THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 12:41

Hùng vĩ Vịnh Vũng Rô

26/04/2017 | 11:43
 
 
Viên ngọc xanh vùng duyên hải
 
Đi theo vùng biển đến Vịnh Vũng Rô rất dễ để bạn chọn cách tản bộ, chạm vào bãi cát trắng mịn trải dài hoang dã, len lỏi cỏ dại, dây muống biển nở bừng hoa tím và hòa chảy trong cái mênh mông của đất trời Vũng Rô.
 
Vịnh Vũng Rô rộng 1640ha mặt nước, bao bọc bởi các dãy núi: Đèo Cả, Đá Bia, Hòn Bà che chắn cả ba hướng: Bắc, Tây, Đông, với 12 bãi nhỏ.
Trải dài theo bờ biển cho bạn những lựa chọn để dừng chân nơi bãi tắm hoang sơ hay đến bến thuyền tấp nập bên rặng phi lao trùm bóng mát. Làng mạc bên bờ biển Vũng Rô thanh tĩnh với những mái nhà ngói đỏ au hay rêu cũ nép mình bên hàng dừa, cây hoa giấy leo rực rỡ chưa bao giờ hết rung rinh vì gió thổi. Vị biển mặn mòi tràn vào lối nhỏ, những dải lưới phơi bắt nắng chiếu sáng lên như có dải lụa bạc, vô số những chiếc thuyền thúng nằm kề bên nhau. Bãi biển khuất trong vòng cung của vịnh dễ để bạn thư thái, tách biệt mà trò chuyện cùng thiên nhiên. Không chỉ tắm biển, bạn có thể dựng trại bên bờ dương xanh, đi ghe hoặc thuyền thúng để câu cá, vớt san hô… với những trải nghiệm của ngư dân vùng biển.
 
Qua những biến động của thời gian, sự xâm thực tự nhiên của biển, Vũng Rô vẫn giữ được vẻ trong lành, hoang sơ, một viên ngọc xanh vùng duyên hải miền Nam Trung bộ.
 
 Huyền thoại Vũng Rô
 
Bàn thờ những anh hùng liệt sĩ tại Vũng Rô
 
Ngày 25/3/2011 tại Bãi Chùa (Vịnh Vũng Rô), thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đã khánh thành Khu Di tích lịch sử quốc gia Tàu Không Số. 
 
Trang sử oanh liệt vẫn còn đây: Để đáp ứng việc cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Quân khu V và quân dân tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã đề nghị Trung ương chi viện vũ khí qua đường biển. Bến Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã được chọn là nơi tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa, vũ khí vì có địa hình phù hợp.
 
Sau đó, Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Phân khu Nam và Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị bến bãi để tiếp nhận hàng hóa, vũ khí để chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk. 
 
Ngày 28/11/1964, tàu 41 của Đoàn tàu Không số do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy, xuất phát từ cảng Hải Phòng chở 60 tấn vũ khí, hàng hóa cập bến Vũng Rô an toàn.
 
Sau đó, trong vòng chưa đầy hai tháng, từ tháng 11/1964 đến đầu tháng 2/1965, tàu 41 liên tiếp ba lần cập bến Vũng Rô thành công vào các ngày 28/11/1964, 25/12/1964 và 1/2/1965, chi viện hàng trăm tấn vũ khí đạn dược cho chiến trường khu V và Tây Nguyên. 
 
Riêng chuyến tàu thứ tư cập bến đêm 15/2/1965, thì sáng hôm sau bị địch phát hiện. Thực hiện mệnh lệnh cấp trên: Bằng bất kỳ giá nào cũng không để địch cướp tàu và để đảm bảo bí mật, an toàn cho Đường Hồ Chí Minh trên biển, ta đã phá hủy con tàu Không Số cho chìm xuống biển tại Bãi Chùa.
 
Trước đó 5 ngày, con tàu mang ký hiệu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thiêm và chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy cùng 16 cán bộ chiến sĩ rời cảng K20, chở 63 tấn vũ khí vào Vũng Rô. Tàu đóng giả một tàu khai thác hải sản trên vùng biển quốc tế. Trên hành trình, ban ngày, cứ vài tiếng lại có một chiếc máy bay của Mỹ bám theo tàu, có lúc sà xuống rất thấp. Ban đêm có hai tàu chiến địch đi kèm, chiếc phía trước, chiếc phía sau, nhưng tàu 143 vẫn cứ đi.
 
Ra thăm di tích Tàu Không Số
 
23 giờ ngày 15/2/1965, tàu vào bến Vũng Rô. Bến đã tập trung lực lượng du kích xã Hòa Hiệp và cả tiểu đoàn 83, bộ đội chủ lực Quân khu V để bốc dỡ hàng vào các kho ở hang núi. Sau 4 tiếng đồng hồ, số hàng trên tàu đã được bốc dỡ hết.
 
Sau đó, địch điều một máy bay trinh sát bay tới Vũng Rô, ném xuống chỗ tàu của ta đang trú ẩn một quả pháo mù chỉ điểm mục tiêu. Tiếp đến, một tốp máy bay khu trục lao đến bắn một loạt tên lửa làm cho lá ngụy trang trên tàu bốc cháy. Cả con tàu phơi mình trước thanh thiên bạch nhật. Từ đó, cuộc chiến đấu sinh tử đã xảy ra, kéo dài cả tuần lễ. Địch liên tục cho máy bay đến ném bom. Thuyền trưởng Lê Văn Thêm bị thương rất nặng. Không để tàu rơi vào tay địch, anh em quyết định bơi ra điểm hỏa bộc phá 500kg đã cài sẵn trong tàu. Nhưng vì bom nổ làm cho tàu bị nghiêng nên thủy thủ không sao chui vào khoang máy được.
 
Du khách chụp ảnh lưu niệm
 
Ngày 17/2/1965, địch cho tàu chiến, trực thăng đổ quân để bắt sống các thủy thủ, chiếm tàu. Đương đầu với mấy tiểu đoàn bộ binh, hàng chục chiếc máy bay của địch, bên ta chỉ có một trung đội du kích, 2 tiểu đội vũ trang địa phương và 18 anh em thủy thủ tàu 143. Tối 17/2, một tổ công binh được phái đến dùng bộc phá hỗ trợ để hủy tàu. Song bộc phá gài sẵn của tàu vẫn không nổ, nên tàu không phá hủy hoàn toàn được. Gần một tuần đánh nhau với lực lượng địch đông gấp nhiều lần, một số đồng chí của ta bị thương và hy sinh, sức lực anh em yếu dần, chỉ huy quyết định dùng mìn tiêu hủy số hàng mới đưa vào chưa kịp chuyển đi và phá vòng vây rút lên rừng.
 
Sau sự kiện Vũng Rô, tuyến vận tải chiến lược trên biển bị lộ, việc chi viện cho chiến trường miền Nam gặp khó khăn. Nhưng với ý chí và quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đường Hồ Chí Minh trên biển chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, vượt qua mọi sự phong tỏa của kẻ thù, tiếp tục đưa các con tàu không số cập vào các bến tiếp nhận vũ khí ở Nam bộ và Nam Trung bộ.
Ghi nhận địa danh, dấu ấn lịch sử của bến Vũng Rô và  Đoàn tàu Không Số trong đó có tàu 143 và tàu 41, bến Vũng Rô đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia; thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
 
 

 

Thành Sơn. Ảnh: Hồ Bất Khuất/GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...