THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 10:07

Huy động sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam

20/10/2018 | 17:26
 
Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) chia sẻ về việc họ đã chủ động như thế nào trong việc tạo ra những thay đổi cuộc sống và cộng đồng của chính mình. 
 
Hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức xã hội làm việc trong lĩnh vực giới tại các vùng dân tộc thiểu số, các cơ quan LHQ, các Học viện, trường Đại học và Ủy ban Dân tộc đã tham gia Hội thảo. Từ những câu chuyện chia sẻ của các phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) về việc họ đã chủ động như thế nào trong việc tạo ra những thay đổi cuộc sống và cộng đồng của chính mình, các đại biểu đã nhiệt tình tham gia và đóng góp cho các thảo luận sinh động và phong phú. 

Việt Nam là một đất nước có sự đa dạng về tộc người. Trên lãnh thổ Việt Nam có 54 dân tộc sinh sống, trong đó 53 nhóm được coi là các nhóm DTTS. Mỗi dân tộc đều sở hữu những truyền thống và thực hành văn hóa giàu có. Tuy nhiên, do phải đối mặt với rất nhiều rào cản về văn hóa, xã hội và địa lý, các nhóm DTTS vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. 

Thêm vào đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong các cộng đồng DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường bị hạn chế tiếp cận các cơ hội, nguồn lực và tiếng nói của họ ít được lắng nghe. Họ thường gặp phải sự phân biệt đối xử vì giới tính cũng như gốc gác của mình. Điều này khiến họ có nguy cơ bị bỏ rơi, lề hóa và luẩn quẩn trong vòng đói nghèo. 

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách nhằm giảm đói nghèo tại các vùng DTTS. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng vẫn thường ở vị thế hưởng thụ thụ động, chưa trở thành các nhân tố thay đổi tích cực. Thêm vào đó, nhiều chương trình, chính sách chưa cân nhắc tới các nhu cầu, mong đợi riêng biệt của phụ nữ và trẻ em DTTS.

Cuộc Hội thảo tập trung thảo luận biện pháp để các tổ chức xã hội có thể hợp tác để đảm bảo rằng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, bao gồm chương trình 135 thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, trở nên nhạy cảm giới hơn. Các thảo luận nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội trong việc là cầu nối giữa các chính sách đang dần đổi mới và việc triển khai chúng trên thực tế. Ngoài ra, thông qua các đối thoại mở tại hội thảo, các đại biểu đã có những thảo luận sôi nổi về các cách làm hiệu quả nhằm phát huy tối đa khả năng và tri thức của phụ nữ DTTS tại cộng đồng. 

Chị Sầm Thị Xinh, thành viên nhóm đồng nghiên cứu Bắc Kạn chia sẻ: “Mình rất vui khi chính mình tự tìm hiểu những vấn đề của cộng đồng mình mà không phải là người khác từ bên ngoài, mình có cơ hội được nói và có chứng cứ, kiểu nói có sách mách có chứng”.

Đại diện UN Women, bà Nguyễn Thị Thúy bày tỏ hy vọng: “thông qua làm việc cùng nhau và học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể đảm bảo rằng nhu cầu và mong đợi của phụ nữ và trẻ em gái DTTS được cân nhắc và đặt vào vị trí trung tâm trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng DTTS”.

“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào năng lực nội tại của phụ nữ DTTS. Là các tổ chức xã hội, vai trò của chúng ta là đồng hành cùng họ, tin vào họ, và tạo ra nhiều cơ hội để họ thực hành quyền và tính tự quyết của mình. Và chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm như vậy.” – Bà Lương Minh  Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường iSEE nói. 

Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức về các thành công và trở ngại trên hành trình lồng ghép giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.  Từ đó, các đại biểu cho rằng, họ mong đợi sẽ nhìn thấy ngày càng nhiều hơn các phụ nữ DTTS thực sự phát huy nội lực và tham gia vào tiến trình phát triển tại Việt Nam.

T.Vân/ GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...