 2017, điểm trúng tuyển trung bình các mã ngành của 15 trường có đào tạo Y Dược là 24,63, cao thứ hai sau khối trường công an và trên khối trường quân đội.
 
Chuẩn đầu vào Học viện Quân y năm nay đụng trần với 30 điểm (nữ khối B miền Bắc và nữ khối A miền Nam), tăng 1,25 điểm so với năm trước.
 
Mức trúng tuyển các mã ngành của 14 đại học dân sự có đào tạo về Y Dược khác cũng tăng đột biến. Lần đầu tiên tuyển sinh cả nước, ngành Y đa khoa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng 4,2 điểm chuẩn, từ 22,8 lên 27. Điểm trúng tuyển tất cả mã ngành của Đại học Y Hà Nội đều nhích lên 0,5-2,26.
 

Chỉ tính ngành Y đa khoa, điểm chuẩn năm nay của các trường đều cao nhất trong 3 năm. Điểm trung bình ngành này của 14 trường là 27,1 cao hơn trung bình năm 2015 và 2016 lần lượt là 5 và 4 điểm. 

Theo Quỳnh Trang (Vnexpress.net)

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...