THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 12:20

Hướng tới hoàn thiện mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp

02/07/2023 | 05:55
Trẻ em bị bạo lực, xâm hại… rất cần sự hỗ trợ đa chiều. Một ngành không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó, nên cách xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả rất cần thiết. Điều này đòi hỏi phải tăng cường vai trò phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để trẻ em khi cần được bảo vệ có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ cần thiết nhanh chóng, thuận tiện.

Nhằm giải quyết tốt vấn đề này, ngày 30/6, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng hướng dẫn mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà dự và chỉ đạo hội thảo. Cùng tham dự có: Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam Lê Hồng Loan và các chuyên gia, đại diện một số Bộ, ngành, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Hương

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Hương

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, hội thảo là một trong những nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, nhằm phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội.

Theo Cục trưởng, trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan tới trẻ em, như Luật Trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý và các Nghị định, Thông tư liên tịch giữa các cơ quan, tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Bên cạnh đó, 16 tỉnh, thành phố (TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bình Dương, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Cà Mau, Quảng Nam, Kon Tum, Nghệ An) đã xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Một số mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đa ngành đã được thực hiện ở một số địa phương có sự hỗ trợ của quốc tế (như Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh) nên việc phối hợp liên ngành, chuyển gửi khá thuận lợi.

Tuy nhiên, trong thực tiễn chúng ta vẫn còn một số tồn tại, khó khăn đó là: Vai trò phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa thật tốt, chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng hay bắt buộc; chưa chủ động, tích cực với việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp được giao; chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến vai trò, trách nhiệm trong thực hiện quy trình; thiếu các cam kết phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam khẳng định, hội thảo này chính là cơ hội để Việt Nam tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và các địa phương để tiến tới xây dựng được tài liệu hướng dẫn và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp một cách hiệu quả để mọi gia đình và trẻ em có thể tiếp cận thuận tiện.

Thời gian qua, UNICEF đã luôn đồng hành với Bộ LĐ-TB&XH trong công tác xây dựng và trình ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án quan trọng về trẻ em, điểm nhấn là Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp. Theo đó, nhu cầu đa chiều của trẻ em bị bạo lực, xâm hại chỉ có thể được đáp ứng tốt hơn trong phương thức xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả theo hướng điều phối và tích hợp nhằm giúp trẻ em, gia đình có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ cần thiết nhanh chóng và dễ dàng. Trên thế giới đã có mô hình Trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa, một chiến lược toàn diện để cung cấp dịch vụ tích hợp và giúp trẻ em cùng gia đình có thể tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu. Do đó sự vào cuộc đồng bộ của dịch vụ công tác xã hội khẩn cấp, dịch vụ công tác xã hội thông thường, dịch vụ cung cấp tại cơ sở y tế, kết hợp yêu cầu điều tra thân thiện với trẻ em và trợ giúp pháp lý là vô cùng cần thiết.

Bà Kim Thanh – Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và vận hành mô hình cung cấp dịch vụ Bảo vệ trẻ em một cửa của TP. Hồ Chí Minh

Bà Kim Thanh – Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và vận hành mô hình cung cấp dịch vụ Bảo vệ trẻ em một cửa của TP. Hồ Chí Minh

Các đại biểu tại hội thảo cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm triển khai về việc xây dựng và vận hành mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa và Quảng Ninh, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một cửa tại TP Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Xuân Huy – Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh chia sẻ mô hình Ngôi nhà Ánh dương ở Quảng Ninh

Anh Nguyễn Xuân Huy – Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh chia sẻ mô hình Ngôi nhà Ánh dương ở Quảng Ninh

Nhiều ý kiến của các đại biểu tại hội thảo đã nêu lên những yêu cầu thực tiễn, bao gồm việc hình thành nhóm công tác liên ngành trong trường hợp xảy ra bạo lực, xâm hại hoặc các vấn đề khác liên quan đến bảo vệ trẻ em, cần hành động tức thời nhằm xác định, giúp đỡ và bảo vệ, không để trẻ em bị tổn hại thêm. Trong đó, lưu ý công tác giám định pháp y cần được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi vụ việc xảy ra nhằm thu thập bằng chứng khởi tố hình sự nếu cần. Cùng với đó, phải đánh giá nguy cơ và lập kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với nạn nhân là trẻ em. Ngoài ra, nhằm tăng hiệu quả của mô hình, cần tạo môi trường thân thiện với trẻ em và dễ tiếp cận, có đội ngũ nhân sự đa ngành, giám định và điều trị y tế được tiến hành tại chỗ nếu có điều kiện hoặc tại bệnh viện gần nhất.

Chị Trần Thúy - Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa chia sẻ mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa

Chị Trần Thúy - Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa chia sẻ mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa

Một số khuyến nghị được đưa ra, bao gồm việc có quy trình liên ngành tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ, phân công trách nhiệm rõ ràng; có hệ thống chuyển tuyến và can thiệp đa ngành, đồng bộ ở các cấp tỉnh, thành, quận huyện, xã, phường. Đặc biệt là phải tăng cường kết nối với Tổng đài quốc gia và các cơ quan trung ương khi cần thiết, kết hợp dịch vụ cung cấp của ngành LĐ-TB&XH. Trong đó, dịch vụ cung cấp bởi các cơ quan, tổ chức liên quan cần phải theo các quy chế, thỏa thuận hợp tác, quy trình chuyển gửi có quy định trách nhiệm và khung thời gian rõ ràng.

Chị Nguyễn Bích Thủy – Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT phát biểu ý kiến

Chị Nguyễn Bích Thủy – Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT phát biểu ý kiến

Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà yêu cầu Cục Trẻ em tiếp thu các ý kiến phát biểu, phối hợp chặt chẽ với UNICEF để xây dựng dự thảo hướng dẫn mô hình, tập trung vào các vấn đề lớn, bao gồm: Xác định nhóm đối tượng thụ hưởng của mô hình (như: trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, lao động trái quy định của pháp luật…); Hướng dẫn cụ thể cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của mô hình (cần lồng ghép, phát huy hiệu quả và gắn với cơ sở/trung tâm hiện có của địa phương). Đồng thời, cụ thể hóa các loại hình dịch vụ cung cấp tại cơ sở, trung tâm, các loại hình dịch vụ cung cấp tại các cơ quan tổ chức khác; hướng dẫn cơ chế hợp tác với các cơ quan tổ chức liên quan, gồm: công an, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tạm lánh, pháp y, trợ giúp pháp lý, cơ quan tư pháp trong việc cung cấp dịch vụ tích hợp cho nạn nhân và gia đình các em. Đặc biệt là điều kiện bảo đảm thực hiện như: nhân sự, cơ sở vật chất và nguồn kinh phí cho triển khai mô hình.

Thời gian tới để phát triển mô hình này bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự chung tay, tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì các tồn tại, khó khăn sẽ dần được tháo gỡ, giải quyết.

Hồng Nga
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Bạo lực đối với trẻ em trong gia đình và nhà trường có xu hướng tăng

Bạo lực đối với trẻ em trong gia đình và nhà trường có xu hướng tăng

11 tháng trước

Tại Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức ChildFund Việt Nam tổ...
Trường học hạnh phúc sẽ đẩy lùi bạo lực

Trường học hạnh phúc sẽ đẩy lùi bạo lực

11 tháng trước

Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nhiều giải pháp đã được đề ra và thực thi nhưng BLHĐ dường như vẫn là “bệnh” chưa...