THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 10:22

Hương thơm Cao Thôn

14/03/2018 | 11:28
 
Làm hương, nghề truyền thống ở Cao Thôn.
 
Gìn giữ danh thơm
 
Từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng là một trong những nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Nén hương là một trong những “linh khí” nằm trong tín ngưỡng văn hóa đó, là nhịp cầu nối giữa nhân gian với thế giới tâm linh. Là một làng nhỏ thuộc xã Bảo Khê, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Cao Thôn – làng quê thanh bình này được biết đến là cái nôi của nghề làm hương có truyền thống lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, hương Cao Thôn vẫn giữ nguyên được đặc tính vốn có của mình. Biết bao năm tháng gắn bó với nghề truyền thống, những con người làng nghề thôn Cao đã tự nuôi sống mình bằng cái nghề làm hương xạ cổ truyền. 
 
Đi từ Hà Nội, theo quốc lộ 5, tới Phố Nối, rẽ phải, cách Phố Hiến chừng 5km là tới Cao Thôn. Về Cao Thôn những ngày xuân, ngay từ ngoài quốc lộ 39 đã có thể san sát thấy những gian hàng bầy bán hương, đủ loại hương quế, hương đen, hương vòng, hương đậu tan… Mùi thơm của hương dâng tỏa khắp nơi, ấm cúng và an lành. 
 
Tích xưa truyền lại rằng bà Đào Thị Khương, người con gái của làng có tài sắc vẹn toàn, bôn ba buôn bán khắp nơi, sau đó lấy chồng bên Trung Quốc, bà học được nghề làm hương xạ ở đó. Khi đã nắm rõ được hết các bí mật của nghề, bà trở về thăm quê hương, truyền dạy nghề cho người làng Cao Thôn. Cũng từ đó, nghề làm hương làng Cao Thôn trở nên phát triển, danh thơm của làng nức tiếng xa gần, ai ai cũng biết làng Cao Thôn có nghề làm hương xạ đặc biệt. Để tưởng nhớ công ơn vị tổ nghề, người dân trong làng góp công sức, xây dựng nhà thờ tổ nghề, và lấy ngày 22 tháng 8 hàng năm là ngày giỗ tổ nghề.

 
Phơi hương.
 
Cốt cách làng nghề
 
Nghề làm hương làng Cao Thôn đặc biệt, không giống với bất cứ với nghề làm hương ở nơi khác nhờ các nguyên liệu tạo nên mùi thơm cho hương truyền thống. Nguyên liệu làm hương chủ yếu là dây keo được mua từ Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa… Dây keo được nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc có mùi hương thơm. Hương Cao Thôn được làm hoàn toàn bằng các vị thảo mộc, trong đó là ba mươi sáu vị thuốc Bắc. Người Cao Thôn luôn tâm niệm rằng 36 vị thuốc Bắc này giống như là những tinh hoa của đất trời hội tụ lại, đây cũng là một bí mật gia truyền chỉ người trong gia đình mới được truyền lại, và đặc biệt không được phép truyền nghề cho người ngoài dòng họ, đây cũng chính là cái “hồn cốt” mà người dân làng Cao Thôn gìn giữ hàng trăm năm nay. Một điều đặc biệt nữa là những vị thuốc này có công dụng như thuốc chữa bệnh, khi đốt những nén hương này, hương thơm lan tỏa giúp cho tinh thần thư giãn thoải mái, giảm bớt căng thẳng mệt mỏi, tâm hồn thanh tịnh, đó là điều mà không ở đâu làm được.
 
Khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, 36 vị thuốc Bắc sẽ được nghiền thành bột trộn với dây keo hay còn được gọi là đời bời, phụ gia này là chất để gắn kết bột hương lại với nhau để khi se thành nén hương, bột hương sẽ không bị rơi rụng. Từ bột hương, muốn se thành nén hương cần có tăm hương. Tăm hương được tuyển chọn từ những cây nứa, quan trọng phải là nứa bánh tẻ. Theo kinh nghiệm, nếu dùng tăm hương từ các cây nứa già, tăm hương sẽ giòn và dễ gãy. Chiều dài của mỗi tăm hương từ 35 đến 40 cm tùy theo nhu cầu sử dụng. Tăm hương được chẻ nhỏ sẽ được nhuộm màu đỏ ở chân. Việc nhuộm màu đỏ không chỉ làm tăng vẻ đẹp của nén hương, mà còn là điểm để đánh dấu phần bột hương được sử dụng trên nén hương.
 
 
Đường làng.
 
Trong làng Cao Thôn có rất nhiều các loại hương như hương Se, hương Vòng, hương Nhúng, mỗi loại có cách làm và hình dáng khác nhau nhưng đều chung một loại nguyên liệu là 36 vị thuốc Bắc. Tất cả các công đoạn từ pha chế thuốc, se hương, nén hương đa số đều làm bằng tay. Sản phẩm hương sau khi làm xong được đem phơi nắng, nắng và gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Nén hương thường được phơi trên những chiếc phên, khi khô cho màu sắc đẹp và giữ nguyên mùi thơm. Thường trời nắng to thì phơi hai ngày, trời mát thì phải phơi từ ba ngày trở lên. Gặp mùa mưa, phải hong gió cho hương, tránh đưa hương qua lửa, vì như thế hương sẽ bị mất mùi. Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Các công đoạn đòi hỏi sự chú tâm của người thợ, phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý.
 
Trải qua nhiều thăng trầm, hương xạ của Cao Thôn có đặc điểm “nhận dạng”, hay phẩm chất mà ít có hương của nơi nào sánh được từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Đặc biệt, mùi thơm rất đặc trưng của thảo mộc, nhẹ mà thanh, không sực nức xộc thẳng vào mũi như mấy loại hương tẩm hóa chất thơm, và hương thơm phảng phất rất lâu trong không khí. Tuỳ từng nhà mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau do cách pha chế của mỗi gia đình mỗi khác, như một bí quyết gia truyền.

 
Các công đoạn làm hương cần sự chú tâm cẩn thận.
 
Người Cao Thôn cho rằng, nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên cái tâm làm nghề không cho phép họ cẩu thả, làm gian dối, kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, làn khói tỏa như thế nào, hình thức ra sao... Hương của làng có mấy loại nổi tiếng gần xa như: Hương nén, hương vòng, hương sào, hương quế, hương đậu tàn… Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công.
 
Trong tiết xuân rộn ràng, màn sương cùng nắng mai dùng dằng, đường làng, góc sân, ngoài ngõ… đã rộ lên màu hương phơi, mùi thơm dâng lên. Những du khách đi chơi xuân, từng đoàn vào thăm Cao Thôn, ai cũng nhớ mua hương để đi hội lễ, như một lời cầu an trong lành. Trong nhịp điệu từng ngày, người Cao Thôn yên vui với nghề truyền thống của mình, như cốt cách, như gốc gác của làng.
                                                                                                     
 
 
Hương thơm.
 
Nghề truyền nghề, cha truyền con nối, hương xạ Cao Thôn trở nên danh tiếng hết đời này sang đời khác kéo dài mấy thế kỷ nay. Dân làng biết ơn, hàng năm lấy ngày 22.8 âm lịch làm lễ giỗ “Tổ nghề”. 

Nguyễn Sơn Hòa/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...